Báo cáo về tình hình kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2016; việc triển khai nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông những tháng đầu năm 2017, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật cho biết, những tháng cuối năm 2016 và 04 tháng đầu năm 2017 là thời điểm nóng về tình hình trật tự, an toàn giao thông. Trong 03 tháng cuối năm 2016, toàn quốc đã xảy ra 5.714 vụ, làm chết 2.188 người, làm bị thương 4.882 người. So với cùng kỳ năm 2015, giảm 231 vụ (-3,89%), tăng 35 người chết (1,63%), giảm 745 người bị thương (-13,24%). Trong 4 tháng đầu năm 2017, toàn quốc xảy ra 6.369 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.795 người, bị thương 5.119 người. So với cùng kỳ năm 2016, số vụ tai nạn giao thông giảm 259 vụ (3,91%), số người chết giảm 68 người (giảm 2,38%), số người bị thương giảm 729 người (giảm 12,47%). Trong đó, đường bộ xảy ra 6.280 vụ, đường sắt có 54 vụ, đường thủy nội địa có 30 vụ, chỉ có hàng không không xảy ra vụ tai nạn nào.
Mặc dù tình hình trật tự, an toàn giao thông thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông tiếp tục giảm ở cả 03 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, nhưng số vụ tại nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, các vụ cháy xe ô tô kinh doanh vận tải và phương tiện thủy chở khách du lịch… vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, gây thiệt hạn lớn về người và tài sản. Bên cạnh đó, tình hình khai thác cát, xe ô tô kinh doanh đón, trả khách không đúng nơi quy định có xu hướng tăng mạnh gây mất trật tự an toàn giao thông.
Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ, những hạn chế, bất cập trong hệ thống giáo dục đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe; hạ tầng, công tác quản lý phương tiện; công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm và công tác ứng phó cứu hộ sau tai nạn... là những nguyên nhân gây nên các vụ tai nạn, tình trạng mất trật tự an toàn giao thông nói trên. Trong đó, yếu tố con người là nguyên nhân cơ bản và trực tiếp nhất. Do vậy, để hoàn thành được mục tiêu đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong năm 2017 cũng như trong các năm tiếp theo, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết và chương trình giám sát về công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; xem xét thông qua Luật Phòng chống tác hại của việc lạm dụng rượu bia, Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Bên cạnh đó, nghiên cứu sửa đổi các Luật có liên quan tới công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong thời gian sớm nhất. Đặc biệt, tăng cường công tác giám sát và tổ chức các phiên chất vấn theo chuyên đề đối với các Bộ, ngành về lĩnh vực quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện.
Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu và thành viên Ủy ban Quốc phòng- An ninh tán thành với các nội dung đánh giá, giải pháp, phương hướng được đề ra trong Báo cáo của Chính phủ; đồng thời đánh giá cao tinh thần tích cực, sự cố gắng Chính phủ và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia trong việc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai, thực hiện nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong những tháng cuối năm 2016 và đầu năm 2017. Đặc biệt là công tác phối hợp tuyên truyền chấp hành pháp luật về giao thông; công tác đầu tư, xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và quản lý; công tác thanh tra, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về an toàn giao thông …Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được, có nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai chủ đề năm an toàn giao thông 2017 về “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh niên, thiếu niên” còn chưa có những hoạt động cụ thể; kinh phí đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt chưa được quan tâm đúng mức; việc tổ chức giao thông, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường cao tốc còn chưa quyết liệt; việc triển khai hoạt động của xe bus nhanh (BRT) tại Hà Nội đến nay chưa phát huy được hiệu quả, thậm chí còn làm xung đột giao thông…
Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong năm 2017, Ủy ban Quốc phòng- An ninh đề nghị Chính phủ tiếp tục tổ chức triển khai quyết liệt hơn nữa Chỉ thị số 18- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tăng cường các biện pháp thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đồng thời, tiếp tục triển khai ứng dụng khoa học, công nghệ; duy trì kiểm soát chặt chẽ tải trọng phương tiện vận tải; quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng các loại xe siêu trường, siêu trọng; tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn hàng không dân dụng; phấn đấu giảm tai nạn giao thông ở cả 03 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước; nhất là giảm thiểu được số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Võ Trọng Việt đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2016, việc triển khai nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông những tháng đầu năm 2017 theo Nghị quyết số 23/2016/QH14 của Quốc hội; khẳng định trong thời gian qua, công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đã được Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện khá đồng bộ, có hiệu quả, góp phần làm giảm các vụ tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết, sô người bị thương. Tuy vậy, trước tình hình số người chết vì tai nạn giao thông vẫn còn nhiều, ý thức chấp hành pháp luật trật tự, an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Võ Trọng Việt đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến thẩm tra, thảo luận tại phiên họp; nghiên cứu tổng kết đánh giá tác động của Luật Giao thông đường bộ để có cơ sở kiến nghị sửa đổi cho phù hợp; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong năm 2017.
+ Trước đó, sáng cùng ngày, Ủy ban Quốc phòng- An ninh đã thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo bổ sung về kết quả thực hiện nhiệm vụ, ngân sách quốc phòng, an ninh năm 2016 và việc triển khai thực hiện nhiệm vụ ngân sách quốc phòng, an ninh những tháng đầu năm 2017.