NHẤT TRÍ TRÌNH UBTVQH BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT QUY ĐỊNH MỘT SỐ NỘI DUNG LIÊN QUAN ĐỂ SẮP XẾP ĐVHC ĐÔ THỊ

16/08/2024

Sáng 16/8, trong khuôn khổ Chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 25, Ủy ban Pháp luật thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định một số nội dung liên quan đến các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính là đô thị giai đoạn 2023 -2025. Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.

ỦY BAN PHÁP LUẬT TÁN THÀNH BỔ SUNG DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẢO HIỂM Y TẾ VÀO CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2024

ỦY BAN PHÁP LUẬT THẨM TRA TỜ TRÌNH CỦA CHÍNH PHỦ VỀ SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP HUYỆN, CẤP XÃ

Quang cảnh phiên họp

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, công tác triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) đã diễn ra trên địa bàn 56 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chính phủ đã có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện cũng như các vướng mắc, khó khăn.

Vì vậy, mục đích ban hành Nghị quyết để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giảm bớt thời gian hoàn thiện các bước; áp dụng cho các ĐVHC cấp huyện, cấp xã là đô thị cơ bản đáp ứng nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính về phù hợp quy hoạch và bảo đảm chất lượng đô thị; Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm các cấp, các ngành trong việc hoàn thiện các hồ sơ về quy hoạch đô thị, đánh giá chất lượng đô thị. Quan điểm xây dựng Nghị quyết nhằm cụ thể hóa chủ trương, chỉ đạo của Đảng về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030; Tuân thủ đồng bộ thống nhất giữa các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, phân loại đô thị, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính trước và sau khi sắp xếp.

Dự thảo Nghị quyết gồm 06 Điều với các nội dung cơ bản, gồm: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Quy định áp dụng về đánh giá phân loại đô thị để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính là thành phố, thị xã giai đoạn 2023-2025; Quy định áp dụng về đánh giá phân loại đô thị là thị trấn để thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025; Quy định thành phần hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đối với các trường hợp quy định tại dự thảo Nghị quyết; Quy định việc khảo sát phục vụ việc thẩm định đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã;…

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng cho biết, các quy định trong dự thảo Nghị quyết không có nội dung trái với các điều ước quốc tế liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; bảo đảm tuân thủ đồng bộ thống nhất giữa các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, phân loại đô thị, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính.

Về số lượng các đơn vị hành chính đô thị đủ điều kiện thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính đô thị dự kiến sẽ hỗ trợ được là khoảng hơn 30 thị trấn, 08 phường và 01 thành phố.

Ngoài ra, về bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng đô thị, trình tự thủ tục phân loại đô thị theo quy định của các pháp luật về quy hoạch đô thị và phân loại đô thị, dự thảo Nghị quyết được thực hiện trên nguyên tắc việc sắp xếp đơn vị hành chính đô thị đảm bảo phù hợp với quy hoạch và chất lượng đô thị. Dự thảo quy định cho phép thực hiện đồng thời 02 công việc về công nhận kết quả đánh giá phân loại đô thị với công tác thẩm định Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong một số trường hợp…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy

Cho ý kiến tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, thống nhất nhiều nội dung điều chỉnh Chính phủ đã đề nghị. Dự thảo Nghị quyết được xây dựng và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn là phù hợp, Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã bảo đảm đầy đủ theo quy định. Theo các đại biểu, cần bổ sung các giải pháp có hiệu quả để đơn giản hơn nữa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện đối với công tác lập, điều chỉnh quy hoạch và đánh giá, phân loại đô thị nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện đề án và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị cần xem xét bổ sung quy định về việc: Cho phép Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đề án sắp xếp ĐVHC của các địa phương đang thực hiện thủ tục lập hoặc điều chỉnh quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị có liên quan để bảo đảm đáp ứng yêu cầu phù hợp với quy hoạch tại khoản 3 Điều 2 của Nghị quyết số 35 nhưng chưa đến bước được phê duyệt nhằm bảo đảm tiến độ thực hiện sắp xếp;  Cho phép kéo dài thời gian thực hiện việc đánh giá, phân loại đô thị đối với các thị xã, thành phố hình thành sau sắp xếp đến trước ngày 31/12/2025 như đối với quy định áp dụng cho thị trấn. 

