Theo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc giải quyết bồi thường còn chậm. Nhiều trường hợp đùn đẩy trách nhiệm giải quyết bồi thường giữa các cơ quan tố tụng làm kéo dài việc bồi thường, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị oan.
Một số trường hợp người bị oan chưa được tạo điều kiện về thủ tục, xác nhận giấy tờ làm căn cứ yêu cầu bồi thường; việc lập hồ sơ đề nghị, thẩm định hồ sơ của các cơ quan có thẩm quyền trước khi chuyển sang cơ quan Tài chính cấp kinh phí chi trả tiền bồi thường còn chậm so với thời hạn luật định, gây khó khăn cho cơ quan có trách nhiệm bồi thường và bức xúc cho người bị oan…
Đại biểu Huỳnh Nghĩa- Đà Nẵng Ảnh: Đình Nam
Đại biểu Huỳnh Nghĩa- Đà Nẵng cho rằng, hiện nay tình hình làm oan người vô tội trong tố tụng hình sự vẫn còn nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản của công dân. Tuy nhiên, điều bức xúc nhất là việc bồi thường thiệt hại diễn ra quá chậm chạp, cầm chừng, không kịp thời.
Theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, kể từ khi người bị oan có đơn yêu cầu bồi thường đến khi hòa giải ra quyết định bồi thường tối đa là 80 ngày. Nhưng có những vụ kéo dài đến 9 năm vẫn chưa được giải quyết xong, nghĩa là gấp 41 lần so với thời gian quy định.
Đặt câu hỏi: “Nguyên nhân từ đâu, trách nhiệm giải quyết bồi thường của thủ trưởng, cơ quan đã gây ra án oan là như thế nào?”, đại biểu Huỳnh Nghĩa đề nghị cần phân tích, làm rõ nguyên nhân và đề ra biện pháp cụ thể để xử lý vấn đề trên. Quốc hội sớm sửa đổi Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các luật có liên quan nhằm đảm bảo cụ thể, rõ ràng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, khắc phục tình trạng bồi thường án oan chậm chạp như vừa qua.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền-Thái Bình
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Bùi Văn Xuyền-Thái Bình cho biết, nhiều vụ việc bồi thường giải quyết quá chậm, cá biệt có vụ là 21 năm mà vẫn chưa được giải quyết bồi thường.
Đại biểu cho rằng, bất luận từ nguyên nhân gì thì khi đã xác định rõ được người bị oan, các cơ quan liên quan phải có trách nhiệm bồi thường, nhanh chóng vào cuộc để giải quyết một cách sớm nhất cho người bị oan. Phải coi đây là trách nhiệm, sự chủ động của các cơ quan tiến hành tố tụng chứ không phải là một việc kiện dân sự thông thường, giải quyết bình thường, theo thủ tục bình thường-đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền đề nghị, Quốc hội khi ban hành Nghị quyết cần giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm sớm khắc phục những tồn tại nêu trên. Đồng thời xây dựng lộ trình, thời gian cụ thể để giải quyết dứt điểm các vụ việc về oan sai còn đang gây bức xúc trong dư luận nhằm sớm lấy lại lòng tin của người dân.
Đại biểu Lê Đình Khanh-Hải Dương
Còn theo đại biểu Lê Đình Khanh-Hải Dương, mặc dù có bồi thường bao nhiêu thì những mất mát, đau đớn của người bị oan và gia đình họ cũng không thể bù đắp được, tuy nhiên đa phần người được bồi thường lại yêu cầu ở mức rất cao, rất xa so với thực tế.
Vì vậy, để tránh tình trạng “đòi quá cao, trả quá thấp” hoặc phát sinh thêm vụ kiện tụng kéo dài về bồi thường oan sai, đại biểu Lê Đình Khanh đề nghị cần quy định rõ ràng, chi tiết trong luật, văn bản dưới luật để người được bồi thường, cơ quan, cá nhân có trách nhiệm bồi thường dễ dàng đối chiếu tính kết quả.
Đại biểu Chu Sơn Hà-Hà Nội cũng cho rằng, Chính phủ cần nghiên cứu, sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nhằm điều kiện cho công tác này được thuận lợi và nhanh chóng.
Mặt khác, đại biểu Nguyễn Thị Khá-Trà Vinh cho rằng, phải xử lý tương ứng đối với người mắc sai phạm, buộc phải chịu trách nhiệm một phần trong việc bồi thường tùy theo mức độ sai phạm, không phải chỉ bằng ngân sách nhà nước. Đồng thời, phải có hình thức xử lý nghiêm trách nhiệm liên đới của người đứng đầu cơ quan để xảy ra oan, sai như thời gian qua.
Bên cạnh vấn đề về bồi thường thiệt hại cho người bị oan, sai, các đại biểu cũng đề nghị xem xét, kiên quyết điều chuyển những người có năng lực yếu, trình độ kém, đã làm oan người vô tội ra khỏi bộ máy cơ quan tố tụng; đề nghị làm rõ vấn đề về trách nhiệm của người thi hành công vụ có lỗi, gây thiệt hại…