Chủ động từ sớm, từ xa, phối hợp với cơ quan soạn thảo các dự án Luật
Trong công tác lập pháp, thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kế hoạch số 277/KH-UBTP15 ngày 30/11/2021 của Ủy ban Tư pháp về việc triển khai Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết do Ủy ban Tư pháp chủ trì và những nội dung thuộc phạm vi thẩm quyền phụ trách, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã chủ động phối hợp từ sớm, từ xa với cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan ngay từ thời điểm đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; thường xuyên theo dõi chặt chẽ tiến độ xây dựng dự thảo, đôn đốc các cơ quan chuẩn bị hồ sơ, tài liệu đầy đủ, đúng hạn; thành lập Đoàn khảo sát, làm việc trực tiếp tại một số địa phương; tổ chức Hội nghị để thu thập thông tin, lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học.
Phiên toàn thể lần thứ 11 của Ủy ban Tư pháp thẩm tra dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng
Bên cạnh việc chủ động triển khai nhiều hoạt động phục vụ công tác thẩm tra, Ủy ban Tư pháp chú trọng tập trung thời gian, nhân lực, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Các tài liệu phục vụ phiên họp mở rộng, phiên họp toàn thể Ủy ban, các báo cáo, văn bản xin ý kiến thành viên Ủy ban được chuẩn bị đầy đủ, có chất lượng, chuyển đến các thành viên Ủy ban để tiếp cận, nghiên cứu sớm. Ủy ban Tư pháp cũng đã phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban có liên quan của Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp để thường xuyên trao đổi về những nội dung còn có ý kiến khác nhau, làm cơ sở cho việc hoàn thiện báo cáo, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thảo luận.
Trong năm 2023, Ủy ban Tư pháp đã thẩm tra, tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Phiên họp thứ 18, ngày 13/12/2022); thẩm tra dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 28 (tháng 12/2023). Với tinh thần từ sớm, từ xa, Ủy ban đã chủ động phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) để nghiên cứu tài liệu; đồng thời để chuẩn bị cho việc thẩm tra, tiến hành khảo sát việc chấp hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị; tổ chức Hội nghị để lấy ý kiến về một số vấn đề lớn sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Ngoài ra, Ủy ban cũng chủ động phối hợp từ sớm với cơ quan chủ trì soạn thảo để chuẩn bị các dự án Luật đã có trong chương trình như dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên (thuộc Chương trình xây dựng pháp luật năm 2024); dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đối với tất cả các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tư pháp đều tích cực nghiên cứu, thảo luận, cử đại diện tham dự các cuộc họp và tham gia thẩm tra, góp ý kiến bằng văn bản.
Bên cạnh hoạt động thẩm tra, tham gia thẩm tra, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự án nêu trên, Ủy ban Tư pháp còn thực hiện nhiều nhiệm vụ khác liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, như thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 trong phạm vi nhiệm vụ được giao; nghiên cứu các Báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về kết quả rà soát pháp luật; nghiên cứu, rà soát nội dung giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản quy định chi tiết trong các luật, nghị quyết của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 và Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV…
Đối với các dự án tham gia thẩm tra, Thường trực Ủy ban Tư pháp chủ động nghiên cứu hồ sơ, văn bản, cử đại diện tham gia các phiên họp của Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội để tiếp thu, chuẩn bị văn bản tham gia thẩm tra, góp ý kiến bằng văn bản trong cả giai đoạn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đảm bảo chi tiết, có chất lượng.
Các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Ủy ban Tư pháp chủ trì thẩm tra, chỉnh lý hoàn thiện và các đề án, báo cáo do Ủy ban Tư pháp tham mưu giúp Đảng đoàn Quốc hội đều bảo đảm thể chế hóa đúng đắn, kịp thời đường lối, chính sách của Đảng, Hiến pháp và các nội dung, nhiệm vụ theo chiến lược, định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bảo đảm thực thi cam kết của Việt Nam đối với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì Hội thảo về Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật
Nhiều dấu ấn trong việc tổ chức phiên giải trình
Bám sát Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự kiến kế hoạch hoạt động, trong năm 2023, Ủy ban đã chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các yêu cầu, nhiệm vụ được giao thực hiện quyết liệt, linh hoạt các hoạt động giám sát thuộc thẩm quyền, thường xuyên theo dõi, bám sát tình hình thực tiễn để tổ chức, chỉ đạo tổ chức các hoạt động giám sát phù hợp từ đó, cơ bản hoàn thành các nội dung trong chương trình giám sát đề ra, bảo đảm chất lượng và để lại nhiều dấu ấn trong hoạt động giám sát.
