THẨM TRA TỜ TRÌNH ĐỀ NGHỊ CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHƯƠNG TRÌNH NĂM 2019, ĐIỀU CHỈNH CHƯƠNG TRÌNH 2018

06/04/2018

Sáng 06/4, tại Nhà Quốc hội, trong khuôn khổ chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 11, Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra Tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp trình bày Tờ trình tại phiên họp

Theo Tờ trình, đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2019, điều chỉnh Chương trình năm 2018 được lập theo nguyên tắc ưu tiên bổ sung Chương trình năm 2018, đưa vào Chương trình năm 2019 các dự án luật sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo ý kiến chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là các dự án nhằm kịp thời triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 và Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Đồng thời ưu tiên các dự án luật, pháp lệnh liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, đầu tư, kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành và quy hoạch nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tái cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là tái cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, việc dự kiến Chương trình 2019, điều chỉnh chương trình năm 2018 cần đảm bảo tính khả thi, tránh dồn quá nhiều vào một cơ quan soạn thảo, thảm tra, nhằm đảm bảo chất lượng, tiến độ soạn thảo và thẩm tra dự án, đảm bảo tính ổn định của Chương trình năm 2018 đã được Quốc hội thông qua.

Các thành thành viên Ủy ban Pháp luật tham gia phiên họp toàn thể

Về nguyên tắc lập và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Thường trực Ủy ban Pháp lập tán thành với nguyên tắc đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, đồng thời đề nghị bổ sung và nhấn mạnh một số nguyên tắc sau: việc điều chỉnh trương trình năm 2018 không làm ảnh hưởng, thay đổi chương trình đã được Quốc hội quyết định, chỉ cho rút, lùi thời gian trình để tiếp tục chuẩn bị đối với những dự án mà việc chuẩn bị chưa đảm bảo chất lượng, nhưng phải có báo cáo cụ thể về nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan tổ chức có liên quan; các dự án đã có trong chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 sẽ tiếp tục được đưa vào chương trình thông qua trong năm 2019 nếu không phát sinh chính sách mới; những dự án được đưa vào Chương trình phải đáp ứng đầy đủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có sự đồng thuận cao giữa cơ quan được giao chủ trì thẩm tra và cơ quan trình dự án.

Theo ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 sau khi điều chỉnh sẽ là: Tại kỳ hợp thứ 5, trình Quốc hội thông qua 09 luật và 01 nghị quyết, cho ý kiến vào 11 dự án luật. Tại kỳ họp thứ 6, trình Quốc hội thông qua 15 luật và cho ý kiến 5 dự án luật, bổ sung dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường.

Toàn cảnh Phiên họp toàn thể lần thứ 11 Ủy ban Pháp luật

Trên cơ sở nội dung Chính phủ trình và ý kiến thẩm tra của các Ủy ban, dự kiến chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2019 sẽ gồm 15 dự thảo luật và 01 dự thảo nghị quyết của Quốc hội, cụ thể: Tại kỳ họp thứ 7, trình Quốc hội thông qua 05 luật và 01 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến 07 dự án luật. Tại kỳ họp thứ 8, trình Quốc hội thông qua 07 luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, cho ý kiến 03 dự án luật.

Thảo luận tại phiên họp, đã số thành viên Ủy ban bày tỏ sự tán thành cao với nội dung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Các thành viên Ủy ban đề nghị Chính phủ báo cáo thêm với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về các giải pháp sẽ thực hiện để khắc phục những tồn tại, hạn chế đã nêu trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; đề nghị Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam báo cáo thêm về tình hình chuẩn bị, nội dung, tiến độ các dự án luật được cơ quan có thẩm quyền giao. Bên cạnh đó, một số thành viên cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường theo dõi, đôn đốc sát sao để bảo đảm tiến độ, chất lượng việc trình các dự án của các cơ quan; kiên quyết không trình Quốc hội những dự án không đảm bảo chất lượng và hồ sơ, tiến độ; kiểm điểm, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của việc không hoàn thành Chương trình để báo cáo Quốc hội.

Hồ Hương

Các bài viết khác