Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông và Vận tải, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch...
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại Phiên họp Ảnh: Quang Khánh
Trong phiên họp buổi sáng, Ủy ban Kinh tế đã cho ý kiến về đánh giá bổ sung về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2017. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Kỳ họp thứ 2, trên cơ sở kết quả thực hiện 9 tháng, Chính phủ đã báo cáo ước thực hiện cả năm 2016, đến nay, kết quả đánh giá lại cho thấy không có sự thay đổi nhiều so với số đã báo cáo. Trong số 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, có 02 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2017, qua 4 tháng đầu năm nay cho thấy GDP Quý I/2017 ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây. Hoạt động doanh nghiệp tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; khách du lịch quốc tế tăng mạnh so với cùng kỳ; đầu tư trực tiếp của nước ngoài tăng cả về số dự án cấp phép và số vốn đăng ký.
Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với đánh giá kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát trong giới hạn cho phép, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, một số ngành, lĩnh vực tiếp tục đà phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, đánh giá lại tình hình kinh tế- xã hội năm 2016 vẫn đang gặp không ít khó khăn, thách thức lớn, do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần đánh giá thực chất hơn về chỉ tiêu GDP, tình hình xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI lớn và các thị trường xuất khẩu trọng điểm, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, việc xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường và các giải pháp nâng cao năng suất lao động...
Về tình hình năm 2017, Ủy ban Kinh tế đề cập về một số thách thức như tăng trưởng GDP vẫn đạt mức thấp và khó có thể đạt được mức 6,7% theo Nghị quyết của Quốc hội. Bên cạnh đó, lạm phát và nhập siêu có xu hướng tăng cao trở lại gây áp lực lên nền kinh tế trong những tháng cuối năm. Tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển còn chậm, ước tính đến 30.4.2017, giải ngân vốn đầu tư phát triển mới chỉ đạt 19,2% kế hoạch năm đã được Quốc hội thông qua. Vì vậy, để đạt được các chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội, các ý kiến đề xuất một số giải pháp cần thực hiện từ nay đến cuối năm, đó là: Tăng tốc độ giải ngân các nguồn vốn, nhất là đầu tư tư nhân và FDI; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân; tập trung triển khai các dự án hạ tầng giao thông; đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để có thêm nguồn lực đầu tư.
Trong phiên họp buổi chiều, Ủy ban Kinh tế thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Theo dự kiến, sau khi kết thúc Phiên họp toàn thể, Ủy ban Kinh tế sẽ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp tháng 5/2017 về các nội dung trên trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.