THỂ CHẾ HÓA CHỦ TRƯƠNG, ĐƯỜNG LỐI CỦA ĐẢNG VỀ XÂY DỰNG NỀN QUỐC PHÒNG, AN NINH VỮNG MẠNH

20/09/2023

Chiều 19/9, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội – 35 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Viện nghiên cứu Lập pháp phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp”, phục vụ Ủy ban Thường Vụ Quốc hội trong quá trình chỉ đạo cho ý kiến dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp tại Phiên họp thứ 26 (tháng 9/2023) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

HỘI THẢO GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP

Toàn cảnh Hội thảo

Ông Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp và ông Trịnh Xuân An – Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đồng chủ trì hội thảo.Tham dự Hội thảo có các đại diện cơ quan liên quan cùng các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Viện nghiên cứu lập pháp; Trung tâm nghiên cứu pháp luật về Hành chính – Nhà nước; Bộ Tư pháp; Bộ Quốc phòng; Học viện Hành chính Quốc gia;…

Phát biểu khai mạc, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội – ông Trịnh Xuân An cho biết dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp dự kiến gồm 7 chương và 73 điều, có rất nhiều nội dung khó và đặc thù liên quan đến công nghiệp quốc phòng, an ninh có ý nghĩa trực tiếp với chính sách quân sự, quốc phòng, an ninh.

Ông Trịnh Xuân An cũng nhấn mạnh rằng đây là dự thảo luật có cơ sở chính trị, pháp lí và cơ sở thực tiễn rất chắc chắn nên cần thiết kế nội dung như nào cho phù hợp với chủ trương của Đảng, luật hóa được những tư tưởng lớn biến thành những chủ trương vừa khả thi, cụ thể và thống nhất để xây dựng một nền quốc phòng, an ninh vững mạnh.

Ông Đặng Đình Luyến – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội 

Tại hội thảo, cho ý kiến về vấn đề đối tượng áp dụng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, ông Đặng Đình Luyến – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng trong dự thảo Luật này chưa làm rõ về đối tượng áp dụng của Luật để các cơ quan, tổ chức cá nhân biết và thực hiện.
Vì thế, ông Đặng Đình Luyến đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung một số điều vào vào sau Điều 1 và đồng thời sửa lại tên Điều 1 thành “Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, để quy định về đối tượng áp dụng” của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp với mục tiêu xác định rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện các quy định của Luật này.

Liên quan đến vấn đề quản lí nhà nước, TS.Hoàng Thị Ngân, nguyên Vụ trưởng Vụ tổ chức hành chính nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ đề nghị cân nhắc thể hiện khoản 3 Điều 62 và khoản 3 Điều 63: Cơ quan chuyên trách quản lí nhà nước về công nghiệp quốc phòng, động viên. Theo TS.Hoàng Thị Ngân, nội dung quản lí nhà nước không chỉ đặt trong phần về Chính phủ ở điều 61 mà nó áp dụng cho tất cả cơ quan khác. Trên thực tế, có những chính sách phải trình lên quốc hội, không thể có một điều chung chỉ giao cho riêng chính phủ. Do đó, Chính phủ ban hành tất cả các cơ chế chính sách quản lí công nghiệp quốc phòng là chưa phù hợp. Cũng theo T.S Hoàng Thị Ngân, đối với các Bộ, trách nhiệm của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an là tổ chức hệ thống cơ sở quốc phòng, không chỉ các tổ chức hành chính mà còn có các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp. Vì vậy, nhiệm vụ giao cho riêng Bộ Quốc phòng và Bộ Công an là chưa đủ mà cần có sự giúp đỡ của Chính phủ và các bộ, ngành khác.

TS. Nguyễn Mai Bộ, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội 

Về vấn đề bảo đảm nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng, an ninh, TS. Nguyễn Mai Bộ, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho ý kiến về một số điều. Thứ nhất, nguồn vốn cho phát triển công nghiệp quốc phòng an ninh, TS.Nguyễn Mai Bộ đề nghị làm rõ, phân biệt “ngân sách Nhà nước chi thường xuyên cho quốc phòng, an ninh” và “Ngân sách đặc biệt phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh”. Thứ hai, trong hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, theo TS.Nguyễn Mai Bộ, cần làm rõ khái niệm “sản phẩm nghiên cứu khoa học” trong mối liên hệ với nội hàm của “sản phẩm công nghiệp quốc phòng an ninh”, đồng thời đề nghị nghiên cứu dùng cụm từ “hồ sơ nghiên cứu khoa học và công nghệ” thay thế cho cụm từ “tài liệu thiết kế, tài liệu công nghệ sản xuất”. Bên cạnh đó, phải bổ sung yêu cầu bảo đảm an toàn trong nghiên cứu, chế tạo vũ khí, phương tiện kĩ thuật phục vụ cho việc phát triển công nghiệp quốc phòng an ninh. Về vấn đề hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng, an ninh.

GS. TS. Nguyễn Hồng Quân

GS. TS. Nguyễn Hồng Quân cho ý kiến về khoản 1 Điều 53. Nguyên tắc hợp tác quốc tế. Theo Giáo sư, hợp tác quốc tê phải đảm bảo được “lợi ích quốc gia – dân tộc”. Đối với việc nhập khẩu hàng hóa phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh không phải “được thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an” mà phải “được thực hiện theo quy định của Chính phủ”. Hay đối với hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm quốc phòng, an ninh, Chính phủ là cơ quan quyết định tổ chức triển lãm quốc phòng, quốc tế tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đồng ý rằng để huy động được tiềm lực công nghệ nói chung và tiềm lực công nghệ quốc phòng nói riêng cần chú ý đến vấn đề quan trọng nhất – vấn đề con người. Vì vậy, các chuyên gia, nhà khoa học đã góp ý về chế độ chính sách, còn nhiều bất cập đối với các chuyên gia cũng như người lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng.

Kết thúc hội thảo, ông Trịnh Xuân An – Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cảm ơn, ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học. Đồng thời, cho biết những ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được đưa ra báo cáo Thường vụ Quốc hội, phục vụ cho quá trình chỉ đạo cho ý kiến dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp./.

Ngọc Thúy

Các bài viết khác