Về xem xét báo cáo, Ủy ban đã đã dành nhiều thời gian nghiên cứu để thẩm tra các báo cáo về kết quả công tác năm 2023 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng. Ủy ban Tư pháp đã thẳng thắn chỉ ra những ưu điểm cần phát huy, những mặt còn hạn chế, cần khắc phục, từ đó đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có liên quan. Những kiến nghị, đề xuất của Ủy ban đều được các cơ quan hữu quan đồng tình và tiếp thu, thực hiện.
Ủy ban Tư pháp khảo sát tại tỉnh Thanh Hóa về “Việc chấp hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014”
Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 ngày 22/7/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Tư pháp đã sớm ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết và xây dựng, phát hành Báo cáo giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Ủy ban Tư pháp phụ trách theo đúng tiến độ yêu cầu.
Về giám sát chuyên đề, trong năm qua, Ủy ban đã triển khai Kế hoạch giám sát chuyên đề số 1862/KH-UBTP15 ngày 06/3/2023 về “Việc chấp hành pháp luật về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và tha tù trước thời hạn có điều kiện”, đã tổ chức 04 đoàn giám sát tại một số địa phương, nghiên cứu báo cáo của các cơ quan Trung ương và xây dựng Báo cáo kết quả giám sát.
Triển khai Kế hoạch số 1868/KH-UBTP15 ngày 08/3/2023 về “Việc chấp hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014”, Ủy ban đã tổ chức 05 đợt khảo sát tại một số địa phương, xây dựng và phát hành Báo cáo kết quả khảo sát. Kết qua khảo sát là cơ sở thực tiễn quan trọng cho Ủy ban trong quá trình thẩm tra dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua. Các ý kiến thẩm tra đều được các đại biểu Quốc hội đồng tình và đánh giá cao, làm cơ sở để các đại biểu có thêm thông tin trong quá trình thảo luận đối với dự án Luật.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự quan tâm của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội về việc tăng cường hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, ngày 08/5/2023, Ủy ban đã tổ chức phiên giải trình về “Việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người”. Trên cơ sở kết quả phiên giải trình, Ủy ban Tư pháp đã phát hành Kiến nghị việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người đến các cơ quan hữu quan tại Trung ương và 63 tỉnh, thành địa phương. Trước đó, để có thêm căn cứ, cơ sở thực tiễn, Ủy ban đã ban hành và triển khai Kế hoạch số 1740/KH-UBTP15 ngày 09/02/2023 về “Việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2012 - 2022”, tổ chức 03 đoàn khảo sát tại một số địa phương và xây dựng, phát hành Báo cáo kết quả khảo sát. Kết quả khảo sát cho thấy, tội phạm mua bán người có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, đối tượng nạn nhân cũng mở rộng. Việc chấp hành pháp luật ở một số địa phương chưa nghiêm. Tình hình trên đặt ra yêu cầu cần có đánh giá, làm rõ thực trạng trên phạm vi cả nước để có giải pháp xử lý.