Bên cạnh đó, vẫn còn ý kiến băn khoăn về việc cho phép kéo thời gian hoàn thành công tác quy hoạch và đánh giá, phân loại đô thị cho đến sau khi thực hiện sắp xếp, thành lập ĐVHC bởi lo ngại về khả năng thực hiện các nội dung cam kết; trường hợp chưa kịp thực hiện sắp xếp trong giai đoạn này thì vẫn có thể chuyển sang giai đoạn 2026 - 2030.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Kim Nhung

Góp ý vào nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết, các ý kiến đề nghị, từ việc đề xuất quan điểm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc lập, điều chỉnh quy hoạch và rà soát, đánh giá, phân loại đô thị, đề nghị chỉnh lý tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết là “Nghị quyết quy định một số nội dung liên quan đến bảo đảm yêu cầu phù hợp với quy hoạch và rà soát, đánh giá, phân loại đô thị để thực hiện sắp xếp ĐVHC đô thị trong giai đoạn 2023 - 2025”.

Ngoài ra, một số ý kiến đại biểu lưu ý, quy định việc rà soát, đánh giá phân loại đô thị đối với trường hợp thực hiện sắp xếp ĐVHC dẫn đến mở rộng nội thành, nội thị của thành phố, thị xã nói chung, chứ không căn cứ vào loại đô thị của thành phố, thị xã đó; Bổ sung vào dự thảo Nghị quyết trường hợp thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã thuộc thị xã, thành phố (không điều chỉnh địa giới ĐVHC toàn đô thị) mà xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp đã được xác định nằm trong khu vực nội thành, nội thị của thành phố, thị xã theo quy hoạch chung đô thị, quyết định phân loại đô thị của cơ quan có thẩm quyền hoặc theo Đề án phân loại đô thị đã được phê duyệt và không thể sắp xếp với ĐVHC nông thôn nào khác, chỉ có thể nhập vào phường thì không phải rà soát, đánh giá tiêu chí phân loại đô thị đối với thành phố, thị xã cũng như không phải đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đối với phường hình thành sau sắp xếp;…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung phiên họp

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật thống nhất cao sự cần thiết sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết. Đây không chỉ là yêu cầu do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu tại phiên họp thứ 33 (tháng 5/2024) mà còn là yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị để thực hiện hiệu quả Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản theo thẩm quyền để triển khai thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030. Việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình xây dựng đề án sắp xếp ĐVHC theo trình tự, thủ tục rút gọn là đúng thẩm quyền. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã bảo đảm đầy đủ theo quy định pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho biết, Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với các nội dung Chính phủ trình. Cụ thể: Tán thành trường hợp sắp xếp thành phố, thị xã với toàn bộ hoặc một phần ĐVHC cấp huyện liền kề, phù hợp với quy hoạch chung thành phố, thị xã và vùng phụ cận đã được phê duyệt thì được sử dụng quy hoạch đô thị đó để đánh giá, phân loại đô thị dự kiến hình thành sau sắp xếp; Tán thành trường hợp sắp xếp thành phố thuộc tỉnh, thị xã với toàn bộ hoặc một phần ĐVHC cấp huyện liền kề và có mở rộng nội thành, nội thị phù hợp với quy hoạch đô thị thì không yêu cầu thực hiện đánh giá, công nhận trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với các thị trấn (nếu có) dự kiến thành lập phường;…

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị: Điều chỉnh tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết; Quy định về khảo sát phục vụ việc thẩm định đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã ở mức độ phù hợp đảm bảo linh hoạt, hiệu quả trong thực hiện; Nghiên cứu bổ sung phương án có tính linh hoạt hơn để đơn giản hơn nữa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện đối với công tác lập, điều chỉnh quy hoạch và đánh giá, phân loại đô thị; các ĐVHC thực hiện sắp xếp đều bảo đảm đáp ứng yêu cầu về quy hoạch và chất lượng đô thị;… Đồng thời lưu ý, Chính phủ, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm rà soát, đánh giá khả năng đáp ứng yêu cầu đối với từng trường hợp cụ thể và phải cam kết trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bảo đảm hoàn thành việc lập, điều chỉnh quy hoạch và công nhận kết quả đánh giá, phân loại đô thị trước ngày 31/12/2025.

Lê Anh - Nghĩa Đức