Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Bùi Đặng Dũng trình bày ý kiến thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016
Cho ý kiến thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 tại phiên họp, đa số thành viên Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội đều cho rằng, trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước năm 2016 còn nhiều khó khăn những về cơ bản, Chính phủ đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để điều hành dự toán chi ngân sách nhà nước theo quy định, bám sát dự toán được giao; công tác kiểm tra, kiểm soát chi ngân sách nhà nước được tăng cường; công tác quản lý chi ngân sách nhà nước được quan tâm hướng tới mục tiêu tiết kiệm, chống lãng phí.
Bên cạnh đó, Ủy ban Tài chính-Ngân sách cũng thẳng thắng chỉ ra một số tồn tại hạn chế trong công tác quản lý chi ngân sách nhà nước năm 2016 như việc lập và giao dự toán chi đối với một số khoản chi chưa sát thực tế, vẫn còn tình trạng giao dự toán chậm, giao dự toán chi đầu tư phát triển chưa đúng đối tượng, chưa tuân thủ kế hoạch đầu tư công trung hạn. Một số nhiệm vụ chi quan trọng, đảm bảo cho phát triển bền vững không đạt dự toán. Tình trạng chi sai chế độ, sử dụng sai nguồn kinh phí ở các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư và cả trong điều hành vẫn tái diễn…
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thẳng thắn thừa nhận một số hạn chế trong công tác quản lý chi ngân sách nhà nước
Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá nguyên nhân của các bất cập, hạn chế trong chi thường xuyên, chi đầu tư, làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương đồng thời thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng điều hành, thực hiện dự toán chi ngân sách nhà nước, bảo đảm việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước hiệu quả, tiết kiệm, tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương tài chính chính.
Tán thành với nhận định của Ủy ban Tài chính- Ngân sách về tổng chi ngân sách nhà nước vượt dự toán song một số nhiệm vụ chi quan trọng, đảm bảo cho phát triển bền vững lại không đạt dự toán như chi cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và dạy nghề đạt 91%, chi sự nghiệp y tế đạt 97,6%, chi sự nghiệp khoa học công nghệ đạt 90,2%, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng cần phải bổ sung đánh giá chi cho chính sách dân tộc. Thực tế, hàng năm chi cho chính sách dân tộc chỉ đạt 50%. Trong khi đó, rất nhiều chương trình chính sách chưa cấp ngân sách hoặc cấp ngân sách chậm như chương trình 135 về phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhưng đến cuối năm vẫn có báo cáo thực hiện hiệu quả, người dân tự giảm nghèo. Trong số 9 chương trình chính sách do Ủy ban Dân tộc quản lý hàng năm cấp ngân sách rất thấp như chi ổn định định dân cư biên giới có quyết định mấy năm nay nhưng hoàn toàn bị bỏ trống.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị bổ sung đánh giá thực hiện nhiệm vụ chi cho chính sách dân tộc miền núi
Trước đó, trong phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thảo luân về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng cho biết, việc cân đối, bố trí đảm bảo nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi chưa thể hiện tính ưu tiên trong bố trí nguồn lực thực hiện chính sách đó. Hầu hết các bố trí nguồn lực để thực hiện các chính sách này đều thấp, nhiều địa phương do chưa cân đối ngân sách nên chưa bố trí thực hiện chính sách này theo ngân sách địa phương. Trong 9 đề án do Ủy ban Dân tộc trực tiếp phụ trách bố trí nguồn lực cho thực hiện các chương trình kế hoạch mới đạt khoảng 65%, các chương trình do các bộ, ngành khác trực tiếp phụ trách còn thấp hơn nữa. Đến nay còn 6 chính sách chưa bố trí nguồn lực thực hiện, trong đó có 4 chính sách đã ban hành và có hiệu lực từ năm 2015 và 2016.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu tại phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua
Việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhu cầu bức thiết để phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số triển khai còn chậm và chưa rõ hiệu quả như chính sách để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, vay vốn tín dụng, tái định cư. Trong khi đó, số liệu và thông tin báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách cho vùng dân tộc thiểu số miền núi chưa thống nhất. Còn một số lĩnh vực thiếu độ tin cậy và không cập nhật đầy đủ, kịp thời do thiếu tiêu chí phân định hợp lý và hệ thống theo dõi thông tin phù hợp thống nhất từ trung ương đến địa phương.
Vì vậy, trong thời gian tới trong báo cáo tình hình việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như dự toán ngân sách nhà nước nên dành một mục để đánh giá việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như dự toán ngân sách nhà nước về lĩnh vực dân tộc thiểu số và miền núi để tiện đánh giá, theo dõi. Đồng thời, sớm có biện pháp khắc phục việc hiện nay chưa có cơ quan nào thống kê nguồn lực ngân sách nhà nước bố trí cho việc thực hiện chính sách dân tộc và miền núi.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp
Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho rằng đúng là có thực trạng thực hiện nhiệm vụ chi cho chính sách dân tộc miền núi không đạt dự toán, chi không hiệu quả, tuy nhiên nội dung này cần được đề cập trong báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước năm 2017, triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 sẽ hợp lý hơn khi trình bày trong báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ, sẽ tiến hành rà soát kiểm tra để phản ánh về tình hình chi cho chính sách dân tộc vào trong báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 nếu ngân sách năm 2016 có những biểu hiện chậm cấp phát hoặc cấp phát không hiệu quả hoặc trong báo cáo thực hiện ngân sách năm 2017.