Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi)
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo, Giám đốc Quốc gia USAID Việt Nam Michael Greene chủ trì hội thảo.
Tham sự hội thảo còn có đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chuyên gia pháp luật cạnh tranh của Hoa Kỳ, cựu Chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ Terry Calvany, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp, các tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho biết, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và nhất trí với nội dung cơ bản của dự án Luật do Chính phủ trình đồng thời đóng góp nhiều ý kiến cho dự án luật.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên phát biểu tại hội thảo
Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 22 và đang trong quá trình xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên chia sẻ, hội thảo nhằm cung cấp thông tin và giới thiệu đến các đại biểu tham dự về những nội dung mới đã được giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) so với dự thảo đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Cùng với đó, ban tổ chức mong muốn có thêm nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia để tiếp tục hoàn thiện dự án luật bảo đảm chất lượng trình Quốc hội xem xét thông qua.
Nguyên Chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ Terry Calvani chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về một số vấn đề trong dự thảo luật
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe giới thiệu các nội dung chính và những điểm mới của dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi), chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về một số vấn đề trong dự thảo luật, thảo luận và góp ý về dự án Luật.
Các đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo trong hoàn thiện dự thảo luật; khẳng định vai trò của Luật Cạnh tranh là đạo luật quan trọng, tác động lớn tới cộng đồng doanh nghiệp và là công cụ quản lý hiệu quả đảm bảo môi trường cạnh tranh phát triển lành mạnh. So với Luật hiện hành, Dự thảo đã có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng, phù hợp hơn với yêu cầu phát triển của thị trường và nâng cao hiệu quả khi áp dụng Luật này trong thực tế.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội thảo
Sửa đổi Luật Cạnh tranh lần này góp phần giải quyết nhiều vấn đề như hành vi cạnh tranh không lành mạnh, tập trung kinh tế, các hành vi hạn chế cạnh tranh, tố tụng và điều tra các trường hợp vi phạm cạnh tranh, các biện pháp trừng phạt so với các biện pháp khoan hồng, sự cần thiết phải hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước phù hợp với các thỏa thuận của Tổ chức Thương mại Thế giới và các hiệp định quốc tế khác.
Nhiều vấn đề được các đại biểu tham gia thảo luận sôi nổi. Trong đó, vấn đề được quan tâm nhiều nhất là quy định cơ cấu tổ chức, thẩm quyền của Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia như thế nào để bảo đảm tính độc lập của cơ quan này; thẩm quyền các vụ việc cạnh tranh ngoài lãnh thổ; đánh giá tác động hạn chế cạnh tranh, mối quan quan hệ với sức mạnh thị trường.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh tiếp thu, giải trình một số vấn đề trao đổi tại hội thảo
Tiếp thu các ý kiến đóng góp tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh khẳng định các quy định của dự thảo Luật bảo đảm được tính độc lập của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng như bảo đảm cho việc thực thi chức năng quản lý nhà nước cũng như giải quyết các vụ việc cạnh tranh của cơ quan này. Ghi nhận các ý kiến trao đổi tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết sẽ tổng hợp đầy đủ để nghiên cứu tiếp thu để quy định cụ thể hơn các điều khoản mà các đại biểu kiến nghị.
Kết thúc hội thảo, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên khẳng định, đây là hội thảo rất quan trọng, cùng với ý kiến đóng góp của 63 đoàn đại biểu Quốc hội, những ý kiến trong hội thảo sẽ được cơ quan thẩm tra Dự án Luật Cạnh tranh tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo trình ra Quốc hội vào tháng 5 tới.