MỘT SỐ HÌNH ẢNH PHIÊN GIẢI TRÌNH VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI

23/08/2018

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, trong thời gian qua, tình hình tội phạm mua bán người đang có chiều hướng phức tạp, tình trạng mua bán người không chỉ xảy ra ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, mà đã trải rộng trên phạm vi cả nước, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Tiếp tục Chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 10, sáng 23/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tư pháp tổ chức Phiên giải trình về tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn từ năm 2012 đến 2017.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, trong thời gian qua, tình hình tội phạm mua bán người đang có chiều hướng phức tạp, tình trạng mua bán người không chỉ xảy ra ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, mà đã trải rộng trên phạm vi cả nước, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012 đã quy định khung pháp lý quan trọng làm cơ sở cho công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tội phạm mua bán người. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật, bên cạnh kết quả đã đạt được thì cũng còn những hạn chế, bất cập.

Tại phiên giải trình, Đại diện Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng... đã làm rõ một số vấn đề liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về tình hình tội phạm mua bán người cũng như Luật Phòng, chống mua bán người...

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên giải trình:

Sáng 23/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tư pháp tổ chức Phiên giải trình về tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn từ năm 2012 đến 2017.

Tham dự Phiên giải trình có: Thượng Tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Thông tin và truyền thông, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; đai diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện một số bộ, ngành có liên quan.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, trong thời gian qua, tình hình tội phạm mua bán người đang có chiều hướng phức tạp, tình trạng mua bán người không chỉ xảy ra ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, mà đã trải rộng trên phạm vi cả nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, tình hình trên đã đặt ra yêu cầu đánh giá chính xác về thực trạng, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để có giải pháp hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống mua bán người.

Báo cáo tại phiên giải trình, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết: Trong 5 năm (2012-2017), có khoảng hơn 3.000 nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán, trong đó 90% nạn nhân bị bán sang Trung Quốc. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha phát biểu tại phiên giải trình.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng cho rằng mức hỗ trợ nạn nhân còn thấp và chưa kịp thời; kinh phí dành cho công tác này còn hạn hẹp; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn hình thức.

Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến vướng mắc trong công tác phòng chống tội phạm buôn bán người, như công tác phòng ngừa tội phạm mua bán người có nơi, có lúc chưa nhận được sự quan tâm đúng mức; sự phối hợp liên ngành trong công tác hỗ trợ nạn nhân chưa chặt chẽ...

Thường trực Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa đề nghị làm rõ số lượng trên 500 nạn nhân bị buôn bán người chưa trở về được.

ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An) cho rằng các cơ quan cần tập trung làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng mua bán người và tìm cách khắc phục.

Tham gia Phiên giải trình, các ý kiến đều cho rằng, phương thức thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức, có sự câu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh và xuyên quốc gia. Nạn nhân của tội phạm mua bán người là phụ nữ và trẻ em, người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn. 

Để nâng cao hiệu quả phòng, chống mua bán người, các đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người, trong đó chú trọng nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định về hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng. Tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài, tránh việc lợi dụng hoạt động này để mua bán người. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý báo cáo về tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn và những khó khăn trong công tác phòng, chống mua bán người.

Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trần Công Phàn giải trình về các vụ án liên quan đến mua bán người.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình về quản lý hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài, tránh việc lợi dụng hoạt động này để mua bán người. 

Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh - Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát biểu tại phiên giải trình.

Kết luận Phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga khẳng định mua bán người là vấn để mang tính thời sự, có tính chất toàn cầu, thực trạng buôn bán người diễn biến rất phức tạp, sau phiên họp, Ủy ban sẽ hoàn thiện Báo cáo kết quả phiên giải trình và có các kiến nghị cụ thể gửi đến Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chính sách, pháp luật về vấn đề này.

Trọng Quỳnh