CHỦ NHIỆM ỦY BAN PHÁP LUẬT NGUYỄN KHẮC ĐỊNH LÀM VIỆC VỚI ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, THƯ KÝ HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC CU BA

10/06/2019

Cuối giờ chiều ngày 10/06, tại Nhà Quốc hội Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã có buổi tiếp và làm việc với Thư ký Hội đồng Nhà nước Cuba Homero Acossta Alvarez và Đoàn công tác sang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Toàn cảnh buổi tiếp

Thay mặt Đoàn công tác, Thư ký Hội đồng Nhà nước Cuba Homero Acossta Alvarez cảm ơn Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đã dành thời gian tiếp đoàn, dù đang trong thời gian diễn ra kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV. Ông Homero Acossta Alvarez nhắc lại thời điểm cải cách Hiến pháp Cu Ba, khi đó Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba đã đề nghị tổ chức đoàn công tác sang thăm và làm việc tại Việt Nam để trao đổi kinh nghiệm về cải cách Hiến pháp tại Việt Nam. Sau khi Hiến pháp Cu Ba chính thức được công bố tháng 4 vừa qua, Đoàn công tác tiếp tục được cử sang Việt Nam để trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu kinh nghiệm của Việt Nam trong xây dựng thể chế pháp luật. Ông Homero Acossta Alvarez vui mừng cho biết, sau khi Hiến pháp của Cu Ba được thông qua đã định hình được cơ cấu nhà nước Cu Ba với mô hình hoạt động tương tự với cơ cấu tổ chức Nhà nước Việt Nam.

Thư ký Hội đồng Nhà nước Cuba Homero Acossta Alvarez phát biểu tại buổi làm việc

Thư ký Hội đồng Nhà nước Cuba Homero Acossta Alvarez khẳng định, thông qua các đoàn công tác sang thăm và làm việc tại Việt Nam, Đoàn công tác của Cu Ba đã thu nhận được nhiều kinh nghiệm quý báu về chương trình xây dựng pháp luật, cải cách hiến pháp và những vấn đề liên quan. Tại buổi làm việc với các cơ quan của Việt Nam cho thấy có nhiều điểm tương đồng giữa Hiến pháp Việt Nam với Hiến pháp Cu Ba, trong đó Hiến pháp Cu Ba cũng đã đưa khái niệm về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vào trong Hiến pháp, giống như quy định trong Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam. Việt Nam đã có kinh nghiệm nhất định trong tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp, đây là kinh nghiệm quý báu để Cu Ba triển khai xây dựng chương trình pháp luật để thực thi hiến pháp. Đặc biệt trong thời gian tới Cu Ba phải ban hành 50 luật có liên quan trực tiếp đến Hiến pháp. Bên cạnh đó, chuyến thăm lần này, Đoàn cũng tham khảo mô hình tổ chức Nhà nước của Việt Nam, bởi theo quy định cải cách thể chế, thời gian tới Cu Ba phải có 2 định chế hoạt động độc lập là Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ và theo Hiến pháp mới, Chủ tịch Quốc hội cũng là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vì vậy, chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam lần này của Đoàn công tác là dịp chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động lập pháp cũng như mô hình tổ chức bộ máy nhà nước giữa hai nước.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu tại buổi làm việc

Trả lời câu hỏi của Đoàn công tác, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã giới thiệu tới Đoàn về cơ cấu tổ chức của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các đơn vị giúp việc của Ủy ban. Trong đó một trong những nhiệm vụ của Ủy ban Pháp luật là giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội xây dựng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng giới thiệu tới Đoàn công tác về quy trình lập pháp của Việt Nam, công tác giám sát cũng như quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Về hoạt động giám sát Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, Quốc hội Việt Nam có nhiều hoạt động và hình thức giám sát như giám sát trực tiếp, chất vấn tại các kỳ họp và tại Ủy ban thường vụ Quốc hội, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm.

Cũng tại buổi tiếp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã thông tin về mô hình hoạt động và cơ chế giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân các địa phương; hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách; cơ chế giám sát các văn bản quy phạm pháp luật trước, trong và sau khi được ban hành để không trái với Hiến pháp…./.

Lan Hương - Trọng Quỳnh