TƯ TƯỞNG CHỈ ĐẠO CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG, BAN HÀNH HIẾN PHÁP NĂM 2013
QUỐC HỘI VIỆT NAM VÀ QUỐC HỘI LÀO TỔ CHỨC TỌA ĐÀM KHOA HỌC VỀ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG HIẾN PHÁP
Chính quyền địa phương ở Việt Nam là một bộ phận hợp thành, gắn bó hữu cơ của chính quyền nhà nước, là hình thức pháp lý thông qua đó Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình ở địa phương. Chính quyền địa phương tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước ở địa phương.
Với vai trò và ý nghĩa quan trọng đó, trong quá trình xây dựng Hiến pháp năm 2013, Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra yêu cầu cần sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương theo hướng thể hiện rõ hơn nguyên tắc về phân cấp và phân định quyền hạn, nhiệm vụ trong quan hệ giữa Trung ương và địa phương; xây dựng mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn phù hợp trên cơ sở tổng kết, đánh giá mô hình tổ chức và chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp ở địa phương nhằm xác lập mô hình tổ chức phù hợp, bảo đảm phân định chức năng, trách nhiệm, thẩm quyền sát thực tế, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; đồng thời thể hiện tổng quát về hệ thống đơn vị hành chính lãnh thổ và mô hình tổ chức chính quyền địa phương của Việt Nam.
Quang cảnh Tọa đàm.
Nhằm thể chế hóa những tư tưởng chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam được thông qua năm 2013 (Hiến pháp năm 2013) đã có những đổi mới mạnh mẽ trong các quy định liên quan đến chế định này nhằm tạo ra cơ chế quản lý nhà nước phù hợp, tương xứng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước ở địa phương. Hiến pháp năm 2013 có một chương (Chương IX) gồm 7 điều (từ Điều 110 đến Điều 116) quy định về chính quyền địa phương với nhiều nội dung mới mang tính chất bổ sung, phát triển nhằm thúc đẩy cải cách tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan thực thi quyền lực nhà nước ở địa phương.
Được biết một trong những nội dung đang được Đảng, các cơ quan của CHDCND Lào nghiên cứu sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp năm 2015 lần này là các quy định về hệ thống cơ quan nhà nước các cấp, nên trong phạm vi bài tham luận của mình, tôi xin báo cáo, chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc thể chế hóa tư tưởng chỉ đạo của Đảng về chính quyền địa phương trong quá trình xây dựng và thực thi Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam. Trong đó, tập trung vào những đổi mới quan trọng của Hiến pháp mà chúng tôi đã và đang nỗ lực triển khai trong quá trình thực thi, cụ thể như sau:
1. Về tổ chức chính quyền địa phương
Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam đổi tên Chương về HĐND và UBND trong Hiến pháp trước đó thành Chương về “Chính quyền địa phương”. HĐND và UBND là 2 cơ quan có vị trí, vai trò, tính chất hết sức quan trọng trong thực thi quyền lực nhà nước ở địa phương, có mối quan hệ chặt chẽ về mặt tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của một cấp chính quyền địa phương chủ yếu dựa vào việc phát huy hiệu lực hoạt động của cả hai cơ quan một cách đồng bộ, thống nhất.
Theo tinh thần đó, tên Chương IX của Hiến pháp năm 2013 được đổi thành “Chính quyền địa phương” với mục đích đặt ra yêu cầu phải có đổi mới thực sự về mô hình tổ chức cũng như chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương theo hướng bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa HĐND và UBND; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương; khẳng định rõ nét hơn vị trí của chính quyền địa phương trong hệ thống hành chính thống nhất, thông suốt của một nhà nước đơn nhất. Có thể nói, sự đổi tên này là kết quả tổng kết của cả quá trình lâu dài về tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND, đồng thời là kết quả của quá trình đổi mới nhận thức về chính quyền địa phương.
Cụ thể hóa các quy định về chính quyền địa phương trong Hiến pháp năm 2013, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, gồm 8 chương, 143 điều, quy định về đơn vị hành chính và tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính.
Luật này sau đó được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2019 để tiếp tục hoàn thiện tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, kịp thời thể chế hóa các chủ trương, định hướng lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Chaleun Yiapaoher đồng chủ trì Tọa đàm
2. Về đơn vị hành chính
Theo quy định tại Điều 110 của Hiến pháp năm 2013, các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam được phân định như sau:
- Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Tỉnh chia thành huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh; thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương;
- Huyện chia thành xã, thị trấn; thị xã và thành phố thuộc tỉnh chia thành phường và xã; quận chia thành phường;
- Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập.
