Nên giữ nguyên thẩm quyền giải quyết khiếu kiện hành chính của Tòa án nhân dân

28/05/2015

Tiếp tục chương trình kỳ họp, chiều 28/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi).

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình                                                                        Ảnh: Nam Nguyễn

Trình bày Tờ trình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho biết, qua hơn 3 năm thi hành,  Luật tố tụng hành chính đã bộc lộ nhiều bất cập, dẫn đến công tác xét xử các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân chưa đáp ứng được mong đợi của người dân và toàn xã hội. Do đó, Luật tố tụng hành chính cần phải sửa đổi để khắc phục hạn chế, phù hợp với những quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Dự án luật Luật tố tụng hành chính sửa đổi gồm 22 Chương, 340 Điều, tăng thêm 75 điều, giữ nguyên 122 điều, sửa đổi, bổ sung 142 điều và bổ sung 76 điều mới so với Luật hiện hành.

Thẩm tra dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi), Ủy ban Tư pháp cho rằng, dự án Luật đã bảo đảm sự thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; hồ sơ dự án Luật đáp ứng được yêu cầu của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến.

Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp lưu ý đây là dự án Luật sửa đổi, bổ sung, vì vậy cần quán triệt quan điểm chỉ những vấn đề nào bất cập trong thực tiễn, đã có sự tổng kết, đánh giá tác động cụ thể, rõ ràng thì mới sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn xét xử các vụ án hành chính.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện                                                                                           Ảnh: Nam Nguyễn 

Về những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân, Ủy ban Tư pháp cho rằng nên giữ nguyên các quy định của Luật tố tụng hành chính hiện hành; không quy định cụ thể danh mục các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao trong Luật  tố tụng hành chính (sửa đổi) mà quy định trong các văn bản pháp luật về quốc phòng, an ninh, ngoại giao…

Ngoài ra, Ủy ban Tư pháp đề nghị, nên loại trừ các khiếu kiện quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc cơ sở cai nghiện bắt buộc của Tòa án ra khỏi đối tượng khởi kiện các vụ án hành chính như quy định trong dự thảo Luật. 

 Về phân định thẩm quyền của Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban Tư pháp không tán thành với quy định của dự thảo luật. Cụ thể, Ủy ban Tư pháp không tán thành quy định mở rộng thẩm quyền cho Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện như dự thảo Luật.

Về địa vị pháp lý của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hành chính, Ủy ban Tư pháp đề nghị, việc quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hành chính cần cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp năm 2013: “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp” (Điều 107) và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 về chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân (Điều 4).

Ngoài ra, Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ những quy định về: áp dụng án lệ hành chính trong xét xử (Điều 14), căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (Điều 256), các điều về cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng trong xét xử …

Dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) dự kiến sẽ được các đại biểu thảo luận tại hội trường vào ngày 23/6 tới. 

Nguyễn Phương-Hồ Hương