ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI.

26/03/2019

Sáng 26/3, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018”, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi làm việc với Bộ Giao thông vận tải về Quỹ Bảo trì đường bộ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Quang ,Phó Trưởng Đoàn giám sát, điều hành buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc còn có Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Đình Thọ, lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Giao thông - Vận tải, đại diện lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, các chuyên gia cùng các thành viên Đoàn giám sát.

Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Quang phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Quang cho biết, thời gian qua việc sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách phát huy hiệu quả, cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó còn có những vấn đề phát sinh theo phản ánh của cử tri, đại biểu Quốc hội, một số Quỹ thực hiện quản lý thu chi sử dụng chưa thực sự đạt mục tiêu. Do đó, mục tiêu của Đoàn giám sát là rà soát lại các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Từ đó xác định những quỹ nào sử dụng có hiệu quả thì tiếp tục duy trì, những quỹ sử dụng không đáp ứng yêu cầu thì sẽ có kiến nghị sắp xếp xử lý.

Đối với Quỹ Bảo trì đường bộ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Quang nêu rõ, hiện nay kinh phí cho bảo trì, bảo dưỡng chưa đáp ứng yêu cầu với thực tế những cần xác định thực sự chi phí đó ở quỹ đá đáp ứng mục tiêu đúng bản chất bảo trì bảo dưỡng hay chưa. Qua tiếp xúc cử tri, người dân phản ánh do chất lượng trong quá trình xây dựng có vấn đề, do quản lý đầu tư xây dựng có vấn đề nên chất lượng công trình không đảm bảo. Do đó ngoài trách nhiệm của người có trách nhiệm thì việc sử dụng quỹ bảo trì đường bộ là chưa đúng mục đích. Cùng với đó, Đoàn giám sát cũng quan tâm đến việc sử dụng quỹ bảo đảm đúng quy định, phát huy hiệu quả hay chưa, chất lượng như thế nào, việc lựa chọn các nhà thầu thực hiện bảo dưỡng, duy tu có bảo đảm công khai minh bạch.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Quang đặt vấn đề, nguồn hình thành quỹ trước đây có từ phí bảo trì và hỗ trợ của ngân sách nhà nước nhưng từ khi có Luật Ngân sách nhà nước 2015 (có hiệu lực từ năm 2017) thì nguồn thu của quỹ được cấp từ ngân sách nhà nước. Việc ngân sách nhà nước cấp kinh phí cho Quỹ phát sinh một số vấn đề như việc cấp phát ngân sách có thể chậm hoặc không đủ gây ảnh hưởng đến hiệu quả công tác bảo trì, bảo dưỡng đường bộ; không được chuyển nguồn; tổ chức bộ máy, tính chất hoạt động có sự thay đổi. Vì vậy, Đoàn giám sát đề nghị cơ quan chủ quản báo cáo làm rõ tình hình hoạt động và đề xuất các phương án giải quyết.

Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Đình Thọ phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo trước Đoàn giám sát, đại diện Bộ Giao thông – Vận tải cho biết, Quỹ Bảo trì đường bộ được thành lập theo quy định tại điều 49 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Nghị định 18/2012/NĐ-CP để huy động nguồn vốn ổn định, lâu dài để đảm bảo nguồn chi cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống kết cấu giao thông đường bộ.

Trong giai đoạn 2013-2018, với nguồn thu từ nguồn thu phí sử dụng đường bộ và nguồn ngân sách cấp bổ sung, phân chia theo tỷ lệ 65% dành cho bảo trì đường quốc lộ và 36% hỗ trợ bảo trì đường địa phương. Ngành giao thông vận tải đã bảo trì và giữ được hơn 570.000 km đường bộ trên cả nước, trong đó 21.416 km quốc lộ. Đặc biệt đối với hệ thống đường quốc lộ, với nguồn vốn được cấp, Bộ Giao thông vận tải đã thực hiện xử lý các cầu yếu;  xử lý điểm đen, điểm mất an toàn giao thông; bổ sung thay thế biển báo hiệu; sơn vạch kẻ đường; sửa chữa mặt đường, gia cố lề, mở rộng mặt đường; sửa chữa, cải tạo hệ thống thoát nước; xây dựng hệ thống quan trắc các cầu lớn; khắc phục hậu quả thiên tai…Nhờ đó hệ thống giao thông đường bộ đã từng bước được bảo vệ tốt hơn, giảm thiểu sự xuống cấp, duy trì khả năng khai thác các tuyến đường.

Tuy nhiên trong quá trình hoạt động cũng bộc lộ một số hạn chế như nhu cầu vốn bảo trì ngày càng tăng trong khi nguồn vốn chỉ đáp ứng gần 50% nhu cầu; việc bãi bỏ thu phí đường bộ đối với xe máy trong khi mức phí thu không tăng ảnh hưởng đến kế hoạch thu. Việc huy động các nguồn thu khác để bổ sung cho quỹ cũng chưa được thực hiện. Ngoài ra, tại các địa phương mô hình hoạt đọng của các Quỹ bảo trì đường bộ chưa được thống nhất, đồng bộ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động.

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đánh giá cao báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, Quỹ Bảo trì đường bộ đầy đủ thông tin, súc tích, bám sát đề cương, các cơ quan liên quan giải trình rõ ràng, đáp ứng yêu cầu thành viên Đoàn giám sát.

Đoàn giám sát đánh giá cao nội dung báo cáo của Bộ Giao thông - Vận tải

Đoàn giám sát cho rằng, kinh phí bảo trì đường bộ trong giai đoạn qua dù còn hạn chế, nhưng đã được sử dụng bảo đảm mục tiêu đề ra, bảo đảm duy tu, sửa chữ, lưu thông trong giao thông vận tải. Tuy nhiên, nhu cầu kinh phí duy tu, bảo dưỡng giao thông đường bộ hiện nay cao hơn so với nguồn vốn hiện nay. Bộ Giao thông vận tải cần nghiên cứu xây dựng cơ chế để huy động nhiều hơn nguồn lực từ ngân sách, thu phí bảo dưỡng, cũng như từ các nguồn khác.

Cùng với đó vẫn phải duy trì bảo đảm chất lượng công tác duy tu, bảo dưỡng, cũng như quy trình thực hiện như thế nào để bảo đảm chất lượng duy tu, bảo dưỡng. Đây không chỉ là chất lượng công tác duy tu, bảo đưỡng, mà phải giám sát ngay từ đầu quá trình đầu tư xây dựng mới, để bảo đảm chất lượng công trình, giúp giảm chi phí duy tu, bảo dưỡng.

Thành viên Đoàn giám sát cũng nhận thấy cần hoàn thiện cơ chế quản lý Quỹ, bảo đảm đồng bộ với hệ thống pháp luật. Đoàn giám sát đề nghị nghiên cứu mô hình Quỹ Bảo trì, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, để duy trì hiệu quả công tác bảo trì, duy tu, cũng như phát triển kết cấu hạ tầng.

Bảo Yến