CHỦ NHIỆM ỦY BAN TƯ PHÁP LÊ THỊ NGA LÀM VIỆC VỚI ĐOÀN ĐẠI BIỂU ỦY BAN TƯ PHÁP QUỐC HỘI LÀO

27/03/2023

Sáng 27/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã có cuôc làm việc với Đoàn đại biểu Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lào.

ỦY BAN TƯ PHÁP CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH LÀO CAI

Vui mừng chào đón Đoàn đại biểu Quốc hội Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lào thăm và làm việc tại Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, chuyến thăm này là một minh chứng cho quan hệ đặc biệt, toàn diện giữa hai nước và hai Quốc hội nói chung, giữa 2 Ủy ban nói riêng, đồng thời bày tỏ hy vọng sự hợp tác giữa hai Ủy ban ngày càng chặt chẽ và gắn bó hơn, tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước ngày càng bền vững.

Giới thiệu về Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam, Chủ nhiệm Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp có 42 thành viên, phần lớn là các đồng chí công tác tại các cơ quan tư pháp như Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Sở Tư pháp… Ủy ban Tư pháp có bộ phận thường trực gồm 9 đồng chí, là các đại biểu quốc hội chuyên trách hoạt động tại trung ương.

Toàn cảnh cuộc làm việc

Chủ nhiệm Lê Thị Nga nêu rõ, Ủy ban Tư pháp chia thành 5 tiểu ban, phù hợp với 5 lĩnh vực thuộc phạm vi, quyền hạn, nhiệm vụ của Ủy ban Tư pháp, bao gồm: tiểu ban theo dõi hoạt động của cơ quan điều tra; tiểu ban theo dõi hoạt động của viện kiểm sát nhân dân; tiểu ban theo dõi hoạt động của tòa án nhân dân; tiểu ban theo dõi hoạt động của cơ quan thi hành án và bổ trợ tư pháp; tiểu ban theo dõi hoạt động phòng, chống tham nhũng. Giúp việc cho Ủy ban Tư pháp có Vụ Tư pháp thuộc Văn phòng Quốc hội.

Chia sẻ về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, căn cứ Điều 71 Luật Tổ chức Quốc hội, Ủy ban Tư pháp có nhiệm vụ thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án, bổ trợ tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tổ chức bộ máy của cơ quan tư pháp và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp cũng thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án; thẩm tra các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; chủ trì thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng. Thẩm tra đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc phê chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; đề nghị của Chủ tịch nước về việc đại xá.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tại cuộc làm việc

Cùng với đó, Ủy ban Tư pháp thực hiện nhiệm vụ giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án, bổ trợ tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tổ chức bộ máy của cơ quan tư pháp; giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bổ trợ tư pháp; giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ủy ban Tư pháp là giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách. Trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách; kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của cơ quan tư pháp và các cơ quan hữu quan khác, các vấn đề về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án, bổ trợ tư pháp, phòng, chống tham nhũng.

Về thực tế hoạt động, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, nhìn chung, công tác xây dựng pháp luật được Ủy ban triển khai bài bản, cẩn trọng, kỹ lưỡng với các bước nghiên cứu sâu về chuyên môn. Hiện nay, việc xây dựng pháp luật được thực hiện theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó đã nêu rất cụ thể các quy trình, nội dung, công việc cần phải thực hiện. Các dự án luật, pháp lệnh do Ủy ban chủ trì thẩm tra khi đưa ra biểu quyết thông qua đều đạt tỷ lệ cao và được đánh giá chất lượng.

Các đại biểu Quốc hội tại cuộc làm việc

Chia sẻ kinh nghiệm giám sát của Ủy ban đối với các cơ quan tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban đã vận dụng đa dạng các hình thức giám sát. Năm 2019, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 96/2019/QH14 về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án. Trong Nghị quyết này, Quốc hội đã đưa ra các yêu cầu, chỉ tiêu cụ thể đối với lĩnh vực công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Ủy ban Tư pháp sẽ đối chiếu chỉ tiêu đặt ra với kết quả thực tiễn công tác của cơ quan đã tiến hành và báo cáo Quốc hội, từ đó phân tích nguyên nhân, đề ra giải pháp phù hợp.

Thêm vào đó, Ủy ban Tư pháp cũng có các giám sát chuyên đề, hàng năm, trên cơ sở theo dõi dư luận, tình hình hoạt động của các cơ quan tư pháp và các vấn đề nổi lên trong thực tiễn, Ủy ban sẽ lựa chọn nội dung chuyên đề để tập trung giám sát. Cụ thể, năm 2022, Ủy ban Tư pháp đã thực hiện chuyên đề giám sát về việc chấp hành pháp luật trong tố tụng hành chính, giải quyết các vụ án hành chính. Năm 2023 này, Ủy ban Tư pháp tiến hành giám sát chuyên đề việc chấp hành pháp luật về giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù và tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Ngoài ra, Ủy ban cũng tổ chức các phiên giải trình đối với các vấn đề nóng mà dư luận, cử tri quan tâm, như vấn đề tội phạm xâm phạm an toàn giao thông; đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em… Qua các hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các thành viên Ủy ban cũng tham gia rất tích cực. Gần đây, tại phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, qua đó đưa ra Nghị quyết chất vấn, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan tư pháp để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lào Khampheng Vilaphanh

Cảm ơn những tình cảm nồng ấm, sự đón tiếp trọng thị tại Nhà Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lào Khampheng Vilaphanh- Trưởng Đoàn cho biết, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Tư pháp hai nước có nhiều tương đồng, vì thế, chuyến thăm này sẽ giúp các cơ quan chuyên môn của Quốc hội Lào và Việt Nam học tập, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, đặc biệt trong lĩnh vực giám sát các cơ quan tư pháp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lào nêu rõ, việc nâng cao hiệu quả công tác của Ủy ban Tư pháp, đặc biệt trong lĩnh vực giám sát là yếu tố quan trọng nhằm góp phần duy trì ổn định, trật tự xã hội, phòng chống tham nhũng và là tiền đề cho sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước.

Đánh giá cao kinh nghiệm, kết quả giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội Việt Nam trong thời gian qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lào Khampheng Vilaphanh đề nghị trong thời gian tới, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lào cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ để trao đổi thông tin, gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm về các mặt công tác, tiếp tục tăng cường sự phối hợp nhằm phát triển mối quan hệ truyền thống lâu đời, tình đoàn kết đặc biệt, sự hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước…

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chào đón Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lào Khampheng Vilaphanh

Quang cảnh cuộc làm việc

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga hy vọng sự hợp tác giữa hai Ủy ban ngày càng chặt chẽ và gắn bó hơn, tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước ngày càng bền vững

Tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm của Ủy ban trong việc triển khai hoạt động giám sát

Đoàn đại biểu Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lào tại cuộc làm việc

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lào Khampheng Vilaphanhcho biết, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Tư pháp hai nước có nhiều tương đồng, vì thế, chuyến thăm này sẽ giúp các cơ quan chuyên môn của Quốc hội Lào và Việt Nam học tập, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, đặc biệt trong lĩnh vực giám sát các cơ quan tư pháp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lào Khampheng Vilaphanh đề nghị trong thời gian tới, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lào cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ để trao đổi thông tin, gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm về các mặt công tác

Các đại biểu trao đổi nhiều vấn đề thực tiễn về công tác của hai Ủy ban

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cùng Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lào Khampheng Vilaphanh trao quà và chụp ảnh lưu niệm./.

Hồ Hương- Nghĩa Đức