CHỦ NHIỆM ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH VÕ TRỌNG VIỆT: NỖ LỰC NHIỀU, TRÁCH NHIỆM CAO, VINH DỰ LỚN

21/01/2021

Mặc dù chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19, thế nhưng năm 2020, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ trì, thẩm tra 8 dự án luật, dự thảo Nghị quyết và tham gia thẩm tra 18 dự án Luật khác.

 

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trả lời phỏng vấn của phóng viên

Trong cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Ủy ban đã chủ trì thẩm tra trên 15 luật có chất lượng, cùng nhiều Nghị quyết. Thậm chí, có kỳ họp Quốc hội, Ủy ban đã chủ trì thẩm tra 4 dự án luật, 1 dự thảo Nghị quyết. Đó là việc quá khả năng nhưng đã được hoàn thành rất xuất sắc, cho thấy nỗ lực rất lớn, trách nhiệm rất cao của Ủy ban. Đây là khẳng định của Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhân dịp Tết Tân Sửu 2021.

Phóng viên: Thưa Chủ nhiệm, năm 2020 là năm với rất nhiều hoạt động về lập pháp của Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Vậy Chủ nhiệm có thể chia sẻ rõ hơn những kết quả trong công tác này, trong đó dự án Luật Biên phòng Việt Nam do Ủy ban chủ trì thẩm tra đã được Quốc hội thông qua với số phiếu rất cao?

Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Năm 2020 là năm Ủy ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra nhiều dự án luật, với 4 dự án luật, trong đó, 1 dự án luật đã được Quốc hội thông qua và 3 dự án luật được cho ý kiến lần đầu. Cụ thể, Luật Biên phòng Việt Nam đã được Quốc hội thông qua với số phiếu rất cao. Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Lực lượng tham gia bảo đảm vệ an ninh trật tự ở cơ sở được cho ý kiến lần đầu. Quốc hội, UBTVQH cũng đã thông qua 4 Nghị quyết. Nói chung, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tổ chức thẩm tra 1 cách chu đáo, thận trọng và có nghiên cứu lý luận, khảo sát thực tiễn nên chất lượng luật bảo đảm theo yêu cầu của Quốc hội.

Với dự án Luật Biên phòng Việt Nam, bước đầu có ý kiến khác nhau về tên gọi, phạm vi điều chỉnh, nội dung, chính sách đối với Luật Biên phòng. Thứ hai, giữa Luật Biên phòng với các luật khác có xung đột không? Đó là những băn khoăn của các đại biểu Quốc hội cũng như các cơ quan liên quan, làm sao để Luật này ra đời đảm bảo được vành đai khép kín bảo vệ biên giới, chủ quyền của Tổ quốc nhưng cũng không xung đột với các luật khác, mà rành mạch, rõ ràng để khi thực hiện luật không chồng chéo. Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tổ chức các cuộc làm việc với các cơ quan liên quan để nghe ý kiến nhiều chiều; tổ chức các cuộc lấy ý kiến từ trung ương đến địa phương, nhiều vùng miền để nghe ý kiến từ thực tiễn, từ thực tiễn rồi mới cô đọng, chắt lọc lại để đưa vào luật. Bên cạnh đó, đối với các ý kiến riêng của các cơ quan tổ chức hữu quan, Ủy ban đều tôn trọng, lắng nghe và chắt lọc để khi tổng hợp lại thành một khối thống nhất, liên hoàn, khép kín chứ không chia rẽ tách rời. Tiếp nữa, chúng tôi lựa chọn vấn đề mấu chốt, nội dung quan trọng để trình ra các cuộc hội thảo chuyên đề. Đối với các nhà khoa học thì nêu những vấn đề cốt lõi phù hợp với lý luận. Còn đối với các đơn vị cơ sở thì nêu vấn đề thực tiễn mà dự thảo luật chưa bao quát hết để các đại biểu, chuyên gia, các nhà khoa học phát hiện, giúp cho Ủy ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra thuận lợi hơn. Khi về, Ủy ban tổng hợp cả lý luận, cả thực tiễn để đưa vào tiếp thu, chỉnh lý các nội dung này trong dự án Luật.

Vấn đề quan trọng nhất là hoạt động của Bộ đội Biên phòng hơn 60 năm qua liên tục phát triển, vậy làm sao để có một hành lang pháp lý quan trọng để cán bộ chiến sỹ thực thi nhiệm vụ tốt hơn? Thứ hai nữa, đảm bảo cơ chế chính sách cho Bộ đội Biên phòng hoạt động nơi vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được hưởng lợi về chính sách, để anh em cán bộ chiến sỹ không chỉ đủ sức để hoàn thành nhiệm vụ mà còn có điều kiện chăm lo cuộc sống, hậu phương gia đình. Đó là nội dung mà Luật rất quan tâm. Khi đưa ra thảo luận tại Quốc hội, tuyệt đại bộ phận đại biểu Quốc hội rất đồng tình ủng hộ, cho rằng hướng thẩm tra luật đi vào chiều sâu nội dung như vậy là thiết thực, cụ thể và rất đáp ứng được yêu cầu cuộc sống hiện nay của nhân dân vùng biên giới cũng như cán bộ chiến sỹ Bộ đội Biên phòng và các lực lượng liên quan, cho nên tỷ lệ đại biểu Quốc hội đồng tình thông qua là rất cao.

