Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong giai đoạn từ năm 2004-2014, tỉnh Phú Yên đã phê duyệt 61 tiểu dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ODA đối với giáo dục và đào tạo thuộc 04 dự án lớn. Trong đó, dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đã hỗ trợ đầu tư xây dựng mới 114 phòng học, 52 phòng giáo viên, 37 công trình nhà vệ sinh, 19 công trình nước sinh hoạt các điểm trường lẻ và tu sửa 99 phòng học thuộc các trường tiểu học vùng khó khăn tại 02 huyện Sông Hinh và Sơn Hòa. Dự án này đã mang lại hiệu quả cao, nhân dân và chính quyền xã ở các huyện được thụ hưởng dự án rất phấn khởi.
Thông qua các nguồn vốn đầu tư cho giáo dục, đào tạo phần nào đã cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh; góp phần giải quyết tình trạng thiếu phòng học, tình trạng bỏ học của những học sinh vùng sâu, vùng xa, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ đầu tư xây dựng trường, lớp tại vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, chương trình học bổng cho học sinh nghèo với 78 chương trình, dự án sử dụng nguồn viện trợ phi chính phủ (NGOs), tổng số tiền trên 1,8 triệu USD; các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo đã giải ngân được hơn 175 tỷ đồng, đạt 99% so kế hoạch.
Về thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, Ban chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh đã tích cực phát huy vai trò và đề xuất cho UBND tỉnh xem xét giải quyết những yêu cầu chính đáng của các tôn giáo đúng chính sách của Đảng, quy định của Nhà nước; tình hình đơn thư, khiếu nại về tôn giáo và liên quan đến tôn giáo chủ yếu tập trung vào các nội dung liên quan đến đất đai, mâu thuẫn nội bộ trong các tôn giáo; cơ quan quản lý về tôn giáo đã chủ động phối hợp với các ngành, địa phương thống nhất xử lý giải quyết, không để tình hình kéo dài, phức tạp.
Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Quang Nhất cũng kiến nghị đoàn giám sát tiếp tục nghiên cứu nguồn vốn vay ODA dành cho mảng xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục; có thể phân cấp cho địa phương phân bổ nguồn vốn vay khi Trung ương đã phê duyệt dự án nhằm đơn giản bớt thủ tục; sớm ban hành Luật tín ngưỡng và tôn giáo thay cho Pháp lệnh; có chính sách đào tạo cán bộ làm công tác tôn giáo.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Lê Văn Học đánh giá cao việc thực hiện các dự án sử dụng nguồn vốn ODA đối với giáo dục đào tạo, cũng như thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của tỉnh trong thời gian qua có hiệu quả, thực hiện đúng mục đích, đúng pháp luật.
Phó chủ nhiệm đề nghị tỉnh tiếp tục đầu tư vốn ODA vào giáo dục, đào tạo có trọng tâm, trọng điểm; quan tâm xây dựng cơ sở, vật chất, trang thiết bị nhằm phục vụ tốt công tác dạy và học; chỉ đạo thực hiện tốt chính sách tôn giáo ở địa phương, đảm bảo sinh hoạt tôn giáo bình thường trong khuôn khổ pháp luật; Phó Chủ nhiệm cũng ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của tỉnh sẽ xem xét giải quyết.