Ghi nhận đóng góp của lực lượng Công an trong đảm bảo ANTT khu vực nông thôn

17/10/2014

Chiều 17/10, Ủy ban Quốc phòng & An ninh của Quốc hội đã họp phiên giải trình về “Trách nhiệm của lực lượng Công an trong bảo đảm trật tự, an toàn xã hội ở khu vực nông thôn” với sự có mặt của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Chủ nhiệm UB Quốc phòng & An ninh Nguyễn Kim Khoa và nhiều đại biểu khác. Đại tướng Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Lê Quý Vương - Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cùng đại diện các đơn vị chức năng đã có mặt tại phiên giải trình.

Tại phiên giải trình, Đại tướng Trần Đại Quang cho biết trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của TW Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp giữa các ban ngành chức năng và sự ủng hộ của nhân dân, tình hình bảo vệ ANTT ở nông thôn đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Xác định tầm quan trọng của công tác này, Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng triển khai thực hiện nghiêm túc có hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền kiện toàn các văn bản, chỉ thị, các cơ chế chính sách để bảo đảm ANTT; ban hành nhiều văn bản phổ biến tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức cho người dân; từng bước kiện toàn và nâng cao trình độ cho lực lượng Công an xã - được xác định là lực lượng nòng cốt bảo đảm ANTT ở cơ sở và nòng cốt cho phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; duy trì thường xuyên việc khai báo trạm trú tạm vắng tại các thôn, ấp, bản, làng. Xác định các xã trọng điểm về ANTT để tập trung xử lý, bước đầu đạt hiệu quả tốt. Triển khai các biện pháp huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia bảo đảm an ninh trật tự.

http://img.cand.com.vn/Uploaded_CANDONLINE/thanhbinh1/thanhbinh3/BT17.10.14-1.jpg

Toàn cảnh phiên họp

Tuy vậy, Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng thẳng thắn thừa nhận công tác bảo đảm ANTT nông thôn còn bộc lộ một số hạn chế như: Việc nắm tình hình có nơi có lúc còn chưa kịp thời. Hệ thống chính trị ở một số địa phương vào cuộc chưa quyết liệt, các tổ chức đoàn thể hoạt động chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến hệ thống pháp luật còn sơ hở, chế tài chưa đủ sức răn đe. Công tác giải quyết các điểm nóng còn chưa chặt chẽ, có nơi có chỗ còn đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, cho đây là trách nhiệm của lực lượng Công an… Do đó, tình hình ANTT khu vực nông thôn vẫn còn những yếu tố diễn biến phức tạp như khiếu kiện, tội phạm về trật tự xã hội có xu hướng gia tăng, trong đó tội trộm cắp tài sản chiếm gần một nửa số vụ phạm pháp hình sự. Tội phạm mua bán người, cờ bạc mại dâm diễn biến phức tạp nhất là vào các dịp lễ Tết. Bên cạnh đó, nguy cơ tham nhũng tiềm ẩn lớn, đặc biệt về đất đai, tình trạng ô nhiễm môi trường như xả thải chưa qua xử lý… Tình trạng tái trồng cây thuốc phiện tại vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới vẫn còn xảy ra…

Chỉ ra một số nguyên nhân, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết về chủ quan, cấp ủy, thủ trưởng Công an một số đơn vị địa phương vẫn chưa chủ động trong công tác đảm bảo ANTT, giải quyết các vụ việc phát sinh. Bên cạnh đó, lực lượng chưa đồng đều, biên chế Công an cấp huyện còn yếu, điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Số lượng Công an xã cũng chưa đáp ứng đủ yêu cầu, chế độ chính sách cho lực lượng này còn hạn chế. Về khách quan, còn phải kể đến người dân nông thôn có xu hướng thoát ly ra thành phố ngày càng nhiều, có tình trạng mang tệ nạn xã hội về, thành phần dân cư nông thôn ngày càng đa dạng hơn, ảnh hưởng đến việc bảo đảm ANTT.

Nhận định tình hình ANTT khu vực nông thôn cơ bản được giữ vững và ghi nhận đóng góp của lực lượng Công an nhưng đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng tình hình vẫn diễn biến phức tạp, cần những bước đi thận trọng… Chia sẻ với các ý kiến đóng góp và trả lời các câu hỏi chất vấn của các đại biểu, Đại tướng Trần Đại Quang cho biết Bộ Công an đã và đang tập trung chỉ đạo một loạt công việc như: Chủ động tham mưu ban hành các chỉ thị, chính sách về bảo đảm ANTT. Phối hợp chặt chẽ với các ban ngành đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền hiểu biết pháp luật, giải quyết mâu thuẫn ngay từ cơ sở, từ đầu, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm. Thêm vào đó, lực lượng Công an đã và đang và sẽ tiếp tục liên tục triển khai các cao điểm phòng chống tội phạm; tập trung điều tra khám phá nhanh những tội phạm nguy hiểm; Tăng cường tuần tra kiểm soát, phối hợp với cả hệ thống chính trị ở cơ sở, nâng cao hiệu quả các tổ chức tự quản, tự phòng ở khu vực nông thôn. Để thúc đẩy việc quần chúng nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm, lực lượng Công an đang tích cực nâng cao chất lượng xử lý tin báo tội phạm để phát hiện các vụ phạm tội đưa ra xét xử…

Với quyết tâm giữ vững ANTT khu vực nông thôn, đảm bảo bình yên cho người dân và phục vụ sự nghiệp phát triển và bảo vệ tổ quốc, trong thời gian tới, Bộ Công an xác định tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ giải pháp cụ thể: nắm vững, dự báo sát tình hình; tập trung đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các vấn đề nổi lên, triệt xoá các tụ điểm phức tạp, nâng cao chất lượng điều tra, khám phá các vụ án, đặc biệt là án nghiêm trọng để đưa ra xử lý, tăng tính chất răn đe. Lực lượng Công an các cấp cũng chủ động tham mưu cho cấp ủy chính quyền kết hợp chặt chẽ phát triển KTXH với đảm bảo Quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt cơ chế dân chủ ở cơ sở, đẩy lùi tham nhũng… Nâng cao ý thức cảnh giác cho nhân dân, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng đề nghị giải quyết một số vướng mắc về cơ chế chính sách như sửa đổi Bộ luật Hình sự và Luật xử lý vi phạm hành chính theo hướng tăng nặng xử phạt để có chế tài nghiêm minh hơn. Củng cố lực lượng Công an xã vững mạnh, nâng cao chất lượng đào tạo và bổ sung chế độ chính sách để lực lượng này yên tâm làm nhiệm vụ. Bộ trưởng Bộ Công an cũng đề nghị các địa phương quan tâm giải quyết khiếu nại tố cáo từ cơ sở, không để phức tạp kéo dài, không để thành điểm nóng…

(Theo CAND)