Phóng viên: Kính thưa Chủ nhiệm, Nghị quyết về tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là một trong không nhiều Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua với 100% các đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Đây là một dấu ấn nổi bật của Ủy ban Quốc phòng và An ninh trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Vậy Chủ nhiệm có thể nói rõ hơn về quá trình thẩm tra cũng như ý nghĩa của Nghị quyết này?

Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Quy trình thẩm tra việc này, chúng tôi làm rất thận trọng, bởi vì Điều ước quốc tế, liên quan đến luật pháp quốc tế, chúng tôi chưa có kinh nghiệm nhiều cho nên câu chữ phải rất chặt chẽ. Thực tế, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận rất nhiều khía cạnh khác nhau, nhiều yêu cầu rất cao nên giúp cho Ủy ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra Nghị quyết này rất toàn diện và chính xác.

Vấn đề quan trọng nhất là phải phù hợp với luật pháp quốc tế, với các Hiệp định hữu nghị mà chúng ta đã ký với quốc tế, với Điều ước quốc tế của Liên hợp Quốc đã quy định. Chúng ta phải chắt lọc rất rõ ràng. Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã cung cấp thông tin rất đầy đủ cho các đại biểu Quốc hội để trên cơ sở đó, các đại biểu Quốc hội hiểu được tầm quan trọng của việc cử quân nhân tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là có tác dụng như thế nào, có lợi ích như thế nào cho quốc gia trên trường quốc tế. Thứ hai, nguyên tắc, tôn chỉ, mục đích của việc này như thế nào để đại biểu Quốc hội thấy rằng hoạt động GGHB LHQ phải tuân thủ nguyên tắc, tôn chỉ, mục đích như vậy. Thứ ba, phương pháp, chế độ chính sách cho lực lượng tham gia GGHB làm sao để đảm bảo. Thứ tư, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước sở tại và của Việt Nam để làm thế nào không vi phạm pháp luật và nếu vi phạm phải xử lý theo quy định của luật nước sở tại cũng như luật của Việt Nam. Như vậy khi ban hành Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, tuyệt đại bộ phận đại biểu Quốc hội rất chia sẻ, đồng tình ủng hộ, rất phấn khởi bấm nút với tỷ lệ tán thành 100%.

Việc ban hành Nghị quyết là điều kiển rất quan trọng để làm cơ sở pháp lý cho chúng ta triển khai lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp Quốc, làm cho thế giới hiểu biết hơn về đất nước Việt Nam. Thêm nữa, thông qua hoạt động pháp lý trên nghị trường thế giới, Liên hợp quốc thì chúng ta cũng đúc rút được kinh nghiệm và có bề dày để sau này ứng phó với tình hình trong nước và thế giới tốt hơn.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt

Phóng viên: Vậy công tác xây dựng pháp luật trong năm 2021 đã được Ủy ban Quốc phòng và An ninh dự kiến và sẽ có những kế hoạch gì, thưa Chủ nhiệm?

Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Năm 2021 là năm cuối của nhiệm kỳ và tiếp giáp cho nhiệm kỳ mới cho nên chương trình xây dựng hệ thống pháp luật của năm 2021 cũng đã được đưa vào. Ví dụ như 2 Luật của Bộ Công an, 1 luật của Bộ Giao thông vận tải và dự kiến 1 luật của Bộ Quốc phòng sẽ được cho ý kiến bước đầu. Tất nhiên, giai đoạn này là giai đoạn gấp rút. Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV chủ yếu là tổng kết, hạn chế làm luật cho nên dự kiến chương trình xây dựng luật của năm 2021 rất hạn hẹp mà tập trung chủ yếu cho tổng kết nhiệm kỳ. Còn việc xây dựng pháp luật chủ yếu cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, năm 2022 thì đã có 1 chương trình, kế hoạch của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để trình nhưng thuộc thẩm quyền của UBTVQH khóa mới và đại biểu Quốc hội khóa mới. Tôi tin chắc rằng, lĩnh vực Quốc phòng-An ninh còn rất nhiều luật cần phải ban hành cho nên áp lực đòi hỏi xây dựng hệ thống luật của Quân đội, Công an còn rất lớn.

