Thực hiện nhiệm vụ thẩm tra Dự án Luật Dự trữ quốc gia (DTQG), ngày 24/02/2012 Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TC-NS) của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Đánh giá tình hình thực hiện chính sách pháp luật về dự trữ quốc gia và đề xuất, kiến nghị”. Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban TC- NS; ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban TC- NS kiêm Giám đốc Dự án Quốc gia về "Tăng cường năng lực quyết định và giám sát ngân sách của các cơ quan dân cử Việt Nam”, ông Nguyễn Hữu Chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính kiêm Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật DTQG đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có các vị đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học và đại diện các Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia như: Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Dự trữ Nhà nước; đại diện các doanh nghiệp quản lý trực tiếp hàng DTQG như: Công ty cổ phần giống cây trồng TW, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam ... và các đồng chí nguyên là Lãnh đạo Bộ Tài chính và Tổng cục Dự trữ Nhà nước.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Đinh Văn Nhã đã đánh giá tình hình thực hiện Pháp lệnh dự trữ quốc gia. Pháp lệnh Dự trữ Quốc gia (DTQG) có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 09 năm 2004. Trải qua 8 năm thực hiện, Pháp lệnh DTQG là cơ sở pháp lý để quản lý hoạt động dự trữ của Nhà nước liên quan đến nhập, xuất, mua, bán, bảo quản cho đến xuất cấp hàng DTQG để cứu trợ,cứu đói, bình ổn giá, phục vụ quốc phòng an ninh, và là công cụ để Chính phủ bình ổn tình hình kinh tế - xã hội.
Tuy vậy Pháp lệnh DTQG cũng tồn tại nhiều mặt hạn chế, chưa theo kịp với những diễn biến thực tiễn hoạt động DTQG trong nền kinh tế thị trường. Những bất cập đó có thể kể đến như: nhiều cơ quan, đơn vị hiểu nhầm, hiểu sai, thiếu chiến lược cho hoạt động dự trữ; cơ chế quản lý, điều hành quỹ DTQG không còn phù hợp với quy định của luật khác mới ban hành, gây khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm; do DTQG diễn ra tại nhiều Bộ, ngành, liên quan tới nhiều lĩnh vực, mang tính đặc thù nên gây ra khó khăn trong tác nghiệp, khi có tình huống khẩn trương, cấp bách thì thủ tục rườm rà, chậm chạp ...
Thay mặt Bộ Tài chính, đồng chí Nguyễn Hữu Chí đã cảm ơn Ủy ban TC-NS của Quốc hội đã tổ chức cuộc Hội thảo nhằm tranh thủ ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân về dự thảo Luật DTQG. Đồng chí đã nêu rõ thêm những bất cập của Pháp lệnh DTQG, sự cần thiết ban hành Luật DTQG để thay thế Pháp lệnh DTQG, một số nội dung chính của Luật DTQG gồm việc kế thừa những ưu diểm của Pháp lệnh DTQG, còn bổ sung một số nội dung phù hợp như: mục tiêu của dự trữ quốc gia; nguồn lực hình thành DTQG; quy định về bố trí ngân sách chi cho DTQG; cơ chế quản lý, điều hành DTQG.
Thay mặt Ban soạn thảo Dự án Luật DTQG, Đồng chí Phạm Phan Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN trình bày tóm tắt những nội dung cơ bản của dự thảo Luật DTQG, tập trung nhấn mạnh những điểm mới của dự thảo Luật DTQG so với Pháp lệnh DTQG.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến tham gia của các đại biểu nguyên là lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo Tổng cục DTNN; của các nhà khoa học; của đại biểu trong và ngoài ngành Tài chính; các doanh nghiệp quản lý trực tiếp hàng dự trữ quốc gia về nội dung dự thảo Luật DTQG.
Qua 7 bài trình bày tham luận và các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo, các nội dung chính được nêu lên như sau:
- Cần phải xác định Dự trữ Quốc gia là một "Ngành kinh tế có tính đặc thù" tập trung vào 4 nhóm yếu tố: (1) Thiên tai và biến đổi khí hậu, (2) Quốc phòng và an ninh, (3) An sinh xã hội, dịch bệnh và hỏa hoạn, (4) Tham gia bình ổn thị trường.
- Nghiên cứu khoa học, lý luận thực tiễn của ngành Dự trữ Quốc gia hiện nay còn thiếu và yếu do chưa có ngành học và môn học liên quan được giảng dạy tại các trường đại học và cao đẳng.
- Hệ thống quản trị hệ thống Dự trữ Quốc gia hiện nay còn thô sơ, chưa được quan tâm đúng mức. Do vậy, cần phải nghiên cứu để phát triển hệ thống quản trị DTQG thật khoa học, hiệu quả, và có tính thống nhất ở các đơn vị có liên quan.
- Pháp lệnh chỉ quy định nguồn lực DTQG hình thành từ Ngân sách Nhà nước, chưa khuyến khích xã hội hóa dự trữ từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Do vậy, tiến tới cần phải thực hiện xã hội hóa Dự trữ Quốc gia với sự tham gia, đóng góp của tất cả các thành phần.
- Việc chi cho mua tăng, mua bù hàng DTQG cần phải chuyển từ chi đầu tư phát triển sang chi thường xuyên để có thể ứng phó và xử lý trong các tình huống khẩn cấp.
- Công tác hành chính, thủ tục về dự trữ hàng hóa như ký hợp đồng thuê bảo quản, thủ tục liên quan đến xuất, nhập, cấp hàng hóa trong các tình huống cấp bách còn rườm rà gây chậm trễ việc ứng phó.
- Đối với cán bộ và nhân viên quản lý dự trữ hàng hóa, có hình thức xử phạt trong việc làm hỏng, thất thoát tài sản, nhưng lại không có cơ chế khen thưởng. Vì vậy, cần ban hành chế độ khen thưởng cho cán bộ, công nhân viên thực hành tiết kiệm mua hàng, tiết kiệm phí cho DTQG.
- Về bản Dự thảo 10 của Luật DTQG, các đại biểu kiến nghị cần phải hoàn thiện thêm về một số điều khoản, quy định và ngôn từ cần chính xác, đúng tính pháp quy trước khi trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xét duyệt.
Hội thảo là cơ hội để các vị đại biểu cùng nhau bàn bạc, thảo luận các biện pháp nhằm điều hành, sử dụng nguồn dự trữ của Nhà nước theo nguyên tắc tập trung, thống nhất, có hiệu lực và hiệu quả, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, kiến nghị một số nội dung phục vụ cho soạn thảo Luật Dự trữ Quốc gia để thay thế Pháp lệnh DTQG. Ban soạn thảo Luật DTQG sẽ tiếp thu nghiên cứu, tổng hợp và hoàn thiện dự thảo Luật DTQG bảo đảm chất lượng trước khi trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới.