CẦN THIẾT SỬA ĐỔI LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN

07/09/2023

Tại Phiên họp toàn thể thẩm tra dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), đa số các ý kiến đều nhất trí cho rằng, cần thiết phải sửa đổi Luật này nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân...

PHIÊN HỌP TOÀN THỂ THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: SỬA ĐỔI LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN CẦN QUÁN TRIỆT ĐẦY ĐỦ, SÂU SẮC QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VÀ BẢO ĐẢM TUYỆT ĐỐI TÍNH HỢP HIẾN

Sáng 07/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tư pháp tổ chức phiên họp toàn thể thẩm tra dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì và điều hành Phiên họp.

Tham dự Phiên họp có các Phó Chủ nhiệm và Ủy viên Ủy ban Tư pháp; Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến cùng các đơn vị hữu quan.

Toàn cảnh Phiên họp toàn thể thẩm tra dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Dự án Luật gồm 151 Điều được bố cục thành 09 chương; trong đó, bổ sung 51 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên: 07 điều. So với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Dự thảo luật giảm 02 chương, tăng thêm 54 điều. Dự thảo Luật đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 06 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 02/6/2023.

Đề cập về sự cần thiết sửa đổi dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh: Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Tòa án nhân dân tối cao đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan soạn thảo Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (sau đây gọi là Nghị quyết số 27-NQ/TW) và các nghị quyết, văn kiện của Đảng đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp về cải cách tư pháp, cần phải thể chế hóa để đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án.

Tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2019, đồng chí Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo “Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp trong Tòa án. Chủ động nghiên cứu và sẵn sàng ứng phó với những vấn đề đặt ra cho Tòa án trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng và kinh tế số phát triển mạnh mẽ.”; “Các Tòa án phải sắp xếp lại tổ chức tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.” Các chủ trương lớn nêu trên là những định hướng, chỉ đạo quan trọng, đặt ra yêu cầu phải sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 theo Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến.

Tổng kết 08 năm thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 cho thấy, bên cạnh những thành tựu đạt được, còn tồn tại những vướng mắc, bất cập và chưa hợp lý về những vấn đề như: (1) Nhận thức về vị trí, vai trò của Tòa án là “cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp” và việc xác định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án; (2) Tổ chức và hoạt động độc lập theo thẩm quyền xét xử của các Tòa án; (3) Tổ chức các đơn vị và nhân lực giúp việc Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao; (4) Việc phân chia các ngạch Thẩm phán; (5) Chức năng, nhiệm vụ, thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; (6) Chế độ trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật cần tăng cường hơn; (7) Cơ chế pháp lý đầy đủ để xây dựng và triển khai Tòa án điện tử; (8) Cơ chế bảo vệ cho các Thẩm phán, Tòa án;…

Hệ thống Tòa án đang đứng trước những thách thức lớn như: yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, trách nhiệm ngày càng lớn; số lượng vụ việc phải giải quyết ngày càng tăng, với tính chất ngày càng đa dạng, phức tạp; yêu cầu nội luật hóa cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, giải quyết vụ việc có yếu tố nước ngoài phát sinh nhiều vấn đề mới;… Thực trạng đó đang đặt ra yêu cầu phải nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử. Do vậy, phải xây dựng hành lang pháp lý phù hợp thông qua việc sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, pháp luật liên quan và bố trí các điều kiện bảo đảm để các Tòa án hoàn thành nhiệm vụ. Từ đó, nâng cao vị thế, uy tín, tạo điều kiện để Tòa án Việt Nam phát triển ngang tầm với trình độ phát triển chung của các Tòa án trong khu vực và trên thế giới.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến khẳng định: Kết quả nghiên cứu khoa học pháp lý trong nước và quốc tế về tư pháp đang đặt ra yêu cầu phải ứng dụng những thành tựu khoa học tiến bộ, phù hợp, tiếp tục hoàn thiện, đổi mới tổ chức và hoạt động để Tòa án thực hiện đầy đủ chức năng “là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Từ những căn cứ trình bày trên, việc sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 là khách quan và cần thiết.

Các đại biểu tham dự Phiên họp.

Sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân để tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân; xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Việc xây dựng Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) phải quán triệt các quan điểm chỉ đạo sau:

Thứ nhất: Thể chế hoá đầy đủ, đúng đắn, toàn diện các chủ trương, đường lối, chính sách trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng về cải cách tư pháp, về Tòa án, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Thứ hai: Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bảo đảm nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”.

Thứ ba: Đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án phải phù hợp với tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, các nguyên tắc cơ bản về tổ chức, hoạt động của Tòa án nhằm bảo đảm các Tòa án được tổ chức và hoạt động độc lập theo thẩm quyền xét xử; Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập chỉ tuân theo pháp luật.

Thứ tư: Tổng kết lý luận và thực tiễn về tổ chức và hoạt động của Tòa án. Kế thừa những quy định phù hợp, sửa đổi những quy định không còn phù hợp; bổ sung những vấn đề mới nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; đồng thời, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Thứ năm: Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân đối với tổ chức và hoạt động của Tòa án.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến khẳng định: Dự án Luật kế thừa những quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 còn phù hợp, đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới, tập trung vào những nội dung lớn như: Quy định nội hàm quyền tư pháp (Điều 2); Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án; Hoàn thiện tổ chức bộ máy của Tòa án; Đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử; Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt (các Điều 61, 62); Đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tòa án; Thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia trên cơ sở bổ sung chức năng, nhiệm vụ, thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia để bảo đảm độc lập tư pháp (các Điều 38, 39, 40, 41, 42); Đổi mới chế định nhân dân tham gia xét xử...

Để đảm bảo chất lượng xét xử, bảo vệ sự tôn nghiêm của Tòa án, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, Dự thảo luật đã bổ sung một chương quy định về việc tổ chức xét xử (Chương VII), bao gồm phương thức xét xử tại Tòa án (xét xử trực tiếp và xét xử trực tuyến), Phòng xử án, Phòng hòa giải đối thoại, Nội quy phiên tòa, phiên họp, bảo vệ Tòa án.

Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung các quy định để bảo đảm hoạt động cho Tòa án (Chương VIII) như: quy định về xây dựng Tòa án điện tử (Điều 149), về kinh phí hoạt động của Tòa án các cấp do ngân sách Nhà nước bảo đảm phải đáp ứng nhu cầu công tác xét xử, thực hiện quyền tư pháp và cơ chế Hội đồng nhân dân các cấp căn cứ vào nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương quyết định hỗ trợ kinh phí cho Tòa án để thể chế hóa chủ trương của Nghị quyết 49-NQ/TW (Điều 148); sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ chính sách, trang phục, Giấy chứng minh Thẩm phán, Giấy chứng nhận chức danh tư pháp (các điều 142 đến 145);...

Để bảo đảm tính thống nhất của dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân với các bộ luật, luật có liên quan, Tòa án nhân dân tối cao đã tiến hành rà soát 44 bộ luật, luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan với dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (chi tiết tại Báo cáo kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Dự thảo Luật kèm theo). Nội dung dự án Luật đảm bảo phù hợp với các điều ước quốc tế, cam kết quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên cho biết: Nhóm nghiên cứu cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (Luật hiện hành) với lý do Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao đã nêu nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp; tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp 2013; khắc phục những vướng mắc, bất cập, hạn chế của Luật hiện hành về tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của các Tòa án; đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong tình hình mới đối với công tác xét xử. Tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với tỉnh hình thực tiễn của Việt Nam.

Về cơ bản, dự án Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Để bảo đảm tính liên thông, đồng bộ, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, việc sửa đổi Luật này có thể phải sửa một số quy định của Luật khác có liên quan (như: các luật tố tụng. Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật Ngân sách nhà nước,...). Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát và đề xuất sửa đổi một số điều của các luật có liên quan.

Ngoài ra, Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch số 11-KH/TW ngày 28/11/2022 để thực hiện Nghị quyết 27, trong đó giao Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao chủ trì xây 05 đề án. Các đề án này có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến tổ chức và huy động của Tòa án nhân dân. Do đó, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao sớm trình Bộ Chính trị cho y kiến, kết luận về 05 Đề án này, trên cơ sở đó sẽ thể chế hóa Kết luận của Bộ Chính trị vào dự thảo Luật.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên, về cơ bản quy định trong dự thảo Luật đã được Cơ quan soạn thảo cân nhắc về nguồn lực thực hiện và tính khả thi của quy định. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá kỳ hơn về tinh khả thi và nguồn lực thực hiện của một số quy định, nhất là nội dung mới, chính sách mới được quy định trong dự thảo Luật để bảo đảm thi hành,

 Về chuẩn bị hồ sơ dự án Luật, Hồ sơ dự án Luật được Tòa án nhân dân tối cao chuẩn bị trên cơ sở tổng kết thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014; tổ chức đánh giá tác động chính sách; xin ý kiến Chính phủ, các cơ quan liên quan; Báo cáo rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến dự thảo Luật,... tổ chức Hội nghị Chánh án toàn quốc và Hội nghị tại 03 miền để bàn về những định hưởng lớn và lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật. Tuy nhiên, dự án Luật chưa có ý kiến của Chính phủ; các cơ quan liên quan; Bản Tổng hợp, giải trình tiếp thu ý kiến góp ý; dự thảo văn bản quy định chi tiết. Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo dùng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Tại Phiên họp, đa số các ý kiến đều thống nhất với việc sửa đổi dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Việc sửa đổi Luật cần có sự thống nhất, đồng bộ với các luật liên quan; rà soát lại bộ máy, cơ cấu tổ chức Tòa án nhân dân nhằm tránh cồng kềnh về bộ máy và tăng biên chế; nâng cao chất lượng hoạt động của Tòa án nhân dân....

Làm rõ hơn những nội dung của đại diện các cơ quan, các đại biểu, chuyên gia nêu tại Phiên họp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; đồng thời ghi nhận sự đổi mới của Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đối với dự án Luật.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, các đơn vị hữu quan đối với dự án Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu; đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp để hoàn thiện báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong phiên họp tới.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

 

Toàn cảnh Phiên họp toàn thể thẩm tra dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Các đại biểu tham dự Phiên họp.

Bà Phan Thị Nguyệt Thu - Thẩm phán cao cấp, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đóng góp ý kiến.

Thiếu tướng Dương Văn Thăng- Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. 

Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nêu quan điểm tại Phiên họp.

Đại biểu Vũ Trọng Kim - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định.

Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum phát biểu.

TS.Trần Công Phàn- Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu kết luận Phiên họp./.

Bích Lan-Nghĩa Đức