Tham dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, đại diện lãnh đạo các cơ quan tư pháp các tỉnh Quảng Ninh, Tp.Hải Phòng, Bắc Giang, Tp.Hà Nội, đại diện Viện Pháp y quốc gia, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam… cùng các thành viên Đoàn giám sát.
Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” tổ chức Hội thảo công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại trẻ em
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật cho biết, phòng chống xâm hại trẻ em được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, chú trọng. Tại Kỳ họp thứ 8, khi thảo luận về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm của các các cơ quan tư pháp ở trung ương, các đại biểu Quốc hội cũng dành nhiều sự quan tâm, thảo luận sôi nổi với nhiều băn khoăn về yêu cầu đối với cơ quan chức năng để tăng cường công tác phòng, chống, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại trẻ em.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật ghi nhận, thời gian qua, các cơ quan chức năng trong điều tra, truy tố, xét xử có nhiều cố gắng thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao và giải quyết được nhiều vụ việc, đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của người dân. Tuy nhiên, trước tình hình xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, có nhiều thách thức, còn nhiều tồn tại, hạn chế đặt ra yêu cầu cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, quyết tâm có giải pháp hiệu quả hơn để ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi xâm hại trẻ em.
Tại hội thảo các đại biểu đã nghe trình bày tham luận và trao đổi về các nội dung liên quan đến công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra các vụ án xâm hại trẻ em; việc thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em; vấn đề xét xử; trợ giúp pháp lý cho trẻ em bị xâm hại. Các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại trẻ em, từ đó đề xuất kiến nghị giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh, thành viên Đoàn giám sát Nguyễn Mai Bộ cho rằng nâng cao hiệu quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại trẻ em thì yếu tố con người là quan trọng nhất
Qua trao đổi tại hội thảo, vấn đề về quy trình giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em bảo đảm quyền lợi cho trẻ, việc thực thi các quy định của pháp luật, sự phối hợp của các cơ quan tư pháp trong quá trình tố tụng, đặc biệt là vấn đề giám định tư pháp và trợ giúp pháp lý cho trẻ em trong vụ án xâm hại trẻ em được các đại biểu đặc biệt quan tâm.
Theo đó, công tác phối hợp giữa các cơ quan hữu quan, cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm có lúc, có nơi còn chưa chặt chẽ, kịp thời; một số trường hợp trình độ năng lực của cán bộ trực tiếp xử lý, giải quyết vụ việc xâm hại trẻ em còn hạn chế. Hoạt động thu thập chứng cứ, chứng minh tội phạm xâm hại trẻ em còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc phát hiện, thu thập tài liệu chứng cứ ban đầu, dấu vết sinh học đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; công tác giám định tư pháp đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập; một số quy định của pháo luật còn có sự mâu thuẫn nhưng chưa được hướng dẫn, giải thích kịp thời. Cùng với đó, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, nếu không được đối xử một cách khéo léo thì chính hoạt động tố tụng có thể gây thêm tổn thương cho trẻ em bị xâm hại.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật chủ trì hội thảo
Các đại biểu kiến nghị, cần tiếp tục hoàn thiện quy trình tố tụng hình sự đối với các vụ ám xâm hại trẻ em; cần quy định về quy trình giám định đặc biệt đối với các vụ án xâm hại trẻ em. Các đại biểu cũng nhấn mạnh, trong quá trình giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em thì yếu tố con người là quan trọng nhất, bởi hiện nay các quy định pháp luật cũng như hướng dẫn nghiệp vụ các cơ quan hữu quan đều có quy định cụ thể. Điều quan trọng là ở khâu tổ chức thực hiện, kĩ năng của cán bộ trực tiếp giải quyết.
Kết luận hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật đánh giá cao tinh thần làm việc cởi mở thẳng thắn tại hội thảo. Qua đó cung cấp nhiều thông tin để xây dựng báo cáo của Đoàn giám sát, đặc biệt là các nội dung về thực trạng tình hình, nguyên nhân khách quan, chủ quan và kiến nghị. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật cũng đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu các ý kiến, kiến nghị tại hội thảo để nghiên cứu, xem xét có những điều chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại trẻ em./.