Quang cảnh buổi tiếp
Cùng dự buổi tiếp có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Quang, Nguyễn Hữu Toàn và đại diện Vụ Đối Ngoại, Vụ Tài chính - Ngân sách (Văn phòng Quốc hội).
Cảm ơn Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải đã dành thời gian tiếp đoàn, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio cho biết, trước thông tin có thể nạn nhân là người Việt Nam tử vong trong xe tải đông lạnh tại Anh vừa qua, Đại sứ xin gửi lời chia buồn tới các gia đình nạn nhân.
Theo Đại sứ Umeda Kunio, các doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm tới đầu tư tại Việt Nam. Trong 2 năm 2018 và 2019, Nhật Ban đã đầu tư lần lượt 9,1 tỷ USD và 8,6 tỷ USD vào Việt Nam. Hiện Nhật Bản đứng thứ 5 trong số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam về vốn, số dự án có chiều hướng gia tăng.
Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio (giữa) khẳng định, các doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm đầu tư tại Việt Nam
Đại sứ Umeda Kunio cho biết, doanh nghiệp nước này mong muốn Việt Nam tháo gỡ một số vấn đề như: Việc bãi bỏ nhiều ưu đãi đầu tư đã cam kết trước đó khiến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng; các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm tới các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đường bộ tuy nhên vấn đề bảo lãnh chính phủ và Luật đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) là vấn đề lo ngại… Bên cạnh đó, việc chậm thanh toán cho nhà thầu tại dự án như đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh cũng như dự án của Tổng công ty đầu tư phát triển cao tốc Việt Nam (VEC); doanh nghiệp Nhật Bản tham gia dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội song hiện nay vướng về thủ tục…
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải ghi nhận và cảm ơn chia sẻ của Đại sứ Umeda Kunio cũng như sự hợp tác của Nhật Bản với Việt Nam trong thời gian qua. Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải khẳng định, Việt Nam hoan nghênh đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và coi đó là thành phần quan trọng cấu thành nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam đang rà soát chính sách để thu hút đầu tư FDI có chọn lọc hơn, tránh các dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thúc đẩy nội địa hóa, khắc phục tình trạng có dự án giá trị xuất khẩu lớn nhưng đóng góp ngân sách không nhiều.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải (giữa) hoan nghênh việc Nhật Bản mở Văn phòng lãnh sự tại Đà Nẵng
Đối với dự án đầu tư theo hình thức công – tư (PPP), quan điểm của Việt Nam một phần để doanh nghiệp tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khoản vay, trừ đầu tư công của Nhà nước. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, Chính phủ sẽ gánh một phần rủi ro nhưng chỉ trong một mức độ nhất định; trần nợ công không ảnh hưởng đến việc chậm thanh toán cho nhà đầu tư. Việt Nam đã sửa Luật Đầu tư công theo hướng giảm thủ tục, đẩy mạnh phân cấp.
Hoan nghênh việc Nhật Bản sẽ mở Văn phòng lãnh sự tại Đà Nẵng vào đầu năm 2020 nhằm tăng cường, thúc đẩy đầu tư, thượng mại và du lịch giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung và với Đà Nẵng nói riêng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng lưu ý, các tỉnh miền Trung và Nam Bộ của Việt Nam đang phải đối mặt với tác động của biến đổi khí hậu như tình trạng sạt lở tại các bờ biển, ngập mặt… Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải mong muốn các dự án ODA của Nhật Bản hỗ trợ, đầu tư vào lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường./.