Tham gia phiên họp còn có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Lê Thị Thìn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương Nguyễn Anh Cương, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Hoàng Quốc Thưởng, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan cùng các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Ủy ban Pháp luật thẩm tra các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hải Dương
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, đây là hai đề án rất lớn, các địa phương đã chuẩn bị rất tích cực, trong đó Thanh Hóa là địa phương đi đầu trong tổ chức thực hiện. Theo nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021 thì sẽ có 46 tỉnh có đề án tương tự và dự kiến giảm được hơn 600 xã và một số huyện và trong năm 2019 cơ bản phải thực hiện xong việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Do đó, nhiệm vụ sắp tới của Ủy ban trong việc thẩm tra các đề án của các tỉnh là hết sức nặng nề và gấp rút
Tại phiên họp này, Ủy ban Pháp luật nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ và xem xét các vấn đề có tính tổng thể và thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 và thành lập thị trấn Nưa thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa thì tỉnh Thanh Hóa sẽ sắp xếp 146/635 đơn vị hành chính cấp xã (chiếm 22,9% tổng số đơn vị cấp xã của toàn tỉnh) tại 26/27 huyện,thị. Sau khi sắp xếp, tỉnh Thanh Hóa sẽ giảm được 76 đơn vị hành chính cấp xã, từ 635 đơn vị xuống còn 559 đơn vị. Trong khi đó, nếu theo quy định thì diện buộc phải sắp xếp của tỉnh Thanh Hóa chỉ có 69 đơn vị, như vậy tỉnh đã thực hiện vượt chỉ tiêu, yêu cầu. Cũng theo đề án này, đề nghị thành lập thị trấn Nưa trên cơ sở nguyên trạng xã Tân Ninh thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Việc thành lập thị trấn đạt 4/4 tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 và 05 điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 128 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Theo Đề án tổng thể về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2019-2021; mở rộng địa giới hành chính thành phố Hải Dương; điều chỉnh địa giới hành chính một số phường, xã, thành lập 02 phương Tân Hưng và Nam Đồng thuộc thành phố Hải Dương, đề nghị sắp xếp 55 đơn vị hành chính cấp xã trên toàn tỉnh. Sau khi sắp xếp tỉnh sẽ giảm từ 265 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 235 đơn vị, giảm được 30 đơn vị. Đồng thời đề nghị mở rộng thành phố Hải Dương, nhập 02 xã và thành lập 02 phường thuộc thành phố Hải Dương.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, căn cứ theo quy định thì Hải Dương buộc phải sắp xếp 27 đơn vị, với lần sắp xếp này, Hải Dương đã sắp xếp 55 đơn vị vượt yêu cầu đề ra. Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề cần phải lưu ý trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hải Dương.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên họp
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến phát biểu cơ bản đồng ý với đề án của tỉnh Thanh Hóa và của tỉnh Hải Dương; đồng thời lưu ý thêm một số vấn đề, đề nghị Chính phủ và địa phương có văn bản giải trình.
Theo đó, đề nghị sắp xếp giai đoạn này phải có tính toán tầm nhìn cho giai đoạn sau để bảo đảm sự ổn định tương đối, vừa thực hiện được Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vừa bảo đảm sự ổn định đời sống của nhân dân.
Việc nhập xã lớn vào thị trấn nhỏ, một số ý kiến cho rằng không hợp lý do diện tích lớn, yêu cầu đầu tư phát triển cơ sở đô thị sẽ rất khó khăn, đồng thời theo khoản 4 Điều 3 Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 thì cho phép nhập xã vào thị trấn lấy tên thị trấn nhưng cần phải có văn bản báo cáo giải trình, cụ thể với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó đề nghị Chính phủ và địa phương có báo cáo bổ sung về vấn đề này.
Trong quá trình sắp xếp, đề nghị Chính phủ chỉ đạo địa phương tiến hành bảo đảm chế độ chính sách cho người nghèo, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi của bà con nhân dân; quan tâm đầu tư phát triển đô thị, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội để sau khi sáp nhập thì điều kiện của dân cư tốt hơn; quan tâm giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ nhất là cán bộ dôi dư, bảo đảm quyền lợi, động viên tinh thần cán bộ sau sắp xếp. Cùng với đó cũng phải lưu ý đến việc quản lý tài chính công, tài sản công sau sắp xếp, nhất là quản lý, sử dụng có hiệu quả các trụ sở dôi dư; quan tâm đầu tư phát triển khu vực đô thị; quan tâm đào tạo cán bộ quản lý tại các xã sau sắp xếp; thực hiện chính quy công an xã…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định ghi nhận sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng của các cơ quan, qua thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật đánh giá cao Đề án của tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hải Dương. Đây là hai tỉnh đi đầu trong thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban tiếp tục hoàn thiện Tờ trình, Đề án, báo cáo giải trình thêm về việc lấy ý kiến nhân dân, phương án sắp xếp cán bộ dôi dư, chế độ chính sách…để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng cho biết, Ủy ban Pháp luật lấy phiếu xin ý kiến các thành viên Ủy ban đối với các Đề án này; đồng thời đề nghị Thường trực Ủy ban hoàn thiện báo cáo thẩm tra để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.