Toàn cảnh phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, các ý kiến tại phiên họp thẩm tra sơ bộ đều thống nhất cao với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô năm 2012 để sớm có luật mới kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế, tháo gỡ vướng mắc, những vấn đề bức xúc riêng của Thủ đô – một đô thị lớn của cả nước đồng thời là trung tâm chính trị, hành chính của cả nước, trung tâm kinh tế lớn. Do đó việc ban hành luật cũng phải phát huy được tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô xứng tầm với vị trí, vai trò và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển chung của cả nước.
Các đại biểu cũng đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án Luật của Chính phủ đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 26 (tháng 9/2023).
Các đại biểu cơ bản thống nhất với phạm vi điều chỉnh, mục đích và quan điểm chỉ đạo sửa đổi Luật được Chính phủ nêu Tờ trình. Cụ thể là:
Thứ nhất, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 15-NQ/TW và các chủ trương có liên quan đến phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW và các nghị quyết khác của Đảng có liên quan.
Các đại biểu tham dự phiên họp
Thứ hai, quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013. Luật Thủ đô cần đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật, không phải là đạo luật thay thế toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành, áp dụng riêng cho Thủ đô.
Thứ ba, bám sát 09 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa tại dự thảo Luật các cơ chế, chính sách cụ thể, thực sự mang tính đặc thù vượt trội và đột phá về thể chế nhằm phát huy thế mạnh của Thủ đô.
Thứ tư, cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; những vấn đề cần ủy quyền lập pháp thì nên ủy quyền cho các chủ thể có thẩm quyền quy định theo pháp luật hiện hành, bảo đảm tính khả thi và tính đồng bộ. Đồng thời với việc phân quyền mạnh mẽ, cần quy định tương ứng trách nhiệm của Hà Nội cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền Thành phố.
Thứ năm, kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô 2012; các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô. Theo sát quá trình chỉnh lý, hoàn thiện các Luật có liên quan đang được sửa đổi, bổ sung (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...) để bảo đảm những vấn đề đang đặt ra đối với Thủ đô đã được xử lý, thì không quy định lại tại dự án Luật Thủ đô; nếu chưa được xử lý hoặc nội dung chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Thủ đô thì sẽ đề xuất quy định tại Luật Thủ đô.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu
Bên cạnh đó, các ý kiến tại phiên họp thẩm tra cũng nhấn mạnh một số quan điểm, nguyên tắc. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh “hồn cốt” của Luật Thủ đô là vấn đề phân quyền, để từ đó có những cơ chế, chính sách đặc thù nhưng vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc, quan điểm đã đề ra.
Đồng thời, phân cấp, phân quyền có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lưu ý, các cơ chế, chính sách đặc thù phải gắn với nguồn lực thực hiện nên cần tránh tình trạng đưa vào quá nhiều nội dung cơ chế chính sách, không đưa vào thì sợ thiếu mà đưa vào lại không thực hiện được. Cần hạn chế những cơ chế, chính sách giảm bớt đóng góp về ngân sách trung ương, mà cần là những chính sách có khả năng tạo ra nguồn lực. Vì vậy những chính sách như định cho phép thành phố Hà Nội áp dụng quản lý, vận hành và khai thác tài sản công theo phương thức nhượng quyền kinh doanh, quản lý đối với các công trình, hạ tầng văn hóa, thể thao do Nhà nước đầu tư trên địa bàn Thủ đô. Đây là biện pháp phù hợp, giúp huy động nguồn lực xã hội tham gia, hợp tác với Nhà nước khai thác, vận hành và bảo trì có hiệu quả, đúng công năng của công trình văn hóa, thể thao hay chính sách về liên kết, phát triển vùng Thủ đô…là những nội dung cần được phát huy.
Chỉ rõ dự thảo Luật quy định về phân cấp, phân quyền chủ yếu là cho chính quyền cấp thành phố, một số nội dung cụ thể có thể phân quyền trực tiếp đến đến chính quyền thành phố thuộc thành phố, chính quyền các quận, cấp huyện, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng những nội dung này và phải có kèm theo điều kiện là có được phân cấp, ủy quyền tiếp hay không.
Các đại biểu tham dự phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, những nội dung của Luật Thủ đô năm 2012 đã được thực tế kiểm nghiệm cho thấy phù hợp và phát huy hiệu quả thì tiếp tục kế thừa. Đối với những nội dung cơ chế, chính sách đặc thù đang được thực hiện thí điểm theo các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù quy định cho các địa phương thì cần rà soát và đánh giá kỹ bởi nội dung đưa vào luật phải đảm bảo tính ổn định, lâu dài. Do đó cần hết sức cân nhắc, thận trọng và kỹ lưỡng đối với những cơ chế, chính sách mới đang thí điểm thực hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, các cơ chế cũng cần phải đảm bảo tính cụ thể, có cơ sở để thực hiện. Nếu dự thảo Luật chỉ quy định theo hướng quy định nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết thì sẽ dễ phát sinh những vướng mắc, chờ đợi trong quá trình triển khai thực hiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng lưu ý, Luật Thủ đô phải đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật nên không quy định lại các nội dung đã được quy định tại luật khác. Trong quá trình sửa đổi Luật Thủ đô cũng cần phải bảo đảm đồng bộ với các luật đang được sửa đổi như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai hay các luật được trình trong cùng Kỳ họp thứ 6 tới.
Về áp dụng pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết một số ý kiến đề xuất không đưa ra quy định quá đặc thù về áp dụng pháp luật trong Luật Thủ đô, nhưng các luật ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực mà có quy định liên quan đến Thủ đô, liên quan đến chính sách đặc thù đã được quy định trong Luật Thủ đô thì phải có quy định cụ thể việc áp dụng quy định mới hay không áp dụng quy định mới mà áp dụng cơ chế đặc thù. Quy định theo hướng này đòi hỏi yêu cầu cao hơn đối với các cơ quan cơ quan trình, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra các luật sau này nhưng chỉ như vậy mới đảm bảo nguyên tắc pháp chế và nguyên tắc quy định trong Luật Ban hành văn bản phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ.
Trên cơ sở các ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị các cơ quan của Quốc hội tham gia phối hợp thẩm tra sớm có ý kiến chính thức để Thường trực Ủy ban Pháp luật hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) tại phiên họp thứ 26./.