Phóng viên: Thưa Chủ nhiệm, nhìn lại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã thực hiện được rất nhiều kết quả quan trọng trong công tác lập pháp, giám sát, qua đó giúp Quốc hội, UBTVQH có những quyết sách quan trọng trong lĩnh vực Quốc phòng-An ninh. Vậy Chủ nhiệm có thể tổng kết khái quát những kết quả nổi bật của Ủy ban trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV?

Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV là một nhiệm kỳ rất vất vả bởi Ủy ban Quốc phòng và An ninh có biến động về thành viên trong Ủy ban, thế nhưng với quyết tâm và đoàn kết, Ủy ban đã làm được rất nhiều việc, trong đó đã thẩm tra trên 15 luật có chất lượng cao cùng các Nghị quyết và tỷ lệ phiếu tán thành rất cao. Tôi cho rằng đó là việc quá khả năng. Có kỳ họp Quốc hội, Ủy ban đã thẩm tra đến 4 dự án luật, chưa kể cả dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Phải nói, cường độ làm việc để có thể thông qua các dự án luật là rất lớn, nhưng mừng là các đại biểu Quốc hội thông qua với tỷ lệ phiếu cao. Thứ hai, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tham mưu cho UBTVQH tổ chức giám sát nhiều chuyên đề, trong đó có những chuyên đề rất quan trọng như: An ninh, an toàn hàng không; khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm Quốc phòng, an ninh và nhất là về thực thi pháp luật về phòng cháy chữa cháy, đã có những ấn tượng rất sâu, chuyển biến rất tốt ở cấp ủy địa phương, các ngành. Thứ ba, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tham mưu cho UBTVQH để Quốc hội quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Ngoài ra, Ủy ban cũng tham gia cùng các Ủy ban khác để tổ chức thẩm tra các dự án luật có liên quan đến Quốc phòng, an ninh. Phải nói, tần suất hoạt động của Ủy ban Quốc phòng và An ninh trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV là rất lớn. Người thì ít, công việc thì nhiều nhưng hoàn thành nhiệm vụ rất xuất sắc.

Phóng viên: Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, theo Chủ nhiệm, ngoài công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật về Quốc phòng an ninh, hoạt động khảo sát, giám sát cần được chú trọng và có những phương thức tổ chức, thực hiện như thế nào?

Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Phải lựa chọn những vấn đề mấu chốt, nóng, bức xúc của cử tri, nhân dân để tiến hành giám sát. Có như vậy mới giải quyết được những vấn đề của nhân dân. Vấn đề an ninh trật tự, quốc phòng toàn dân là những vấn đề cần được quan tâm để làm cho nhân dân hiểu, thông cảm, chia sẻ, làm thế nào để nội bộ lực lượng Quân đội, Công an phải mạnh lên. Trong khóa XV, việc thực thi, tổ chức giám sát các Luật, Nghị quyết của khóa 13,14 cần phải làm thế nào để Luật, Nghị đi vào cuộc sống, đặc biệt là đối với Quân đội, Công an, để giúp cho đời sống cán bộ chiến sỹ và đơn vị, cơ sở tốt hơn và tiềm lực Quốc phòng an ninh mạnh hơn.

Phóng viên: Năm 2021 là năm sẽ diễn ra bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Vậy trong phạm vi, quyền hạn của mình, Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ tham gia vào các hoạt động gì, thưa Chủ nhiệm?

Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Chức năng nhiệm vụ của Ủy ban Quốc phòng và An ninh là tư vấn, giám sát các hoạt động về an ninh trật tự đảm bảo cho an toàn trong cuộc bầu cử cũng như các hoạt động của đất nước. Ủy ban cũng nằm trong Tiểu ban về An ninh trật tự của cuộc bầu cử, sẽ tiến hành tổ chức tham mưu cho UBTVQH chỉ đạo các Bộ chuyên ngành như: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các Bộ liên quan và các địa phương, phải nắm chắc chủ trương, Nghị quyết của Đảng, của UBTVQH, kế hoạch tổ chức bầu cử, đảm bảo phân ra các địa bàn để có lực lượng bảo vệ vững chắc An ninh trật tự và an toàn xã hội trong thời gian bầu cử, cả trong, trước và sau cuộc bầu cử. Các Tiểu ban cũng đã họp nhiều lần, bàn các kế hoạch chương trình, hành động cụ thể và theo lộ trình đã được quy định, dự kiến các kịch bản, xử lý các phương án có thể xảy ra. Chắc chắn rằng, cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới sẽ thành công tốt đẹp.

Phóng viên: Trân trọng cám ơn Thượng tướng Võ Trọng Việt!

Nhân dịp năm mới, kính chúc Chủ nhiệm nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công! 

Chúc Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong năm 2021!

Khắc Phục