ỦY BAN TƯ PHÁP THẨM TRA BÁO CÁO CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG NĂM 2019

04/09/2019

Chiều ngày 04/9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 13, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.

Ủy ban Tư pháp thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019

Tham gia phiên họp còn có Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Huy Tiến, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan cùng các thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế

Thay mặt Tổng Thanh tra Chính phủ trình bày báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, trong năm 2019, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, không dừng- không nghỉ- không chùng xuống, với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn; được đông đảo cán bộ, đảng viên, Nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ; qua đó tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng, giữ vững niềm tin của nhân dân.

Trong đó, đã tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh điều tra xử lý các vụ án, vụ việc với quyết tâm cao. Nhiều vụ án được mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can, làm rõ bản chất chiếm đoạt, tham nhũng, tiếp tục khẳng định quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, qua tự kiểm tra nội bộ phát hiện 19 vụ, 22 đối tượng, qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 48 vụ, 37 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 13 vụ, 30 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng. Cơ quan điều tra đã thụ lý điều tra 420 vụ án với 876 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 214 vụ với 487 bị can. Viện kiểm sát nhân dân các cấp khởi tố mới 240 vụ với 558 bị can về tội tham nhũng (tăng 09 vụ với 112 bị can). Tội phạm chủ yếu tập trung vào các tội: tham ô tài sản; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; nhận hối lộ…

Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 344 vụ với 849 bị cáo, xét xử sơ thẩm 240 vụ, 517 bị cáo về các tội danh tham nhũng. Có 402 bị cáo phạm các tộii nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; đã có 09 bị cáo bị tuyên mức án tử hình, tù chung thân.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán được đẩy mạnh, xử lý nghiêm minh kịp thời các tổ chức đảng, đảng viên sai phạm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Công tác phát hiện, xử lý vi phạm tham nhũng ở các địa phương có nhiều tiến bộ, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “tham nhũng vặt” được quan tâm chỉ đạo, tạo chuyển biến bước đầu trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm nêu rõ nhận định, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm mặc dù vẫn còn xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là tình trạng tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Dự báo thời gian tới, công tác phòng, chống tham nhũng sẽ tiếp tục đạt được kết quả toàn diện, tích cực.

Cần có giải pháp, lộ trình khắc phục triệt để tồn tại, hạn chế xảy ra nhiều năm 

Trao đổi nghiên cứu bước đầu về báo cáo của Chính phủ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà cho biết, nhóm nghiên cứu cơ bản đồng tình với đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng là “tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm” và cho rằng tình hình tham nhũng trong thời gian tới tiếp tục có chiều hướng thuyên giảm nhưng vẫn diễn ra phức tạp, thủ đoạn tinh vi nhất là tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Thông qua một số vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nổi lên thời gian qua cho thấy có sự móc nối, tiếp tay của cán bộ, công chức nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai và quản lý tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, gây thất thoát lãng phí cho ngân sách nhà nước.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà trình bày ý kiến ban đầu của Nhóm nghiên cứu 

Cơ bản tán thành với những đánh giá về tồn tại, hạn chế trong báo cáo của Chính phủ, song Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà cũng cho biết vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế xảy ra nhiều năm nhưng chậm được khắc phục cần phải được đánh giá đúng để có giải pháp, lộ trình khắc phục triệt để. Nguyên nhân của những tồn tại hạn chế được Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà thẳng thắng chỉ ra như công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bị buông lỏng, cơ chế kiểm soát quyền lực thông qua kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm sát hiệu quả chưa cao, tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức…Từ đó đề nghị Chính phủ, các ngành, các cấp bám sát việc đánh giá tình hình tham nhũng thời gian qua nổi lên ở những lĩnh vực nào, cấp nào, ngành nào để có giải pháp tập trung xử lý kiên quyết, dứt điểm; cần đề ra kế hoạch, thời gian cụ thể trong giải quyết các tồn tại, hạn chế của công tác phòng chống tham nhũng, xác định rõ trách nhiệm để xảy ra tồn tại, hạn chế, tránh tình trạng phương hướng nhiệm vụ chung chung.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành với các ý kiến nghiên cứu bước đầu của Nhóm nghiên cứu, đồng thời khẳng định thời gian qua với sự quyết liệt của toàn hệ thống chính trị, sự chỉ đạo kiên quyết không có vùng cấm, công tác phòng chống tham nhũng đã có những thành tựu đáng ghi nhận, đưa ra xét xử được những vụ việc rất lớn đem lại niềm tin trong nhân dân.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng cho rằng một trong những điểm đáng mừng là sau nhiều năm, lần đầu tiên Chính phủ đưa ra được nhận định tham nhũng đang từng bước được kiểm chế và có chiều hướng thuyên giảm. Trong khi đó đại biểu Trương Trọng Nghĩa lại bày tỏ chưa hoàn toàn đồng tình với nhận định này và cho rằng tham nhũng mới từng bước được kiểm chế và có biểu hiện thuyên giảm ở một số ngành, lĩnh vực, địa phương và một số bộ phần.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị có thêm giải trình làm rõ nhiều nội dung trong báo cáo như việc để xảy ra tham nhũng trong chính cơ quan có chức năng chống tham nhũng và các cơ quan bảo vệ pháp luật, hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật về phòng chống tham nhũng, vấn đề kê khai tài sản, thiếu cơ chế xác minh, kiểm soát việc kê khai thiếu trung thực, đánh giá tình hình cũng kinh nghiệm bài học rút ra từ các sai phạm đã phát hiện, tìm ra nguyên nhân để thấy được khâu yếu trong quản lý nhà nước, làm rõ khái niệm, cách hiểu thống nhất về “tham nhũng vặt” để có hướng xử lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga hoan nghênh Thanh tra Chính phủ chuẩn bị báo cáo nghiêm túc cũng như sự tham gia tích cực của các cơ quan quan hữu quan. Đánh giá mặt tích cực đạt được, hạn chế và kiến nghị qua thảo luận cho thấy các đại biểu cơ bản đồng tình với ý kiến ban đầu của Nhóm nghiên cứu, đồng thời đề nghị đánh giá làm rõ thêm một số nội dung.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết trên cơ sở ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Tư pháp sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 37 tới.

Bảo Yến - Nghĩa Đức