THẨM TRA ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT VÀ THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT ĐƯỜNG BỘ

10/04/2023

Tiếp tục chương trình phiên họp, chiều ngày 10/4 tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh họp phiên mở rộng, thẩm tra đề nghị xây dựng và thẩm tra sơ bộ dự án Luật Đường bộ. Trung tướng Lê Tấn Tới - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì phiên họp.

THƯỜNG TRỰC ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH HỌP PHIÊN MỞ RỘNG, THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Quang cảnh phiên họp.

Tham dự phiên họp có Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa. Cùng dự phiên họp có các đồng chí Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại diện một số Bộ, ngành liên quan.

 Trung tướng Lê Tấn Tới - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì phiên họp.

Báo cáo tại phiên họp, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, việc xây dựng Luật Đường bộ nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; vận tải đường bộ; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ.

Đại diện Bộ Giao thông vận tải báo cáo tại phiên họp.

Bên cạnh đó, việc xây dựng dự án Luật Đường bộ có tác động đối với tiến trình phát triển, hội nhập kinh tế của đất nước và dựa trên các quan điểm sau đây: kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, các luật mới được ban hành để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; bảo đảm tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; kế thừa, tiếp tục phát triển, hoàn thiện quy định còn phù hợp với thực tế, sửa đổi, bổ sung những quy định đã phát sinh hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tạo cơ chế để huy động tối đa mọi nguồn lực nhằm tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, làm cơ sở kết cấu lại các phương thức vận tải; nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn vận tải đường bộ tạo nên thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý, hiệu quả và cạnh tranh; cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các thành phần kinh tế trong môi trường kinh doanh, thông thoáng, bình đẳng trong lĩnh vực giao thông đường bộ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức giao thông, kinh doanh vận tải đường bộ; quản lý kết cấu hạ tầng, quản lý hoạt động vận tải.

Các đại biểu dự phiên họp.

Dự thảo Luật Đường bộ gồm 6 chương, 95 điều, tập trung điều chỉnh 03 nhóm chính sách lớn gồm: Hoàn thiện khung pháp lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Hoàn thiện khung pháp lý đối với phương tiện giao thông đường bộ; Hoàn thiện khung pháp lý trong hoạt động vận tải đường bộ…

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục cập nhật nội dung phiên họp.

Trọng Quỳnh