Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu khai mạc phiên họp
Tham dự phiên họp còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa, đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành hữu quan cùng các thành viên Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội.
Theo chương trình phiên họp, Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội sẽ nghe trình bày báo cáo và cho ý kiến thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về việc quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016; đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017 và tình hình triển khai thực hiện ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018; việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.
Trình bày tờ trình của Chính phủ về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016, đại diện Bộ Tài chính cho biết, nhiệm vụ tài chính ngân sách được Quốc hội quyết định cho năm 2016 có nhiều nội dung quan trọng. Trong điều kiện tình hình chính trị- kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; tốc độ phục hồi kinh tế chậm và đối mặt với nhiều yếu tố bất ổn, rủi ro, giá dầu giảm mạnh, gây áp lực lên cân đối ngân sách, thu ngân sách nhà nước đặc biệt là ngân sách trung ương giảm, nhu cầu chi tăng cao cả về chi đầu tư cơ sở hạ tầng và chi an sinh xã hội.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp
Dưới sự chỉ đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doành nghiệp và nhân dân, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, điều hành tiếp tục thực hiện đồng bộ quyết liệt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra, nhờ đó hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội chủ yếu cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch; riêng chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 6,21% (kế hoạch là 6,7%); kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững, xuất siêu 2,68 tỷ USD, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.
Căn cứ nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước 2016 và bổ sung vốn vay nước ngoài 2016; trên cơ sở thẩm định, tổng hợp quyết toán ngân sách các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo quy định và ý kiến của Kiểm toán Nhà nước, Chính phủ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2016, cụ thể: Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.407.572 tỷ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.574.448 tỷ đồng; bội chi ngân sách nhà nước là 248.728 tỷ đồng, bừng 5,52% GDP.
Căn cứ vào báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 của Chính phủ, báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước 2016 của Kiểm toán nhà nước, qua thực tế khảo sát tại một số bộ, ngành, địa phương, và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội thống nhất với đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa cơ bản tán thành với các nhận định, đề xuất của Chính phủ về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Bùi Đặng Dũng cho biết, năm 2016 là năm kéo dài của thời kỳ ổn định ngân sách 2011-2015, là năm đầu thực hiện kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro cùng với những khó khăn nội tại đã ảnh hưởng đến sản xuất và tác động mạnh dến việc thực hiện chính sách tài khóa cũng như thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2016.
Trước những khó khăn, thách thức, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, đề ra giải pháp để chỉ đạo, điều hành góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm thực hiện kịp thời các nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, củng cố quốc phòng an ninh và bảo đảm an sinh xã hội; tổng thu ngân sách cơ bản đạt dự toán để bố trí nguồn lực cho các nhiệm vụ chi
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Bùi Đặng Dũng trình bày dự thảo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội còn cho rằng việc thực hiện một số nội dung liên quan đến chính sách tài khóa 2016 chưa thực sự hiệu quả, cơ cấu thu ngân sách chưa bền vừng, chủ yếu tăng thu từ tài nguyên và đất đai. Việc cơ cấu lại chi ngân sách chậm nên tỷ trọng chi thường xuyên/tổng chi ngân sách nhà nước có xu hướng tăng (chi thường xuyên năm 2015 chiếm 62,3% tổng chi ngân sách nhà nước nhưng năm 2016 tăng lên mức 63,3%). Đây cũng là hệ quả của việc chậm triển khai sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và việc thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Ngoài ra một số hạn chế đã nêu trong báo cáo thẩm tra về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 tiếp tục tái diễn như hoàn thuế giá trị gia tăng không đầy đủ, kịp thời, giao dự toán thu không sát, phân bổ, giao dự toán chi chưa đúng quy định, chi chuyển nguồn lớn…Một số nhiệm vụ Quốc hội giao Chính phủ chưa được đánh giá đầy đủ dẫn đến thiếu dữ liệu để đánh giá toàn diện việc thực hiện chính sách tài khóa năm 2016 như về đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý chi ngân sách nhà nước, quản lý chặt chẽ việc ứng trước dự toán ngân sách nhà nước; triển khai thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập gắn với lộ trình thực hiện tính giá dịch vụ sự nghiệp công; thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng nhà nước còn định giá theo hướng sát với giá thị trường; thực hiện phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế để cơ cấu lại nợ trong nước của Chính phủ…Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị Chính phủ bổ sung đầy đủ căn cứ nhằm đảm bảo thông tin phục vụ đại biểu Quốc hội phân tích, đánh giá, xem xét phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành phát biểu góp ý hoàn thiện báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách
Cũng trong buổi sáng, Ủy ban Tài chính- Ngân sách thẩm tra báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2017, triển khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Buổi chiều cùng ngày, Ủy ban Tài chính- Ngân sách thẩm tra báo cáo kết quae thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.