Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị ở nước ta đã tạo thành một khối thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam với sự trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tuy nhiên, trước những yêu cầu ngày càng cao trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, xây dựng một nền hành chính trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với xu hướng chuyển đổi sang nền hành chính phục vụ, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế, một số quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã bộc lộ bất cập nhất định, được chỉ ra trong Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng và thông báo kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Toàn cảnh hội nghị
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đang được Bộ Nội vụ xây dựng, hoàn thiện, theo đó, đã chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức hiện hành như vấn đề tách bạch giữa đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức; vấn đề về vị trí việc làm; về công tác tuyển dụng công chức; về chính sách thu hút nhân tài; về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức; về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức…
Dự án Luật cũng đã đề xuất 11 chính sách để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, cụ thể:
- Không quy định là công chức đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước); Bỏ quy định áp dụng Luật Cán bộ, công chức đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước;
- Hoàn thiện quy định về vị trí, việc làm theo hướng xác định rõ việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá công chức được thực hiện trên cơ sở vị trí việc làm;
- Đổi mới công tác tuyển dụng công chức, giao Chính phủ quy định tuyển dụng công chức theo chế độ hợp đồng làm việc phù hợp với vị trí việc làm trong bộ máy công vụ;
- Thu hút nhân tài vào làm việc trong bộ máy của hệ thống chính trị;
- Quy định phân cấp tổ chức thi nâng ngạch cho các cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức; bổ sung quy định xét nâng ngạch đối với công chức; đẩy mạnh cơ chế thi tuyển lãnh đạo;
- Đổi mới công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo hướng định lượng, xuyên suốt, đa chiều; Quy định cụ thể thẩm quyền đánh giá cán bộ, công chức, viên chức của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Sửa đổi quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật; Bổ sung quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác nhưng có hành vi vi phạm trong thời gian công tác;
- Thực hiện liên thông, bình đẳng, nhất quán giữa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã với đối ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị;
- Đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập;
- Thống nhất thực hiện hợp đồng có thời hạn đối với trường hợp viên chức được tuyển dụng mới (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn);
- Quy định thống nhất về chế độ đối với viên chức khi chấp dứt hợp đồng làm việc; Quy định liên thông trong việc chuyển đổi giữa viên chức với cán bộ, công chức và giữa cán bộ, công chức với viên chức;
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu Quốc hội, các đại biểu đại diện các Bộ, Ban, ngành có liên quan đã tập trung thảo luận về một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức như thực tiễn triển khai các quy định về vị trí việc làm, xác định nguyên tắc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá công chức trên cơ sở xác định vị trí việc làm; Giải pháp để thu hút nhân tài và cần cụ thể hoá trong Dự luật như thế nào? Các tiêu chí phân loại, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức… Đa số các đại biểu đều nhất trí sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu còn băn khoăn về phạm vi sửa đổi, cho rằng đây là hai luật quan trọng, ảnh hưởng lớn đến bộ máy nhà nước, nên cần nghiên cứu kỹ, cân nhắc phạm vi sửa đổi, nếu cần thiết có thể đề xuất sửa đổi toàn diện./..