ỦY BAN TƯ PHÁP CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH HÀ GIANG

24/03/2023

Chiều 23/3, Đoàn khảo sát Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Giang về tình hình triển khai các quy định của pháp luật về phòng, chống mua, bán người (MBN) giai đoạn 2012 – 2022. Các đồng chí Hoàng Văn Liên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Trưởng đoàn; Hà Thị Minh Hạnh, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì buổi làm việc.

KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT CỦA ỦY BAN TƯ PHÁP CỦA QUỐC HỘI TRONG NĂM 2022

Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn; Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang; các đồng chí Ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Hoàng Văn Liên phát biểu kết luận buổi làm việc

Giai đoạn 2012 – 2022, tỉnh Hà Giang chủ động ban hành kịp thời các chính sách pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống MBN. Thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động BCĐ về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc các cấp; các lực lượng chức năng tích cực, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống, xử lý tội phạm MBN…

Trong 10 năm, Tòa án Nhân dân tỉnh đã thụ lý 113 vụ/220 bị cáo, đã xét xử sơ thẩm 112 vụ/217 bị cáo, 1 vụ đang giải quyết; tổ chức tuyên truyền trên 20.000 cuộc, với 800.000 lượt người tham gia. Trợ giúp pháp lý 161 vụ việc cho 161 lượt người là nạn nhân bị MBN. Lực lượng công an các cấp pháp hiện trên 125.000 công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động tự do; phát hiện, xử lý 71 vụ/176 đối tượng vi phạm các quy định về xuất, nhập cảnh trái phép; tiếp nhận 5.071 công dân Việt Nam do Công an Trung Quốc, Camphuchia trao trả qua các cửa khẩu. Kiểm tra trên 24.000 lượt cơ sở kinh doanh, dịch vụ văn hóa dễ bị lợi dụng để thực hiện hành vi MBN. Các lực lượng chức năng đã tiếp nhận 52 tin báo, tố giác tội phạm MBN, quyết định khởi tố vụ án 34 tin; điều tra, truy tố 109 vụ/205 bị can, đang điều tra 3 vụ; giải cứu 110 trường hợp nghi là nạn nhân bị MBN. Các cấp, ngành hỗ trợ làm nhà ở, cây con giống, vay vốn tín dụng cho hàng trăm lượt người là nạn nhân MBN và từng đi lao động trái phép tại nước ngoài để tạo việc làm, phát triển kinh tế…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Hà Thị Minh Hạnh phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn khảo sát đánh giá cao việc chấp hành, thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng, chống MBN của tỉnh; đồng thời thảo luận, kiến nghị các ngành chức năng của tỉnh làm rõ một số số liệu, thông tin về kết quả và giải pháp phòng, chống MBN, xử lý các vụ việc, hỗ trợ nạn nhân bị MBN…

Thành viên Đoàn khảo sát trao đổi các nội dung cần làm rõ trong công tác phòng, chống MBN của tỉnh

 Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Hà Thị Minh Hạnh cho rằng Luật phòng, chống MBN được ban hành từ năm 2011, triển khai thực hiện từ năm 2012 nhưng các hướng dẫn thực hiện trong thời gian qua chưa gắn liền với thực tiễn, như chính sách hỗ trợ nạn nhân bị MBN. Do điều kiện thực tiễn của tỉnh, công tác triển khai, đặc biệt là tuyên truyền về phòng, chống MBN gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, thông tin thêm tới Đoàn khảo sát một số nội dung các thành viên quan tâm và giới thiệu những mô hình, cách làm riêng của tỉnh trong tuyên truyền phòng, chống tội phạm MBN; công tác đối ngoại phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm trên tuyến biên giới tới Đoàn.

Lãnh đạo Công an tỉnh Hà Giang và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thông tin thêm một số nội dung Đoàn khảo sát quan tâm trong đấu tranh với tội phạm MBN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Hà Thị Minh Hạnh tiếp thu các ý kiến trao đổi, góp ý của Đoàn khảo sát. Đồng thời đề nghị các sở, ngành bổ sung thông tin, hoàn thiện các báo cáo để Đoàn khảo sát có góc nhìn tổng thể, rõ ràng hơn tình hình, kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống MBN của tỉnh. Đồng thời, đề xuất Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và các cơ quan tư pháp T.Ư hỗ trợ, hướng dẫn tỉnh trong thực hiện các trình tự tố tụng hình sự, xử lý vụ việc liên quan đến tội phạm MBN, quản lý lao động qua biên giới…

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Hoàng Văn Liên thống nhất cao với các báo cáo của tỉnh cung cấp tại buổi làm việc. Đồng thời, ghi nhận sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh trong thực hiện các biện pháp phòng, chống MBN, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, tình hình MBN vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều vụ việc xảy ra trên địa bàn.

Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống MBN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội yêu cầu tỉnh Hà Giang thực hiện tốt hơn nữa công tác giải quyết việc làm, tạo sinh kế, tăng cường giảm nghèo cho người dân. Tăng cường đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng nông thôn, giao thông liên kết vùng; quan tâm bổ sung ngân sách cho công tác phòng, chống MBN, kinh phí hỗ trợ nạn nhân bị MBN; quan tâm hỗ trợ các nạn nhân bị MBN hòa nhập cộng đồng, trở về địa phương và xác minh các trường hợp trở về địa phương nghi bị MBN. Làm tốt hơn nữa tuyên truyền phổ biến pháp luật cho đồng bào các dân tộc thiểu số, đấu tranh với tội phạm MBN…

(Theo Báo điện tử Hà Giang)