Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi)

12/05/2017

Ngày 12.5, tại tỉnh Ninh Bình, Ủy ban Tài chính – Ngân sách và Bộ Tài chính đã phối hợp tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).

Hội thảo được tổ chức với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ thế giới.

Giới thiệu của dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), đại diện Bộ Tài chính cho biết, dự án Luật được soạn thảo dựa trên kế thừa và phát huy những mặt tích cực của Luật Quản lý nợ công hiện hành; chỉ sửa đổi hoặc bổ sung những nội dung chưa được điều chỉnh, quy định chưa rõ, còn bất cập, thiếu tính thống nhất; loại bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Việc sửa đổi Luật hiện hành được tiến hành nhằm kiểm soát chặt chẽ nợ công trên cơ sở gia tăng quy định về giám sát việc huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ, quản lý nợ công, quản lý rủi ro; kiểm soát tốc độ gia tăng nợ công, bảo đảm an toàn, bền vững nợ và an ninh tài chính quốc gia...

Về một số vấn đề cụ thể của dự án luật, đại diện Bộ Tài chính cũng cho rằng, khi đạt đến ngưỡng nợ công, nợ Chính phủ và tỷ lệ chi trả nợ trong ngân sách mà không có công cụ cảnh cáo, thì việc sử dụng các công cụ để ngăn chặn ảnh hưởng kép sẽ khiến quá trình xử lý sẽ khó khăn hơn. Các nước châu Âu, chỉ cần gần ngưỡng đã có cảnh báo và thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nợ công. Nói cách khác, cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tài chính) thống nhất với quan điểm cần có công cụ cảnh báo an toàn nợ công được cơ quan chủ trì thẩm tra (Ủy ban Tài chính – Ngân sách) đưa ra. Đối với phạm vi nợ, dự thảo Luật kế thừa quy định hiện hành xác định nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Đồng thời quy định rõ nợ công không bao gồm nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công, tổ chức kinh tế khác của Nhà nước; do Ngân hàng Nhà nước phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ.

Các đại biểu tán thành với việc sửa đổi Luật Quản lý nợ công hiện hành, để nâng cao hiệu quả quản lý nợ công, giúp giảm tổn thương về tài chính, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, mà vẫn huy động nguồn vốn cần thiết cho đầu tư công. Một nguyên nhân quan trọng khác là Việt Nam sắp “tốt nghiệp” nhóm những nước nhận được các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới, nên tốc độ trả nợ công sẽ tăng gấp đôi. Trong bối cảnh này, nhiều ý kiến cũng lưu ý, cần cân nhắc quy định trực tiếp tại dự án Luật Quản lý nợ công hiện hành (sửa đổi) về việc chỉ sử dụng vốn vay để bù đắp bội chi ngân sách và chi cho đầu tư phát triển, tuyệt đối không sử dụng vốn vay cho chi thường xuyên. Tán thành quan điểm này, cũng có ý kiến nêu rõ, khi kinh tế thế giới khủng hoảng, các nguồn vốn đầu tư tư nhân trong nước cũng suy giảm, nên Chính phủ đã phải huy động nhiều nguồn vốn khác ngoài vốn ODA, khiến ngân sách Nhà nước đang phải gánh nghĩa vụ trả nợ nặng hơn.

Thảo luận về một số vấn đề cụ thể của dự thảo Luật, các đại biểu quan tâm cho ý kiến về việc có đưa nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước vào phạm vi nợ công hay không? Một số ý kiến tán thành với dự thảo Luật, khi không tính vào nợ công các khoản nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp Nhà nước, vì Nhà nước không thể quản lý việc sử dụng các khoản vay này của doanh nghiệp. Mặt khác, trong trường hợp doanh nghiệp không đủ khả năng trả nợ thì đã thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị bổ sung vào phạm vi nợ công các khoản nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp Nhà nước, do đây là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, nên các khoản nợ này về bản chất, Nhà nước vẫn phải có trách nhiệm trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng trả nợ. Tuy nhiên, các đại biểu nhất trí cho rằng nên quản lý tập trung quy trình vay và trả nợ công, tránh phân tán, chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan. Bởi quản lý nợ công không tập trung dẫn đến thiếu nguồn thông tin đầy đủ, toàn diện và kịp thời, để giám sát tổng thể rủi ro tài khóa từ hoạt động vay nợ của Chính phủ, hay khu vực công. Trong khi đó, dư luận xã hội hiện lo lắng với nợ công không chỉ do đã tới gần mức trần được QH đưa ra, mà cũng một phần vì số liệu nợ công được các cơ quan chức năng công bố không thống nhất.