Thảo luận về dự án Luật, các đại biểu đều nhất trí cho rằng, việc sửa đổi Luật là cần thiết, nhằm cụ thể hóa các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp. Đồng thời, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, cụ thể là giữa Luật Thi hành án hình sự và Bộ luật hình sự và các đạo luật khác có liên quan. Đa số các ý kiến đều đồng tình với việc mở rộng phạm vi sửa đổi của dự thảo Luật.
Một trong những vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận là thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại. Nhiều ý kiến băn khoăn, dự thảo Luật quy định về thi hành các hình phạt, biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại nhưng lại chưa có quy định về biện pháp cưỡng chế mà giao Chính phủ quy định. Điều này có thể dẫn đến tình trạng Luật phải chờ văn bản hướng dẫn...
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại buổi làm việc:
Ủy ban Tư pháp tiến hành thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự.
Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng trình bày Báo cáo của Nhóm nghiên cứu về dự án Luật của Ủy ban Tư pháp.
Báo cáo chỉ ra rằng: về tên gọi, Nhóm nghiên cứu có 2 loại ý kiến. Đa số các ý kiến đều tán thành với đề nghị của Chính phủ đổi tên thành Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Một số ý kiến khác cho rằng, dự án Luật do Chính phủ đề xuất và đã được Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng pháp luật theo Nghị quyết số 34/2017/QH14. Do đó, cơ quan soạn thảo cần thực hiện theo đúng Nghị quyết của Quốc hội…
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề, với việc thay đổi phạm vi sửa đổi của dự án luật, việc chuẩn bị hồ sơ dự án, chất lượng các báo cáo đánh giá tác động, dự thảo văn bản hướng dẫn chi tiết…như hiện nay thì nên để trả lại Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án trước khi trình Quốc hội hay xem xét ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy trình tại ba kỳ họp.
Thảo luận về dự án Luật, các đại biểu đều nhất trí cho rằng, việc sửa đổi Luật là cần thiết, nhằm cụ thể hóa các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp.
ĐBQH Dương Ngọc Hải (Tp.Hồ Chí Minh) bày tỏ lo ngại, việc dự thảo Luật quy định một số cơ quan được giao nhiệm vụ thi hành án hình sự đối với pháp nhân sẽ “đẻ” thêm chức năng, thẩm quyền của cơ quan được giao nhiệm vụ về thi hành án.
ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) cho rằng chưa có sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, một số quy định chưa phù hợp với luật phá sản, luật xử lý vi phạm hành chính...
ĐBQH Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) băn khoăn về điều khoản tha tù trước thời hạn 1 năm 3 lần, trong khi quy trình tố tụng lại rất phức tạp.
Phó trưởng đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn băn khoăn: Dự thảo Luật quy định các cơ quan thi hành án đối với nhóm đối tượng thi hành án là pháp nhân thương mại nhưng vẫn chưa quy định rõ đó là những cơ quan nào? Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này ra sao? Ai là người ban hành quyết định thi hành án đối với pháp nhân thương mại?
Thiếu tướng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Mai Văn Bộ cho rằng còn nhiều bất cập trong cách đặt tên luật.
Nhiều ý kiến băn khoăn, dự thảo Luật quy định về thi hành các hình phạt, biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại nhưng lại chưa có quy định về biện pháp cưỡng chế mà giao Chính phủ quy định. Điều này có thể dẫn đến tình trạng Luật phải chờ văn bản hướng dẫn.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Du báo cáo một số vấn đề liên quan.
Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhất trí với việc cần thiết phải sửa đổi Luật Thi hành án hình sự.
Qua thảo luận, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành với phương án xây dựng luật theo quy trình tại ba kỳ họp.