Theo báo cáo Kết quả xây dựng dự án Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN), ngay sau khi Quốc hội khóa XIV ban hành Nghị quyết số 78/2019/QH14, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 842/QĐ-TTg, Bộ Quốc phòng đã triển khai, thực hiện soạn thảo Luật BPVN theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Theo đó, tháng 7-2019 Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập được thành lập cùng kế hoạch soạn thảo Luật BPVN đúng trình tự, thủ tục và thời gian quy định.
Quang cảnh buổi làm việc.
Từ tháng 8/2019 đến 11/2019, Bộ tư lệnh BĐBP đã tổ chức xin ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan đồng thời tham mưu Bộ Quốc phòng tổ chức hội thảo, xin ý kiến các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập; lấy ý kiến tham gia của các cơ quan, đơn vị quân đội, 19 Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân 44 tỉnh, thành biên giới đối với hồ sơ dự án Luật BPVN; tiến hành khảo sát, tọa đàm, hội thảo tại các đơn vị BĐBP và địa phương tại 03 khu vực với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các sở, ban, ngành 17 tỉnh, thành biên giới, các đơn vị lực lượng vũ trang với 34 tham luận, 90 ý kiến tham gia đối với dự thảo Luật; lấy ý kiến tổng cộng 945 phiếu khảo sát đối với 02 loại phiếu khảo sát; tỉ lệ tham gia đạt 932/945=98,62% nhất trí ý kiến trả lời đồng thuận với các thông tin liên quan đến nội dung dự thảo Luật BPVN…
Ngày 25/11/2019, Cơ quan Thường trực Ban Soạn thảo Luật BPVN đã hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật BPVN gửi Bộ Tư pháp thẩm định và được thông qua vào ngày 6/12/2019. Ngày 10/01/2020, thực hiện Công văn số 61/VPCP-PL ngày 03/01/2020 của Văn phòng Chính phủ về trình Chính phủ các dự án Luật, Bộ Quốc phòng đã hoàn chỉnh Hồ sơ dự án Luật BPVN trình Chính phủ đúng thời gian quy định.
Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì buổi làm việc.
Trong thời gian tới, từ tháng 2/2020 đến tháng 4/2020, Cơ quan Thường trực Ban Soạn thảo sẽ tiến hành giải trình ý kiến thành viên Chính phủ; chỉnh lý, hoàn chỉnh Luật BPVN để Chính phủ trình Quốc hội theo quy định; gửi hồ sơ Luật BPVN đến Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội để phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm tra; tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm tra của các Ủy ban Quốc hội, chỉnh lý hoàn chỉnh Hồ sơ dự án Luật gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, cho ý kiến; tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật liên quan hoàn thiện Luật BPVN.
Để hoàn thiện Luật BPVN, Bộ tư lệnh BĐBP-Cơ quan Thường trực Ban Soạn thảo báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Quốc phòng và An ninh đối với 02 vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Đó là về tổ chức thi hành pháp luật, duy trì an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu và về trách nhiệm nhiệm kiểm soát hàng hóa, phương tiện tại cửa khẩu.
Tại buổi làm việc, các đại biểu của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã đóng góp nhiều ý kiến về 02 nội dung trên. Trong đó, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng đã nhấn mạnh, để Luật BPVN ra đời cần, bổ sung, hoàn chỉnh các quy định, nguyên tắc cơ bản về vị trí, chức năng của BĐBP; giải quyết được sự chồng chéo với các cơ quan đơn vị khác…