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Công Long, việc Ủy ban Tư pháp đã chọn vấn đề này làm phiên giải trình đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, bởi đây là vấn đề nổi lên, bức xúc được dư luận cử tri quan tâm. Phiên giải trình trước hết là một kênh thông tin chính thống để tất cả các cơ quan chức năng thông tin tới cử tri và nhân dân thực trạng, nói rõ những âm mưu, thủ đoạn của kẻ phạm tội, nêu rõ cách thức phòng ngừa để cảnh tỉnh cho cả xã hội về vấn đề này. Ngoài ý nghĩa về thông tin, với chức năng của cơ quan giám sát, cuộc giải trình này có ý nghĩa rất quan trọng, đó là làm rõ trách nhiệm, xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ của các cơ quan chức năng trong việc giải quyết vấn đề đang đặt ra như vậy, trước yêu cầu thực tiễn như thế, cử tri đặt ra như vậy, còn yêu cầu các cơ quan thực hiện đề ra các giải pháp.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Công Long
Kết quả của Phiên giải trình, Ủy ban Tư pháp đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) trình Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật năm 2024. Phiên giải trình đã mang lại hiệu quả chỉ sau nửa năm được tổ chức, tại Phiên họp thứ 28 diễn ra vào tháng 12/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý thông qua đề nghị bổ sung dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024
Có thể thấy việc tổ chức các hoạt động khảo sát, giám sát được duy trì thường xuyên, kết hợp nhịp nhàng với việc thực hiện các nhiệm vụ lập pháp của Ủy ban. Trong đó, phiên giải trình đã thực sự để lại dấu ấn trong tổng thể hoạt động giám sát của Quốc hội trong năm 2023 thu hút được sự quan tâm của dư luận và cử tri cả nước. Việc tổ chức phiên giải trình được chú trọng, có nhiều đổi mới, góp phần nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc tổ chức thực thi Hiến pháp, pháp luật và nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Nhà nước. Thông qua hoạt động giải trình, các cơ quan của Quốc hội thu thập được thông tin nhiều chiều về vấn đề yêu cầu giải trình, trong đó, có thông tin quan trọng từ các đối tượng thụ hưởng chính sách.
Ủy ban Tư pháp giám sát việc thực thi pháp luật về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và tha tù trước thời hạn có điều kiện
Phiên giải trình đã góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề “nóng”, mang tính thời sự, giải tỏa bức xúc trong xã hội, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân. Không khí thảo luận tại các phiên giải trình diễn ra sôi nổi với nhiều câu hỏi, ý kiến phản biện thẳng thắn, chất lượng, góp phần làm rõ những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm. Qua đó tiếp tục khẳng định đây là hình thức giám sát có ý nghĩa quan trọng, giúp cho hoạt động giám sát được kịp thời hơn đối với những vấn đề mới phát sinh trong cuộc sống.
Đối với các công tác khác, Thường trực Ủy ban Tư pháp luôn chủ động, tích cực, cử đại diện tham gia đầy đủ, kết quả công việc đạt chất lượng. Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Ủy ban Tư pháp thường xuyên báo cáo Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để kịp thời xin ý kiến chỉ đạo, làm cơ sở cho việc hoàn thiện văn bản, báo cáo, trình Quốc hội xem xét.
Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, khối lượng công việc của Quốc hội nói chung, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nói riêng là rất lớn. Ngoài các nhiệm vụ thường xuyên theo chương trình, kế hoạch, Ủy ban đã kịp thời xem xét, cho ý kiến, quyết định nhiều vấn đề đột xuất phát sinh. Với phương thức làm việc chủ động, linh hoạt, bám sát sự chỉ đạo của Đảng, tuân thủ nghiêm túc quy định của Hiến pháp và pháp luật, theo dõi và phản ứng ngày càng nhạy bén trước tình hình thực tiễn, phát huy trí tuệ tập thể, Ủy ban Tư pháp đã tổ chức triển khai hiệu quả và hoàn thành tốt các nhiệm vụ với nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào kết quả công tác chung của Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga
Bước sang năm 2024 - năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt, có hiệu quả các chủ trương, chính sách và mục tiêu, nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Ủy ban Tư pháp xác định tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và Kế hoạch số 277/KH-UBTP15, theo dõi, đôn đốc, giám sát việc rà soát, sửa đổi, bổ sung một số văn bản hiện hành cũng như rà soát, nghiên cứu, xây dựng mới một số văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, trọng tâm là tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024); Thẩm tra dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên và dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7.
Đồng thời, tiến hành giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực tư pháp năm 2023, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp tháng 4/2024 và trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024). Tiếp tục giám sát việc phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cá nhân, tổ chức thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách; tăng cường giám sát việc giải quyết các vụ án, vụ việc cụ thể./.