Đồng chủ trì Hội thảo có đồng chí Nguyễn Đức Hải – Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Việt nam và đồng chí Vi-lay-vông Bút-đa-khăm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, Tài chính và Kiểm toán của Quốc hội Lào.
Tham dự hội thảo, về phía Việt Nam có các thành viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách; Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội và đại diện lãnh đạo Bộ, các cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước. Phía Lào có các đại biểu Quốc hội, các thành viên Ủy ban Kế hoạch, Tài chính và Kiểm toán của Quốc hội Lào, lãnh đạo HĐND thủ đô Viên Chăn và các tỉnh, đại diện các cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính Lào.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Việt nam Nguyễn Đức Hải và đồng chí Vi-lay-vông Bút-đa-khăm - Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, Tài chính và Kiểm toán của Quốc hội Lào đồng chủ trì hội thảo
Tạị hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Việt Nam cho biết, sau hơn 30 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, tăng trưởng kinh tế đạt cao trong khu vực. Sự ổn định của hệ thống chính trị đã giúp Việt Nam từ một nước nghèo được xếp vào nhóm các nước đang phát triển và trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình. Việt Nam cũng là quốc gia thành viên của các tổ chức lớn trên thế giới; tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Nền tài chính công của Việt Nam ngày càng tiệm cận với các chuẩn mực chung của các tổ chức quốc tế, hệ thống pháp luật, chính sách quản lý kinh tế, tài chính ngày càng hoàn thiện, góp phần tăng cường nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, đảm bảo được các nhiệm vụ chi tiêu của nền kinh tế; đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo.
Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và quốc tế, chính sách tài khoá của Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức do các yếu tố bên ngoài cũng như những bất cập nội tại bên trong như thu ngân sách thiếu tính bền vững, phụ thuộc nhiều vào các khoản thu không tái tạo; đồng thời, tiến trình hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế và cam kết gia nhập các hiệp định thương mại tự do, xu thế giảm thuế suất sẽ tác động không nhỏ làm giảm nguồn thu ngân sách.
Tại hội thảo, Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước Việt nam cũng chia sẻ với Ủy ban Kế hoạch, Tài chính và Kiểm toán của Quốc hội Lào về những kinh nghiệm trong việc hoạch định chính sách tài chính của Việt Nam, bao gồm chiến lược cải cách hệ thống thuế; kinh nghiệm kiểm toán nhà nước; quy trình, thủ tục xây dựng pháp luật; kinh nghiệm thẩm tra dự toán, phân bổ, quyết toán ngân sách nhà nước.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Việt nam Nguyễn Đức Hải và đồng chí Vi-lay-vông Bút-đa-khăm - Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, Tài chính và Kiểm toán của Quốc hội Lào cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Kết thúc hội thảo, Đồng chí Vi-lay-vông Bút-đa-khăm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, Tài chính và Kiểm toán của Quốc hội Lào thay mặt phía Đoàn đại biểu Quốc hội Lào bày tỏ sự cảm ơn tới Quốc hội Việt Nam, Uỷ ban Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo rất có ý nghĩa này. Những kinh nghiệm chia sẻ trong hội thảo sẽ giúp các Đại biểu Quốc hội Lào rất nhiều trong công tác xây dựng chính sách pháp luật lĩnh vực tài chính, ngân sách, nhất là dự thảo luật trình Quốc hội Lào cho ý kiến trong phiên họp thường kỳ tới đây.
Đây là hội thảo trao đổi kinh nghiệm được tổ chức hai năm một lần giữa Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Việt nam và Ủy ban Kế hoạch, Tài chính và Kiểm toán của Quốc hội Lào về các chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách nhà nước. Thông qua hoạt động hội thảo trao đổi kinh nghiệm, phía các thành viên hai Đoàn đại biểu Quốc hội hy vọng sẽ nâng cao nhận thức chung trong lĩnh vực tài chính ngân sách, đồng thời thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị gắn bó giữa Quốc hội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào./.