Như vậy, Hiến pháp năm 2013 cơ bản kế thừa quy định của các bản Hiến pháp trước đó về các đơn vị hành chính nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, ổn định trong cấu trúc hành chính ở Việt Nam; đồng thời, Hiến pháp năm 2013 cũng bổ sung một số quy định mới sau đây:
- Bổ sung quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập nhằm tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thành lập các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với tổ chức, bộ máy quản lý đặc thù, gắn với điều kiện địa lý, không gian riêng không giống với các đơn vị hành chính hiện có, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
- Bổ sung đơn vị hành chính tương đương với quận, huyện, thị xã trong thành phố trực thuộc trung ương. Đây là một quy định mở thể hiện khả năng dự báo, tính ổn định của Hiến pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị đang diễn ra tại Việt Nam hiện nay.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy trình bày tham luận tại Tọa đàm.
Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Đầu tư, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sau đó đã có một số quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thành lập và giải thể đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, mô hình và nguyên tắc tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, nguyên tắc và cách thức quy định áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt về kinh tế - xã hội và ưu đãi đầu tư khác với quy định chung của Luật Đầu tư và các luật khác, thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Năm 2017, Chính phủ cũng đã nghiên cứu, xây dựng một dự án luật về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nhằm xây dựng một mô hình phát triển mới với cơ chế, chính sách có tính đột phá để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh thu hút đầu tư và đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế; tuy nhiên, vì một số lý do khách quan, dự án luật này chưa được trình Quốc hội thông qua.
Về đơn vị hành chính tương đương quận, huyện, thị xã ở thành phố trực thuộc trung ương, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã xác định đơn vị đó là “thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương”, tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập TP. Thủ Đức thuộc TP. Hồ Chí Minh vào năm 2020. Trong thời gian tới, một số thành phố như Hà Nội, Hải Phòng cũng đang xây dựng và đề nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc thành lập thành phố thuộc thành phố nhằm thiết lập mô hình tổ chức bộ máy quản lý đô thị, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, đồng thời, hình thành các cực tăng trưởng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế của các đô thị lớn của Việt Nam.
3. Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương
Điều 111 của Hiến pháp năm 2013 quy định:
“1. Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định”.
Việc Hiến pháp quy định về “cấp chính quyền địa phương” thể hiện sự phân biệt rõ giữa cách phân chia đơn vị hành chính để quản lý về mặt địa lý lãnh thổ với mô hình tổ chức chính quyền cần tổ chức ở từng loại đơn vị hành chính.
Theo đó, chính quyền địa phương được tổ chức và hiện diện ở tất cả các đơn vị hành chính nhưng không phải đơn vị hành chính nào cũng cần tổ chức một cấp chính quyền hoàn chỉnh. Cấp chính quyền địa phương được cân nhắc tổ chức phù hợp với yêu cầu, đặc điểm của nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Ở đâu được xác định là cấp chính quyền thì chính quyền ở đó bao gồm HĐND và UBND, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về quản lý nhà nước, về tổ chức và bảo đảm thi hành Hiến pháp, pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; UBND do HĐND cùng cấp bầu ra.
Còn ở đâu không tổ chức cấp chính quyền thì chỉ thành lập cơ quan hành chính thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính và cung cấp dịch vụ công trên địa bàn. Quy định của Hiến pháp năm 2013 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc cải cách, đổi mới mô hình chính quyền địa phương.
Các đai biểu dự Tọa đàm.
Cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã tiếp tục làm rõ:
- Về tổ chức chính quyền địa phương ở nông thôn và đô thị, Luật xác định chính quyền địa phương ở nông thôn (tỉnh, huyện, xã) là cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND; chính quyền địa phương ở đô thị (thành phố trực thuộc trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phường, thị trấn) là cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND. Riêng đối với quận, phường, Luật cho phép Quốc hội có thể quyết định việc tổ chức cấp chính quyền địa phương hay chỉ tổ chức cơ quan hành chính ở địa phương.
Trên cơ sở quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong thời gian qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27.11.2019 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hà Nội; Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19.6.2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng[1]; Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16.11.2020 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh để thí điểm và tổ chức mô hình chính quyền đô thị mới tại các Thành phố này.
Theo đó, chính quyền địa phương ở Thành phố vẫn được xác định là cấp chính quyền địa phương có đủ HĐND và UBND; còn ở quận (đối với TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng) và ở phường (đối với cả 3 Thành phố) thì chỉ tổ chức UBND (không tổ chức HĐND)[2].
Việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị mới này đều hướng tới các mục tiêu chung là thực hiện tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả; đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính minh bạch trong quản lý chính quyền của các Thành phố. Sự hình thành các mô hình tổ chức chính quyền địa phương khác nhau chỉ ra yêu cầu khách quan cần có sự thay đổi theo hướng thừa nhận sự khác nhau giữa tổ chức chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, giữa tổ chức chính quyền địa phương ở từng loại, cấp đơn vị hành chính nhằm phát huy một cách tốt nhất, hiệu quả nhất khả năng, thế mạnh, nguồn lực của từng địa phương phục vụ công cuộc phát triển của quốc gia nói chung và từng địa phương nói riêng.
- Về tổ chức chính quyền địa phương ở hải đảo, với đặc điểm địa lý, đặc biệt là về biển, đảo của Việt Nam, địa bàn hải đảo có ý nghĩa và yêu cầu đặc biệt trong việc bảo đảm quốc phòng, an ninh; trong khi đó điều kiện địa hình, giao thông, liên lạc tại các hải đảo lại có nhiều cách trở, dân cư phân bổ không đồng đều nên cần có cách thức tổ chức chính quyền tại các hải đảo (bao gồm đảo, quần đảo) mang tính đặc thù để vừa bảo đảm yêu cầu về quản lý nhà nước, tăng cường phát triển kinh tế - xã hội, vừa đáp ứng yêu cầu chủ động xử lý, giải quyết các tình huống có thể phát sinh để bảo đảm an ninh, quốc phòng, toàn vẹn lãnh thổ.
Do đó, các đảo, quần đảo của Việt Nam tương đương với đơn vị hành chính cấp huyện đều được tổ chức cấp chính quyền địa phương để chủ động thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn. Một số huyện đảo, thành phố đảo được tổ chức có các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc và cơ bản cũng đều có cấp chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, Luật cũng cho phép có những trường hợp không cần tổ chức đơn vị hành chính cấp xã tại huyện đảo hoặc không cần thành lập cấp chính quyền địa phương tại xã đảo mà chỉ cần tổ chức cơ quan hành chính tại những nơi này.
4. Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương
- Hiến pháp năm 2013 bổ sung một điều mới quy định chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương (Điều 112).
Theo đó, nhiệm vụ cơ bản, hàng đầu của chính quyền địa phương là tổ chức và bảo đảm thi hành một cách thống nhất Hiến pháp, pháp luật tại tất cả các địa phương trên cả nước; đồng thời, chính quyền địa phương cần thực hiện các nhiệm vụ có tính tự quản, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương mình xuất phát từ tính đặc thù của mỗi địa phương.
Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã phân định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, của HĐND và UBND ở các đơn vị hành chính theo các cấp độ khác nhau để xác định rõ công việc cho từng cấp, tránh tình trạng dồn quá nhiều việc về cấp cơ sở mà không tính đến khả năng đáp ứng của từng cấp chính quyền.
Luật cũng quy định nhiệm vụ, quyền hạn đặc trưng, riêng có của chính quyền đô thị nhằm thể hiện sự khác biệt với chính quyền nông thôn phù hợp với tính chất, phạm vi địa bàn và yêu cầu quản lý, phát triển đồng bộ của các đô thị.
Đối với chính quyền đô thị ở hải đảo thì còn có thêm một số nhiệm vụ đặc thù để vừa bảo đảm yêu cầu về quản lý nhà nước, tăng cường phát triển kinh tế - xã hội, vừa đáp ứng yêu cầu chủ động xử lý, giải quyết các tình huống có thể phát sinh để bảo đảm an ninh, quốc phòng, toàn vẹn lãnh thổ.
Trên cơ sở các quy định chung của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các luật chuyên ngành tiếp tục cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn cũng như trình tự, thủ tục thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở từng cấp hành chính, ở từng loại đơn vị hành chính cụ thể.
- Tại khoản 2 và khoản 3 Điều 112 của Hiến pháp năm 2013 quy định: Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương. Trong trường hợp cần thiết, chính quyền địa phương được giao thực hiện một số nhiệm vụ của cơ quan nhà nước cấp trên kèm theo các điều kiện bảo đảm thực hiện (như về kinh phí, nhân lực, cơ chế thực hiện…).
Bằng quy định này, Hiến pháp năm 2013 đã xác định những nguyên tắc cơ bản về phân cấp, phân quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương sao cho vừa bảo đảm quyền quản lý thống nhất của Trung ương, vừa bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương.
