Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội và cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tài chính) đã nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thẩm tra dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi)
Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận về một số vấn đề lớn của dự án Luật tiếp tục xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp tháng 2 tới như về tính cụ thể của dự án Luật; giải thích từ ngữ; những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế; giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế; quyền của người nộp thuế; về khai thuế, tính thuế; khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và điều khoản chuyển tiếp.
Về giải thích từ ngữ được quy định tại Điều 3 của dự thảo Luật quy định: “Nguyên tắc bản chất giao dịch quyết định hình thức là nguyên tắc được áp dụng trong quản lý thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch nhằm phân tích hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế để xác định bản chất của giao dịch tê cơ sở đối chiếu với các giao dịch thương đồng, đảm bảo các giao dịch thể hiện đúng bản chất thương mại, kinh tế, tài chính phát sinh”.
Một số ý kiến đề nghị quy định một cách dễ hiểu hơn, đồng thời đề nghị bổ sung ngay trong dự thảo Luật các thuật ngữ, khái niệm mới như giao dịch liên kết, dữ liệu thương mại, giao dịch độc lập, công ty mẹ tối cao của tập đoàn… nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với các công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Vân Chi đề nghị làm rõ nguyên tắc bản chất quyết định hình thức trong quản lý thuế
Về vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi làm rõ nghĩa vụ thuế xác định dựa vào bản chất; và nhấn mạnh nguyên tắc này không chỉ áp dụng cho giao dịch liên kết mà cần áp dụng chung cho các hoạt động giao dịch trong nước như giao dịch ưu đãi.
Theo đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi đề nghị hoàn thiện quy định theo hướng, nguyên tắc xác định nghĩ vụ thuế phát sinh căn cứ theo bản chất của giao dịch và tương ứng với giá trị tạo ra từ sản xuất kinh doanh, trong các trường hợp không có sự nhất quán giữa bản chất của hoạt động và hình thức của hợp đồng, thỏa thuận giữa các bên liên quan.
Cùng quan điểm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Hoàng Quang Hàm cho rằng quy định cho rằng quy định “nguyên tắc bản chất quyết định hình thức” là khó hiểu, mà cần hiểu là bản chất của giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế. Do đó không để những khái niệm khó hiểu, chung chung, dễ gây thắc mắc trong Luật mà cần diễn giải dễ hiểu hơn.
Góp ý về quy định xóa nợ tiền chậm nợ tiền chậm nộp thuế, Ủy viên Thường trực Ủy ban tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi cho rằng, Điều 59 dự thảo Luật quy định “Người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp theo quy định tại khoản 1 điều này được miễn tiền chậm nộp trong trường hợp bất khả kháng theo quy định tại khoản 28 Điều 3 Luật này”, trong đó có các trường hợp bất khả kháng khác. Đại biểu đề nghị cân nhắc bỏ quy định về các trường hợp bất khả kháng khác nếu không quy định được một cách rõ ràng để tránh trường hợp miễn tiền chậm nộp một cách tràn lan.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang đề nghị rà soát quy định của dự thảo Luật để bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật
Tán thành với ý kiến này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho rằng cần phải bám sát quy định của Bộ Luật dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để chỉ rõ các trường hợp bất khả kháng được áp dụng để miễn tiền chậm nộp, thay vì sử dụng điều khoản quét chung chung là trường hợp bất khả kháng khác.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai bày tỏ băn khoăn nếu chỉ rõ các trường hợp nào được coi là trường hợp bất khả kháng thì sẽ rất khó khăn, không bao quát hết được các trường hợp có thể phát sinh trên thực tế. Do đó vẫn cần có điều khoản quét, quy định về các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, tại phiên họp đại biểu cũng đề nghị cần phải rà soát các quy định của dự án Luật để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Trong đó có các quy định về xử phạt hành chính cần thống nhất với Luật xử lý vi phạm hành chính về các hình thức xử phạt; đối chiếu các quy định về đại lý thuế để phù hợp với Luật Kế toán; không quy định lại các quy định đã được quy định trong luật khác như các quy định liên quan đến thanh tra, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện. Đối với việc khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế thời gian qua được Chính phủ hướng dẫn thi hành và thực hiện tương đối tốt trên thực tế, các đại biểu cũng đề nghị xem xét cụ thể hóa thủ tục, trình tự, hồ sơ trong khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế ngay trong Luật.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai phát biểu tại phiên họp
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến đại biểu, hoàn thiện các văn bản để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 2 tới. Đồng thời cho biết, dự án Luật sẽ tiếp tục được lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, đoàn đại biểu Quốc hội… để hoàn thiện.