Thường trực Ủy ban Kinh tế họp mở rộng thẩm tra đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại VCB

17/09/2024

Chiều 17/9, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế họp mở rộng thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thăm, tặng quà một số đơn vị, hộ dân chịu thiệt hại do bão số 3 tại Quảng Ninh

Quang cảnh phiên họp

Tham dự phiên họp có đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tài chính – Ngân sách; đại diện Viện Nghiên cứu lập pháp; đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính; Ban lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam cùng một số cơ quan hữu quan.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội đã giao Chính phủ chỉ đạo xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021- 2023 cho các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú 

Triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội, tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án tăng vốn điều lệ nêu trên cho các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Do vậy, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 là phù hợp với quy định hiện hành.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành với việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 do các chỉ số của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam về hiệu quả kinh doanh, lợi nhuận… đều ở mức cao so với mức bình quân thị trường. Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam cũng luôn thể hiện vai trò tiên phong trong thực hiện các chính sách của nhà nước, đặc biệt là trong thực hiện chủ trương hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid – 19. Trong khi đó, việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam cũng tạo điều kiện để ngân hàng này tham gia hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên phát biểu

Cùng với đó, một số ý kiến cũng lưu ý, theo quy định tại khoản 1, Điều 8 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 thì Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2022 đến ngày 31/12/2023. Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội cũng chỉ cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước bố trí cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến hết ngày 31/12/2024.

Trong khi đó, theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và Luật Đầu tư cũng có thể thực hiện đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại ngân hàng này. Do đó, Tờ trình của Chính phủ cần cân nhắc đưa cơ sở của đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam là để triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam phát biểu giải trình

Sau khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú và Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam Nguyễn Thanh Tùng đã giải trình, làm rõ một số vấn đề được các đại biểu quan tâm.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với sự cần thiết trình Tờ trình của Chính phủ về đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021. Tuy nhiên, để tăng tính thuyết phục, Tờ trình của Chính phủ cần tiếp tục bổ sung cơ sở về chính trị, về pháp lý, nhu cầu tăng năng lực hoạt động của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, cũng như tác dụng của việc này đối với thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu kết luận

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị, các cơ quan chức năng cần bổ sung một số tài liệu trong hồ sơ trình đề xuất này của Chính phủ tuân thủ đúng quy định của Điều 49, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; rà soát một số số liệu đưa vào Tờ trình của Chính phủ để bảo đảm tính chính xác; rà soát lại để có cách thể hiện phù hợp đề xuất này trong dự thảo nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 8.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Quang cảnh phiên họp

Các đại biểu tại phiên họp

Phó Thống Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú trình bày Tờ trình

Các đại biểu nghiên cứu Tờ trình của Chính phủ về đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên phát biểu

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu

Lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam phát biểu giải trình

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu kết luận phiên họp./.

Hồ Hương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác