CHỦ NHIỆM ỦY BAN PHÁP LUẬT HOÀNG THANH TÙNG: CHỦ ĐỘNG, LINH HOẠT, CẨN TRỌNG – DẤU ẤN LẬP PHÁP CỦA QUỐC HỘI NĂM 2022

23/01/2023

Kết thúc năm 2022, bước sang 2023, Quốc hội có thêm một năm ghi dấu ấn trong công tác lập pháp. Trong năm qua, Quốc hội đã hoàn thành 81/137 nhiệm vụ lập pháp (đạt gần 60% kế hoạch của cả nhiệm kỳ) với sự chủ động, linh hoạt và cẩn trọng, đề cao chất lượng, không chạy theo số lượng. Góp phần quan trọng vào kết quả chung đó vai trò của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cùng với các cơ quan của Quốc hội, đã nỗ lực, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành thành tốt nhiệm vụ như thẩm tra, giám sát, kiến nghị, phát huy vai trò “gác gôn” trong việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

10 SỰ KIỆN, HOẠT ĐỘNG TIÊU BIỂU CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM NĂM 2022

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TRAO ĐỔI TRƯỚC THỀM NĂM MỚI: THỰC TIỄN CUỘC SỐNG KHÔNG CHO PHÉP QUỐC HỘI DỪNG LẠI MÀ PHẢI KHÔNG NGỪNG ĐỔI MỚI, ĐỔI MỚI MẠNH MẼ CẢ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

Nhân dịp năm mới 2023 và xuân Quý Mão, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã có những chia sẻ về kết quả trong công tác lập pháp của Quốc hội, vai trò cả Ủy ban Pháp luật; giải pháp để triển khai thực hiện nhiệm vụ lập pháp trong năm 2023 để đảm bảo cả về số lượng và chất lượng; vấn đề đổi mới đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, chống tham nhũng, tiêu cực…

Dấu ấn hoạt động lập pháp của Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Phóng viên: Năm 2022, ngoài những luật, pháp lệnh được đưa vào chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật cả năm thì Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã kịp thời xem xét, thông qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác, đáp ứng yêu cầu bức thiết từ cuộc sống, phục vụ tốt nhất lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Là cơ quan chuyên môn của Quốc hội, nhìn lại công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội năm qua, theo ông đâu là dấu ấn nổi bật nhất?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng: Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và là năm “củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” sau hơn 02 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Với quyết tâm, trách nhiệm cao trước đồng bào, cử tri cả nước, Quốc hội đã tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động, cùng với Chính phủ, các cơ quan trong hệ thống chính trị giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra, kịp thời tháo gỡ khó khăn, khắc phục các tồn tại, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh đó, dấu ấn nổi bật trong hoạt động lập pháp của Quốc hội trong năm 2022 là sự chủ động, linh hoạt và cẩn trọng. Sự chủ động trong hoạt động lập pháp của Quốc hội được thể hiện rõ nét qua việc năm 2022 là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV. Với 137 nhiệm vụ lập pháp được xác định trong Đề án, các cơ quan của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành chủ động rà soát, nghiên cứu để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất xây dựng mới luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đến hết năm 2022, đã hoàn thành 81/137 nhiệm vụ lập pháp (đạt gần 60% kế hoạch của cả nhiệm kỳ), trong đó 37/81 nhiệm vụ đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết hoặc đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

Sự chủ động trong hoạt động lập pháp của Quốc hội còn được thể hiện qua việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã vào cuộc từ sớm, từ xa trong quá trình xây dựng dự án luật. Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì các cuộc làm việc nghe cơ quan soạn thảo báo cáo, cho ý kiến chỉ đạo về các nội dung lớn của dự án. Nhiều hoạt động khảo sát, nghiên cứu, hội nghị, hội thảo được các Ủy ban của Quốc hội phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp và các Bộ, ngành tổ chức thậm chí trước khi dự án được Chính phủ xem xét để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thực tế cho thấy việc chủ động từ sớm như vậy đã góp phần nâng cao chất lượng của các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Trong năm 2022, Quốc hội có nhiều đổi mới trong hoạt động lập pháp để kịp thời phúc đáp yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch. Lần đầu tiên trong lịch sử 76 năm, Quốc hội đã tiến hành kỳ họp bất thường lần thứ nhất để xem xét, quyết định những nội dung quan trọng, cấp bách, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Quốc hội cũng đã có những giải pháp lập pháp linh hoạt trong việc ban hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 09 luật, thực hiện các nội dung khác quy định của luật trong điều kiện chưa sửa đổi, bổ sung luật; thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, tỉnh Khánh Hoà, thành phố Buôn Ma Thuột thuộc tỉnh Đắk Lắk, thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV

Việc đề cao chất lượng, không chạy theo số lượng, cẩn trọng trong việc xem xét, thông qua luật, pháp lệnh, nghị quyết cũng là dấu ấn nổi bật trong năm 2022. Những dự án dù cấp thiết nhưng còn có nội dung chưa rõ, còn có nhiều ý kiến khác nhau thì không nhất thiết thông qua ngay mà để lại tiếp tục nghiên cứu, làm rõ và chuẩn bị kỹ hơn. Chẳng hạn, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) theo kế hoạch được thông qua tại kỳ họp thứ 4 nhưng do có một số nội dung quan trọng cần tiếp tục làm rõ nên Quốc hội đã quyết định để lại xem xét tại kỳ họp tiếp theo. Một số đề xuất xây dựng luật được chuẩn bị chưa kỹ cũng không được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội thông qua được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý với tinh thần cầu thị, lắng nghe, như dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã 02 lần gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng, nhờ đó dù ban đầu có sự khác biệt ý kiến lớn nhưng đã đạt đồng thuận cao khi Quốc hội biểu quyết thông qua.

Chủ động, kỹ lưỡng, bảo đảm vai trò “gác gôn” trong việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật

Phóng viên:Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban Pháp luật đã đóng góp vào kết quả chung trong công tác xây dựng pháp luật năm 2022 như thế nào, thưa ông?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng: Trong năm qua, cùng với các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đã có nhiều nỗ lực, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp vào thành công chung trong hoạt động lập pháp của Quốc hội, trong đó nổi bật là:

Thứ nhất, Ủy ban đã thực hiện tốt việc thẩm tra đề nghị xây dựng luật, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trình Quốc hội thông qua, kịp thời điều chỉnh, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tất cả các đề nghị của cơ quan, tổ chức về xây dựng luật đều được Ủy ban Pháp luật phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban có liên quan tiến hành thẩm tra, xem xét kỹ lưỡng, trên cơ sở đó kiến nghị đưa các dự án luật đã được chuẩn bị kỹ, đáp ứng yêu cầu theo quy định vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Đồng thời, cũng mạnh dạn đề xuất chưa đưa vào Chương trình những đề nghị chưa bảo đảm tuân thủ trình tự, thủ tục hoặc có nội dung, chính sách chưa rõ, cần tiếp tục được nghiên cứu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị về công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa Thường trực Ủy ban Pháp luật và Bộ Tư pháp

Đặc biệt, với vai trò là cơ quan được giao nhiệm vụ đầu mối, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đôn đốc việc triển khai Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15; tham mưu, phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 81 và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội các tháng cuối năm 2022 và năm 2023, với sự đổi mới cả về nội dung và cách thức tổ chức. Hội nghị đã góp phần nâng cao nhận thức, quyết tâm của lãnh đạo các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan trong công tác xây dựng pháp luật, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm thực hiện đúng tiến độ, có chất lượng các nhiệm vụ lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Thứ hai, Ủy ban đã chủ trì thẩm tra, tham mưu tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 4 luật, 02 nghị quyết của Quốc hội, 06 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có các văn bản quan trọng, kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương như Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), sửa đổi các nghị quyết về phân loại đô thị và tiêu chuẩn, phân loại đơn vị hành chính.

Với phương châm vào cuộc “từ sớm, từ xa”, Ủy ban Pháp luật luôn chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ được giao chủ trì soạn thảo để tiếp cận dự án, dự thảo ngay từ giai đoạn đầu. Đối với những nội dung khó, phức tạp, Ủy ban tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng, họp cho ý kiến nhiều lần; phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, Viện Nghiên cứu lập pháp, các Bộ, ngành hữu quan tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, khảo sát để tham khảo ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động…  Chính vì vậy, các dự án do Ủy ban Pháp luật chủ trì đều bảo đảm chất lượng, được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao.

Phiên họp toàn thể của Ủy ban Pháp luật thẩm tra dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) 

Thứ ba, với vai trò “gác gôn” trong việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Ủy ban đã phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội trong việc tham gia thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết. Các ý kiến tham gia của Ủy ban Pháp luật nhìn chung đều được các cơ quan của Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao, góp phần nâng cao chất lượng của các dự án trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Chẳng hạn, đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật đã chủ động phối hợp với Ủy ban Kinh tế và các Bộ, ngành hữu quan tổ chức Hội thảo về “Bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với một số luật có liên quan” vào tháng 10/2022, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng thẩm tra dự án Luật này trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.

Thứ tư, Ủy ban đã chủ động, tích cực tham gia vào quá trình hoàn thiện khung khổ pháp lý, quy trình hoạt động của Quốc hội thông qua việc thẩm tra và phối hợp tiếp thu, chỉnh lý, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua các nghị quyết sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội, Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các nghị quyết quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội, Ban Công tác đại biểu... với nhiều cải tiến, đổi mới nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, chủ động trong hoạt động Quốc hội, phân định rõ thẩm quyền, đề cao trách nhiệm của các cơ quan, nhất là vai trò trung tâm của đại biểu Quốc hội. Đây là các văn bản rất quan trọng nhằm tạo khung khổ pháp lý để vận hành hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông suốt, hiệu quả hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trao đổi về những kết quả nổi bật trong hoạt động của Ủy ban Pháp luật năm 2022

Thứ năm, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với các cơ quan của Quốc hội tham mưu, giúp Đảng đoàn Quốc hội tham gia xây dựng Đề án xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Đề án tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị; tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai các Nghị quyết của Trung ương về các nội dung trên và tham gia góp ý nhiều đề án, tờ trình, văn bản khác được Đảng đoàn Quốc hội phân công.

Không ngừng đổi mới giám sát, xác định mục tiêu, phạm vi giám sát có trọng tâm, trọng điểm, sát đúng ngay từ đầu

Phóng viên:Trong năm 2022, Ủy ban Pháp luật cũng để lại dấu ấn khi là cơ quan chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện chuyên đề giám sát “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2020”. Với vai trò là Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát, xin Chủ nhiệm cho biết những kết quả nổi bật của giám sát lần này, những điểm mới trong cách thức tổ chức thực hiện giám sát?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng: Với quan điểm xác định nhiệm vụ đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trong năm 2022, hoạt động giám sát tiếp tục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều đổi mới, cải tiến về phương thức, cách thức tổ chức nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả. Trong quá trình này, Ủy ban Pháp luật đã tham gia đầy đủ, có trách nhiệm vào hoạt động của các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động giám sát khác theo Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, nổi bật là việc chủ trì tham mưu, phục vụ triển khai có hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định – Trưởng Đoàn giám sát “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021” chủ trì buổi làm việc của Đoàn giám sát với Chính phủ

Tôi cho rằng, đây là chuyên đề giám sát rất thành công, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan có liên quan đánh giá cao. Trong đó, có thể kể đến một số kết quả nổi bật như sau:

Thứ nhất, kết quả giám sát đã cho thấy chủ trương đúng đắn của Đảng đề ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Lần đầu tiên trong lịch sử từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đến nay nước ta mới có cuộc tổng rà soát, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên quy mô toàn quốc như giai đoạn 2019 - 2021 vừa qua.

Thứ hai, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không chỉ góp phần quan trọng tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách mà hơn thế nữa, còn mở rộng không gian phát triển, tập trung được nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương để phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại phường Hoành Bồ, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

Thứ ba, kết quả giám sát đã giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đánh giá, chỉ ra những kết quả tích cực đạt được cũng như những mặt hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân trong quá trình thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021; từ đó, đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khắc phục các bất cập, tồn tại và kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan. Đặc biệt là thông qua kết quả giám sát đã cung cấp các luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn quan trọng để hoàn thiện các dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị và Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022; đồng thời đặt ra nhiều yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp để chuẩn bị tốt các điều kiện cho việc tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2030 theo hướng tinh gọn tổ chức, bộ máy theo yêu cầu của Trung ương, Bộ Chính trị.

Để có được những thành công đó, việc đổi mới tổ chức thực hiện giám sát có vai trò rất quan trọng, trong đó có thể kể đến một số điểm mới như sau:

Thứ nhất, việc xây dựng dự thảo kế hoạch giám sát chi tiết, tham mưu thành lập Đoàn giám sát, xây dựng đề cương chi tiết yêu cầu các cơ quan báo cáo các nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát được Thường trực Ủy ban Pháp luật, với tư cách là cơ quan tham mưu cho chuyên đề giám sát thực hiện từ rất sớm, tạo chủ động cho các cơ quan trong quá trình triển khai thực hiện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021” tại phiên họp thứ 15 (tháng 9/2022)

Thứ hai, phạm vi giám sát được xác định sát và đúng từ đầu, có trọng tâm, trọng điểm, mục tiêu giám sát cũng đã được hình dung, mường tượng rõ, nên yêu cầu đối với các báo cáo cũng hết sức tập trung, đúng đối tượng, không dàn trải.

Thứ ba, việc khảo sát phục vụ Đoàn giám sát được nghiên cứu kỹ lưỡng, lựa chọn địa bàn có tính đại diện, đặc thù cao, xác định cụ thể nội dung khảo sát ở từng địa phương bám sát với mục tiêu của nội dung giám sát. Do đó, tuy chỉ lập 3 đoàn khảo sát thực tế ở 6 tỉnh, thành phố, nhưng với cách thức, phương pháp tổ chức, làm việc khoa học, hiệu quả, nên kết quả khảo sát mà Đoàn giám sát nhận được là hết sức tích cực, làm cơ sở quan trọng cho việc đề xuất các giải pháp kiến nghị mà sau đó đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận trong Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề này.

Thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật

Phóng viên: Một trong những yêu cầu hiện nay là tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, chống tham nhũng tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm. Ủy ban Pháp luật đã và sẽ có những tham mưu như thế nào đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giải quyết được vấn đề này?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng: Có thể nói, hệ thống pháp luật hiện nay đã quy định tương đối đầy đủ, đồng bộ, chặt chẽ về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, góp phần quan trọng để ngăn ngừa “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao khả năng phòng ngừa từ sớm, từ xa nguy cơ các nhóm lợi ích tác động tiêu cực vào công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm tính khách quan, minh bạch của chính sách, pháp luật khi được ban hành, phúc đáp yêu cầu thực tiễn, thời gian qua, Ủy ban Pháp luật đã tham mưu cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiều nội dung quan trọng.

Trước hết là việc thẩm tra, tham mưu tiếp thu, chỉnh lý và trình Quốc hội thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2020, trong đó đã có nhiều cải tiến, đổi mới nhằm hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, phòng, chống “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ, tham nhũng, tiêu cực từ khâu lập chương trình xây dựng pháp luật đến thông qua văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể là: tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật; bảo đảm hoạt động kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nghiêm túc các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; phát huy cơ chế kiểm soát từ bên ngoài thông qua hoạt động lấy ý kiến, giám sát, phản biện xã hội; kết hợp đồng bộ kiểm soát từ trước trong giai đoạn soạn thảo, tiếp thu, chỉnh lý với kiểm soát sau thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát văn bản quy phạm pháp luật.

Ngoài ra, trong năm qua, theo phân công của Đảng đoàn Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức rà soát, kiến nghị khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán. Trên cơ sở báo cáo kết quả rà soát, kiến nghị của các cơ quan, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã giúp Đảng đoàn Quốc hội hoàn thiện Báo cáo tổng hợp kết quả rà soát và các phụ lục kèm theo để trình Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban cũng phối hợp với Thường trực Ủy ban Tư pháp tham mưu cho Đảng đoàn Quốc hội xây dựng dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, trong đó đã nêu nhiều đề xuất, kiến nghị từ hoàn thiện thể chế đến tổ chức thực hiện.

Thời gian tới, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Ủy ban Pháp luật sẽ tiếp tục tham mưu cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; nghiên cứu tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng pháp luật nhằm góp phần xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán như mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XIII) về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các đại biểu đã nghe báo cáo chuyên đề về Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

Thận trọng, chắc chắn trong xây dựng luật - bảo đảm tiến độ, đáp ứng yêu cầu cao về chất lượng, phúc đáp yêu cầu cấp bách của thực tiễn, kiến tạo phát triển

Phóng viên: Năm 2023 là năm nhiệm vụ lập pháp hết sức nặng nề với việc xem xét, thông qua nhiều luật khó, phức tạp, trong đó có Luật Đất đai (sửa đổi). Theo ông, những giải pháp mấu chốt là để vừa đảm bảo được số lượng, vừa đảm bảo được chất lượng của các dự án luật?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng: Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, năm thứ hai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Vì vậy, khối lượng công tác lập pháp năm 2023 là rất lớn với nhiều dự án luật quan trọng, phức tạp, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 12 dự án luật và cho ý kiến đối với 02 dự án luật khác, đồng thời sẽ còn tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện. Để có thể hoàn thành Chương trình lập pháp bảo đảm tiến độ, chất lượng, theo tôi cần chú trọng các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, cần quán triệt và nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của công tác xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, pháp luật không chỉ trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại mà còn phải phúc đáp kịp thời yêu cầu cấp bách của thực tiễn, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội. Cần bám sát và thực hiện nghiêm các yêu cầu tại Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị, việc xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tiến độ nhưng cũng cần đáp ứng yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng. Đề cao kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục, thời hạn… Các luật được ban hành cần đặc biệt lưu ý tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, rà soát, loại bỏ các quy định không cần thiết, không hợp lý, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Thứ hai, cần tiếp tục nghiên cứu cải tiến quy trình xây dựng luật theo hướng phân công, phân nhiệm hợp lý, rõ ràng và phát huy tối đa khả năng, đề cao trách nhiệm của từng chủ thể trong quy trình xây dựng luật, pháp lệnh. Cơ quan trình, cơ quan chủ trì soạn thảo cần thực hiện tốt việc tổng kết thực tiễn, làm rõ các vướng mắc, bất cập và nguyên nhân, đánh giá đầy đủ tác động của các chính sách được đề xuất; phát huy trí tuệ các chuyên gia, nhà khoa học, sự tham gia của nhân dân, lấy ý kiến và nghiêm túc tiếp thu, giải trình ý kiến, nhất là đối với các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; rà soát các văn bản đã ban hành để phát hiện, xử lý ngay những vấn đề khác nhau với văn bản dự kiến ban hành, bảo đảm không để xảy ra mâu thuẫn, chồng chéo; tham gia đầy đủ, cử người đại diện đúng thẩm quyền trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý văn bản… Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cần xây dựng kế hoạch cụ thể đối với từng dự án được phân công chủ trì, chủ động vào cuộc từ sớm để nắm bắt các vấn đề đặt ra, phối hợp với cơ quan soạn thảo xử lý các bất cập, vướng mắc…

Thứ ba, cần chú trọng hơn khâu xây dựng chính sách và đánh giá tác động chính sách. Đây là hoạt động quan trọng, được thực hiện ngay từ khi bắt đầu xây dựng dự án luật và được coi là điểm tựa trong suốt quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo luật sau này. Tuy nhiên, công tác thẩm tra các dự án luật thời gian qua cho thấy, nhiều cơ quan chưa quan tâm đúng mức vấn đề này.

Thời gian tới, có thể nghiên cứu xây dựng cơ chế đánh giá tác động chính sách độc lập với cơ quan chủ trì soạn thảo, bao gồm các chuyên gia am hiểu sâu về lĩnh vực dự án luật điều chỉnh, có thể là cán bộ, công chức hoặc chuyên gia của các viện nghiên cứu, hiệp hội ngành nghề, đồng thời cần xây dựng phương pháp, tiêu chí đánh giá một cách cụ thể, mang tính định lượng để bảo đảm tính chính xác, khách quan của các báo cáo đánh giá tác động chính sách.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình về dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Thứ tư, để luật có tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, có căn cứ khoa học, bảo đảm tính khách quan thì quá trình xây dựng pháp luật cần chú trọng việc huy động sự tham gia, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; lấy ý kiến của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu một cách thực chất, hiệu quả, tránh hình thức. Cần đa dạng hóa hình thức, cách thức lấy ý kiến, như mở rộng việc lấy ý kiến thông qua các hội thảo, tọa đàm, phương tiện thông tin đại chúng; đa dạng hóa phạm vi lấy ý kiến, có thể lấy ý kiến toàn bộ dự thảo văn bản hoặc lựa chọn từng nhóm vấn đề theo từng nhóm đối tượng để lấy ý kiến... Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, phổ biến để Nhân dân, cơ quan, tổ chức nhận thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ trong việc góp ý kiến xây dựng pháp luật để việc tham gia ý kiến của Nhân dân tích cực, hiệu quả hơn.

Thứ năm, tiếp tục đề cao trách nhiệm, phát huy sự phối hợp chặt chẽ, từ sớm, từ xa giữa cơ quan chủ trì thẩm tra với cơ quan trình dự án luật ngay từ khi trình dự án đến quá trình tiếp thu, chỉnh lý và trình Quốc hội thông qua để bảo đảm chất lượng, tiến độ của dự án luật. Chẳng hạn, đối với những dự án luật khó, phức tạp cần phát huy cách làm mới, sáng tạo, như trong năm 2022 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 329/KH-UBTVQH15 về việc trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm xác định rõ những việc cần thực hiện và trách nhiệm trong từng khâu từ soạn thảo đến thông qua, chuẩn bị chu đáo cho quá trình xây dựng, thẩm tra, xem xét, thảo luận, tiếp thu, giải trình về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng, sự chủ động, tích cực của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và sự phối hợp chặt chẽ của Chính phủ, các cơ quan hữu quan, chúng ta tin tưởng rằng hoạt động lập pháp của Quốc hội năm 2023 sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành công, góp phần thực hiện đột phá chiến lược về hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu được Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bảo Yến - Thùy Linh