ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH LẤY Ý KIẾN GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT DÂN QUÂN TỰ VỆ (SỬA ĐỔI)

04/12/2018

Sáng ngày 04/12, tại Bình Định, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Dân quân tự vệ (Sửa đổi).

Ông Nguyễn Hải Hưng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban chủ trì hội thảo. Tham gia có ông Nguyễn Kim Khoa - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; đại diện Ban soạn thảo Luật (Bộ Quốc phòng) cùng lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội một số địa phương trong khu vực.

Toàn cảnh hội nghị

Luật Dân quân tự vệ được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 23/11/2009. Sau gần 10 năm ra đời, Luật Dân quân tự vệ về cơ bản đã kế thừa pháp lệnh Dân quân tự vệ 1996 khẳng định vai trò của lực lượng này trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, tuy nhiên hiện nay Luật đã xuất hiện nhiều bất cập, chưa phù hợp với điều kiện thực tế.

Hội thảo tập trung thảo luận về cơ sở lý luận, pháp lý, thực tiễn để đề xuất, kiến nghị nhằm sửa đổi bổ sung các quy định của dự Luật sửa đổi, đảm bảo yêu cầu cụ thể hóa Hiến pháp 2013 và thể chế được các quan điểm của Đảng có liên quan, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật (nhất là những quy định của các luật về lĩnh vực quốc phòng, an ninh được ban hành trong thời gian gần đây) nhằm khắc phục hạn chế, khó khăn vướng mắc.

Ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, tham luận tại hội nghị

Một trong những đặc trưng cơ bản nhất của lực lượng dân quân tự vệ là "không thoát ly sản xuất". Tuy nhiên, ông Lê Việt Trường - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cho rằng cần cân nhắc khi giữ lại quy định này bởi theo thực tiễn thì quan niệm sản xuất, công tác theo truyền thống đã có nhiều thay đổi, đặc biệt trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ. Nhiều dân quân tự vệ thường trực từ 1 đến 2 năm, bằng thời gian với người đi nghĩa vụ quân sự nhưng vẫn coi là không thoát ly lao động sản xuất là chưa phù hợp, chế độ chính sách chưa tương xứng với thời gian làm nhiệm vụ.

Ông Vũ Ánh Đông, Phó Chỉ huy quân sự, Ban chỉ huy quân sự Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam, cho rằng cần có cơ chế chính sách phù hợp với các công ty cổ phần hóa trong công tác xây dựng lực lượng dân quân tự vệ

Trong khi đó, theo đại diện Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, khó khăn trong công tác huy động, huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ tại địa phương là do phương thức sản xuất của người dân, đặc biệt với tỉnh ven biển, ngư dân đa phần đánh bắt xa bờ, ít thời gian có mặt ở địa phương. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế của nhiều địa phương còn khó khăn, chưa tạo được nhiều việc làm, không ít dân quân địa phương đi làm ăn xa, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác huy động huấn luyện và duy trì thường trực dân quân tự vệ.

Thiếu tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, ghi nhận những ý kiến góp ý của các đại biểu

Nhiều ý kiến cũng chỉ ra vướng mắc khi thực hiện Luật Dân quân tự vệ là chưa quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi giữa doanh nghiệp trong xây dựng lực lượng. Đặc biệt với các doanh nghiệp đã và đang tiến hành cổ phần hóa, mọi hoạt động, tổ chức kinh doanh đều phụ thuộc vào đại hội cổ đông quyết định. Nhiều doanh nghiệp thay đổi về mô hình quản lý, hình thức sở hữu, do đó công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với lực lượng tự vệ ở các doanh nghiệp này đòi hỏi cần ban hành mới với những nội dung hướng dẫn, hình thức tổ chức sao cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới.

Tham luận tại hội thảo, đại diện Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cho rằng, Nhà nước cần có chính sách đặc thù đối với dân quân tự vệ biển, nhất là đối với lực lượng ở những vị trí nhạy cảm, vùng biển xa nhằm phối hợp giữa công tác sản xuất với đảm bảo an ninh quốc phòng./.

Thành Nam