Toàn cảnh phiên họp
Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật, để thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Quốc hội, bảo đảm thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của Ngành kiểm sát trong năm 2021, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) đã chỉ đạo toàn ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp: tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; coi trọng công tác cán bộ, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu; tập trung chỉ đạo các biện pháp nghiệp vụ, thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan sai, bỏ lọt tội phạm và vi phạm pháp luật; tăng cường xây dựng, hướng dẫn thi hành pháp luật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng quan hệ quốc tế; chủ động ứng phó kịp thời và hiệu quả với dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh những kết quả đạt được, VKSNDTC cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt theo Nghị quyết của Quốc hội: Một số trường hợp các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải đình chỉ bị can do hành vi không cấu thành tội phạm; tỷ lệ giải quyết nguồn tin về tội phạm của Cơ quan điều tra VKSNDTC chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án hành chính và kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm án dân sự, hành chính chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội…
Những tồn tại, hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân nhưng phải kể đến nguyên nhân khách quan chủ yếu là dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biễn rất phức tạp tại đa số các địa phương trong cả nước đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động nghiệp vụ của Viện kiểm sát các cấp; số vụ việc, vụ án tiếp tục tặng nhiều trong các lĩnh vực, nhiều vụ có quy mô, tính chất ngày càng lớn. Ngoài những nguyên nhân trên còn có những nguyên nhân đã tồn tại nhiều năm qua như: một số quy định pháp luật có nhận thức thiếu thống nhất, việc hướng dẫn còn chậm; chất lượng của một số cán bộ, Kiểm sát viên chưa đáp ứng kịp yêu cầu nhiệm vụ đang đặt ra đối với ngành Kiểm sát.
Đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, VKSNDTC cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng rất lớn bởi tình hình dịch Covid-19, có chỉ tiêu công tác không đạt hoặc giảm so với năm trước; tuy nhiên, qua đánh giá thực tiễn, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp năm 2021 có chuyển biến trong một số mặt, cụ thể: Hệ thống Quy định, Hướng dẫn, Quy chế và Nội quy về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tiếp tục được hoàn thiện, cơ bản đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn; Kết quả tiếp công dân của VKSND các cấp chuyển biến tích cực; công tác giải quyết khiếu nại của VKSND cấp dưới có nhiều chuyển biến rõ nét; Công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã có những kết quả tích cực.
Đưa ra ý kiến thẩm tra, Nhóm Nghiên cứu- Ủy ban Tư pháp chỉ rõ, báo cáo của Viện trưởng VKSNDTC về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân về cơ bản đã phản ánh đầy đủ các mặt công tác của ngành năm 2021; các kết quả đạt được; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Tuy nhiên, Báo cáo chưa đánh giá sâu nguyên nhân chủ quan của một số hạn chế; đồng thời, một số nội dung mới chỉ thống kê số liệu mà chưa phân tích đầy đủ kết quả đạt được cũng như tồn tại, cần được bổ sung hoàn thiện hơn.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy trình bày ý kiến thẩm tra
Thảo luận tại phiên họp, ý kiến thẩm tra và các đại biểu đánh giá trong bối cảnh tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm, tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tiếp tục diễn biến phức tạp, phải thực thi nhiệm vụ trong điều kiện dịch bệnh, nhưng VKSND các cấp cơ bản đã hoàn thành tốt nhiệm vụ; nhiều chỉ tiêu công tác vượt yêu cầu của Quốc hội và tăng so với năm 2020. Cùng với việc chú trọng chức năng thực hành quyền công tố trong các vụ án hình sự, VKSND đã tăng cường kiểm sát các hoạt động tư pháp; trong tình hình dịch bệnh nhưng số lượt kiểm sát trực tiếp tại một số cơ quan tăng; số kiến nghị, yêu cầu khắc phục vi phạm, kiến nghị thực hiện các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm trong một số lĩnh vực tăng cả về số lượng và tỷ lệ được các cơ quan chấp nhận, thực hiện đạt cao.
Tuy nhiên, một số ý kiến chỉ ra rằng, vẫn còn tình trạng hủy bỏ biện pháp ngăn chặn trong một số trường hợp còn chưa chặt chẽ dẫn đến bị can phạm tội mới hoặc bỏ trốn; Số vụ án Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung tăng; Vẫn còn một số trường hợp truy tố thiếu căn cứ hoặc chưa chính xác; Chất lượng kháng nghị của VKSND các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, một số chỉ tiêu thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội…
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho biết, khi đánh giá về công tác của ngành, báo cáo của VKSNDTC mới chỉ dừng lại ở số lượng vụ việc nhiều hay ít, tăng hay giảm mà chưa đặt vấn đề sâu vào chất lượng xử lý các vụ việc. Do đó, cần nghiên cứu, đánh giá thêm về thời gian giải quyết các vụ việc; đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với các vụ việc về kinh tế, thương mại…
Các đại biểu phát biểu ý kiến tại phiên họp
Trên cơ sở chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, Thường trực Ủy ban và các đại biểu đề nghị VKSNDTC tăng cường chỉ đạo, thực hiện các giải pháp quyết liệt để khắc phục hạn chế đã được chỉ ra trong ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự; phân tích rõ nguyên nhân và có giải pháp cụ thể, khả thi để nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính; chú trọng hơn nữa đến công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính.
Đồng thời, đề nghị VKSNDTC tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, phấn đấu trong năm 2022 đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội; khẩn trương xem xét, giải quyết đối với số tồn đọng của năm 2021, rà soát các trường hợp gần hết thời hạn giải quyết để ưu tiên xử lý trước, không để quá thời hạn luật định.
Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị Viện trưởng VKSNDTC tích cực phối hợp với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao tiến hành sơ kết, tổng kết các đạo luật về tư pháp, để đề xuất sửa đổi, hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới. Trường hợp cần thiết, để khắc phục những khó khăn trong hoạt động tư pháp do tác động tiêu cực của tình hình dịch bệnh, cần sớm đề xuất cơ chế, chính sách pháp luật cụ thể để trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định./.