Ủy ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra sơ bộ dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước

02/08/2017

Chiều 2/8, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Võ Trọng Việt, Ủy ban Quốc phòng và An ninh họp thẩm tra sợ bộ dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ tham dự phiên họp.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra sơ bộ dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước

Theo Tờ trình của Chính phủ, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước số 30/2000/PL-UBTVQH10 được Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2001. Đến nay, trong bối cảnh quốc tế ngày càng phức tạp khó lường, các thế lực thù địch không ngừng các hoạt động chống phá, từ mục tiêu quan điểm chỉ đạo và định hướng của Đảng, Nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, việc xây dựng dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước là yêu cầu khách quan và cần thiết.

Trên cơ sở kế thừa và luật hóa những quy định còn chưa phù hợp; sửa đổi, bổ sung những quy định còn thiếu, chưa bảo đảm khả thi của Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn, Dự thảo Luật được xây dựng và bố cục thành 5 chương, 41 điều. Dự thảo Luật quy định về phân loại, phạm vi danh mục bí mật nhà nước; Hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước; Trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước.

Nhất trí với sự cần thiết phải xây dựng Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhấn mạnh, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước đã được ban hành 15 năm, quá trình triển khai trong thực tế có nhiều bất cập, hạn chế, nhất là trong khi tình hình kinh tế- xã hội đã có nhiều thay đổi, nhu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đòi hỏi ngày càng cao; theo đó, tình hình lộ, lọt, mất bí mật nhà nước có xu hướng nghiêm trọng, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước.

Đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí cho rằng, nội dung dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát một số quy định về quyền cơ bản của công dân và các chế độ, chính sách khác để đảm bảo thống nhất với các quy định trong Luật An ninh quốc gia, Luật Cơ yếu, Luật Cảnh vệ, Luật An toàn thông tin mạng…; đồng thời bổ sung một số quy định cụ thể hơn để đảm bảo tính khả thi khi Luật được ban hành.

Về bố cục của dự thảo Luật, một số ý kiến đề nghị sắp xếp lại bố cục của dự thảo Luật cho phù hợp, vì một số chương, mục chỉ có 2-3 điều… Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng (Điều 1), một số ý kiến cơ bản tán thành với quy định của dự thảo Luật. Tuy nhiên, nội dung giải thích từ ngữ và các quy định trong dự thảo Luật mới chỉ điều chỉnh đối với bí mật nhà nước ở dạng thông tin được thể hiện bằng các hình thức vật chất cụ thể mà chưa đề cập đến việc quản lý thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước tồn tại khách quan trong đời sống xã hội hoặc trong tri thức con người. Do đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định đối với hình thức thông tin này để quản lý chặt chẽ, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và lợi ích quốc gia, dân tộc.

Một số ý kiến cho rằng, nội dung giải thích từ “thông tin” của dự thảo Luật là chưa phù hợp, vì trên thực tế, thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước không chỉ do “cơ quan, tổ chức, cá nhân soạn thảo, ban hành, tạo ra” mà có những thông tin về các sự kiện, hiện tượng tồn tại khách quan trong hoạt động quản lý nhà nước, trong đời sống xã hội, khi chưa được thể hiện trong các văn bản, tài liệu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là bí mật nhà nước, ví dụ như thông tin về các hoạt động bạo loạn, gây rối an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Tại phiên họp, các đại biểu đề nghị rà soát, sử dụng các thuật ngữ trong dự thảo Luật đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật như Luật Tiếp cận thông tin, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Cơ yếu, Luật Lưu trữ; đồng thời nghiên cứu đưa nội dung giải thích từ ngữ về các điều luật cụ thể như “giải mật”, “giảm độ mật”, “tăng độ mật”, “khu vực cấm”, “địa điểm cấm”.

Về phân loại bí mật nhà nước, các đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo Luật về phân loại bí mật nhà nước chưa rõ, chưa đủ căn cứ để lập danh mục bí mật nhà nước. Vì theo quy định tại Điều 9, cấp độ bí mật nhà nước được phân loại căn cứ vào hậu quả “có thể” xảy ra phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau dễ dẫn đến việc lập danh mục bí mật nhà nước thiếu thống nhất giữa các bộ, ngành, địa phương do nhận thức khác nhau về mức độ thiệt hại có thể xảy ra. Mặt khác, dự thảo Luật cũng chưa làm rõ căn cứ xác định mức độ nguy hại “nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng”, “đặc biệt nghiêm trọng”. Các đại biểu băn khoăn, đây là những dấu hiệu định tính, liệu có bảo đảm tính thống nhất với quy định của Bộ luật hình sự hay không?

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, hoan nghênh tinh thần của Ban soạn thảo và các đại biểu trong việc đóng góp các ý kiến để xây dựng dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Ban soạn thảo phải bổ sung giải thích khái niệm đầy đủ ngay từ đầu, mới có kế hoạch dài hơi cho dự thảo Luật trong việc thực hiện trong tương lai; về phân loại bí mật nhà nước thì cần phải nghiên cứu thêm để đảm bảo chặt chẽ và đảm bảo tính khả thi hơn; Phạm vi bí mật nhà nước cũng cần phải rà soát lại theo các ý kiến các đại biểu đã phát biểu để bổ sung. Dự thảo Luật phải đảm bảo hạn chế tối đa gây phiền hà, không để lộ lọt thông tin và đảm bảo bí mật trong công tác quản lý.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Ban soạn thảo trên cơ sở tiếp thu các ý kiến tham gia của các đại biểu, xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình gửi kèm để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội; Ủy ban Quốc phòng và An ninh sớm hoàn chỉnh các báo cáo thẩm tra sợ bộ để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Tin và ảnh: Đặng Mai