Theo đó, Hiến pháp quy định nguyên tắc để làm cơ sở cho luật quy định những công việc thuộc thẩm quyền của trung ương, do trung ương đảm nhiệm (như quốc phòng, an ninh, ngoại giao,…), những công việc thuộc thẩm quyền của địa phương và những công việc thuộc thẩm quyền của cả trung ương và địa phương nhưng có cơ chế kiểm soát rõ ràng, bảo đảm một việc chỉ do một cơ quan hoặc cấp chính quyền chịu trách nhiệm chính.
Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã xác định 6 nguyên tắc phân định thẩm quyền, trong đó nhấn mạnh yêu cầu: Bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất về thể chế, chính sách, chiến lược và quy hoạch đối với các ngành, lĩnh vực; bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia; phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật...
Đồng thời, Luật cũng quy định rõ cách thức, trách nhiệm trong thực hiện phân quyền, phân cấp, ủy quyền. Cụ thể là:
- Việc phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương phải được quy định trong luật. Chính quyền địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền.
- Căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện và điều kiện, tình hình cụ thể khác của địa phương, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương được quyền phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện một cách liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình, trừ trường hợp pháp luật quy định nội dung đó không được phân cấp, ủy quyền tiếp.
Việc phân cấp phải bảo đảm các nguyên tắc quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước phân cấp. Cơ quan nhà nước được phân cấp chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước đã phân cấp về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp.
Căn cứ tình hình cụ thể ở địa phương, cơ quan nhà nước ở địa phương có thể phân cấp tiếp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp nhưng phải được sự đồng ý của cơ quan nhà nước đã phân cấp.
- Trong trường hợp cần thiết, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền cho UBND cấp dưới trực tiếp, UBND có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp hoặc đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, Chủ tịch UBND có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND cùng cấp, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp, Chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể. Việc ủy quyền phải được thể hiện bằng văn bản. Cơ quan, tổ chức được ủy quyền phải thực hiện đúng nội dung và chịu trách nhiệm trước cơ quan hành chính nhà nước cấp trên về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được ủy quyền. Cơ quan, tổ chức nhận ủy quyền không được ủy quyền tiếp cho cơ quan, tổ chức khác thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được cơ quan hành chính nhà nước cấp trên ủy quyền.
Cơ quan nhà nước cấp trên khi phân quyền, phân cấp, ủy quyền có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra và bảo đảm những nguồn lực và điều kiện cần thiết cho các cơ quan được phân cấp, ủy quyền; đồng thời, phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp, ủy quyền.
Việc thực hiện các quy định nêu trên có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của trung ương, đồng thời phát huy năng lực, tính sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của tổ chức bộ máy và việc phân giao nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, năng lực và điều kiện ở mỗi cấp.
Ngày 28.6.2024 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Thủ đô - một đạo luật quan trọng, có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc và là một đạo luật tiêu biểu về phân cấp, phân quyền.
Luật được ban hành trên cơ sở cụ thể hóa các chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam, quy định của Hiến pháp năm 2013 và các yêu cầu về xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế, có sức cạnh tranh với khu vực và thế giới, có sức lan tỏa nhằm thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước cùng phát triển.
Luật Thủ đô có nhiều quy định về cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ và giao nhiệm vụ cho chính quyền TP. Hà Nội trong xây dựng, bảo vệ, quản lý và phát triển Thủ đô đáp ứng các mục tiêu đã đề ra.
Sự ra đời của Luật Thủ đô, cùng với cơ chế đổi mới cách thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp góp phần tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hơn nữa hiệu quả thực thi các quy định về phân cấp, phân quyền nói riêng và cơ chế hoạt động của tổ chức bộ máy nhà nước nói chung trong Hiến pháp năm 2013 ở Việt Nam.
5. Về tổ chức các đơn vị hành chính
Hiến pháp năm 2013 đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm quyền quyết định thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh mà trước đây là thẩm quyền thuộc Chính phủ[3] bởi xác định việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, không chỉ liên quan đến việc thay đổi về địa giới hành chính mà còn liên quan đến vấn đề tổ chức bộ máy, về phân bổ nguồn lực, tài chính ngân sách, đặc biệt là phải bảo đảm thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương.
Việc ghi nhận trong Hiến pháp yêu cầu lấy ý kiến nhân dân về những thay đổi trong thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh đơn vị địa giới hành chính cũng là một thay đổi mang tính tích cực trong việc mở rộng thực hiện dân chủ ở cơ sở; đề cao vai trò của người dân trong tham gia quyết định các vấn đề của địa phương.
Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã có nhiều điểm mới về trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; quy định các nguyên tắc, điều kiện thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính và giao Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và việc phân loại đơn vị hành chính cũng như việc phân loại đô thị phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội để bảo đảm thực hiện thống nhất.
Thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong thời gian qua, Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa bảo đảm đủ tiêu chuẩn đặc biệt là về diện tích và quy mô dân số để giảm bớt số lượng các đơn vị hành chính hiện hữu, tăng quy mô, mở rộng không gian phát triển, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tăng cường các nguồn lực của địa phương và đã đạt một số kết quả bước đầu quan trọng.
Cụ thể là:
- Trước khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tính đến ngày 1.9.2019, Việt Nam có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, được chia thành 713 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 49 quận, 512 huyện, 49 thị xã, 7 thành phố thuộc tỉnh) và 11.162 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 8.967 xã, 1.592 phường, 608 thị trấn).
Thực hiện đợt sắp xếp thứ nhất, trong giai đoạn 2019 - 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 48 nghị quyết về việc sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, qua đó cả nước đã giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện (từ 713 giảm còn 705 đơn vị) và 561 đơn vị hành chính cấp xã (từ 11.162 giảm còn 10.601 đơn vị).
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn này đã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị (giảm được 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện), tinh giản biên chế (tính đến hết năm 2021, ở cấp xã giảm 3.595 người, ở cấp huyện giảm 141 người), giảm chi ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2019 - 2021 đạt khoảng 2.008,63 tỷ đồng, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đúng mục đích, yêu cầu của Đảng đã đề ra.
- Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 và chuẩn bị cho việc sắp xếp giai đoạn 2026 - 2030.
Theo dự kiến, trong giai đoạn 2023 - 2025 sẽ có 49 đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp, sau sắp xếp dự kiến giảm 13 đơn vị hành chính cấp huyện; có 1.247 đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp, sau sắp xếp dự kiến giảm 624 đơn vị hành chính cấp xã.
Trong năm 2024, sẽ cơ bản hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 để bảo đảm ổn định tổ chức ở các địa phương chuẩn bị cho việc tiến hành tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp ở cơ sở sẽ bắt đầu từ quý I.2025.
Mặc dù khối lượng công việc cần thực hiện là rất lớn nhưng với quyết tâm chính trị rất cao của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, đồng lòng của Nhân dân, chúng tôi tin tưởng rằng, quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhất định sẽ thành công.
Qua đó, sẽ giúp địa phương tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển, tăng cường liên kết vùng; tạo thuận lợi cho việc tập trung và phát huy nguồn lực đất đai, điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực và tiềm năng, lợi thế sẵn có khác, thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.
Việc sắp xếp các đơn vị hành chính sẽ tạo sự cân đối, hài hòa hơn trong phân bố dân cư, lãnh thổ, hạn chế tình trạng chia cắt, manh mún về địa lý, cồng kềnh về tổ chức bộ máy, nhất là trong bối cảnh đang đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương tại Việt Nam hiện nay.
- Cùng với việc thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, chúng tôi cũng đang nỗ lực tổ chức xây dựng quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính của quốc gia và của từng địa phương nhằm nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể về tổ chức đơn vị hành chính các cấp nhằm bảo đảm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn, cũng như xu thế phát triển của đất nước và có tính ổn định lâu dài.
*
* *
Trên đây là một số kinh nghiệm và kết quả triển khai thực hiện việc thể chế hóa tư tưởng chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam về chính quyền địa phương trong quá trình xây dựng và thực thi Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam.
Tuy mỗi quốc gia có những đặc điểm, truyền thống khác nhau, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ cũng có những điểm khác biệt, song chúng tôi hy vọng rằng, những chia sẻ này có thể sẽ là những gợi ý, tham khảo hữu ích cho các bạn trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp sắp tới.
____________
[1] Sau hơn 3 năm thực hiện, ngày 26.6.2024 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cho phép chính thức thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị ở Đà Nẵng.
[2] Ngày 28.6.2024 vừa qua, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Thủ đô, trong đó tiếp tục kế thừa mô hình tổ chức chính quyền đô thị ở thành phố Hà Nội tương tự như Nghị quyết số 97/2019/QH14.
[3] Theo quy định của Hiến pháp năm 1992 thì thẩm quyền này thuộc về Chính phủ.
|
ThS. Nguyễn Phương Thủy
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
|