KHẢO SÁT VIỆC THI HÀNH PHÁP LỆNH THƯ VIỆN TRÊN ĐỊA BÀN HÀ NỘI

19/09/2018

Ngày 13, 14 và 17/9, thực hiện chương trình khảo sát về việc thi hành Pháp lệnh Thư viện, Đoàn khảo sát của Ủy ban VH, GD, TN, TN và NĐ do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thị Hoa làm Trưởng đoàn, đã làm việc với một số Thư viện trên địa bàn Hà Nội.

Đoàn khảo sát của  Ủy ban Văn hóa, GD, TN, TN và NĐ làm việc với các đơn vị

Cụ thể, ngày 13/9, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, GD, TN, TN và NĐ đã làm việc với Thư viện Quốc gia và Thư viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ). Ngày 14/9, Đoàn khảo sát làm việc với Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội và Thư viện Tạ Quang Bửu, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Trong ngày làm việc cuối cùng, Đoàn khảo sát làm việc với Thư viện Quân đội và Thư viện tư nhân Dương Liễu.

Tại các buổi làm việc, đại diện các Thư viện đã trực tiếp báo cáo với Đoàn khảo sát về thực tế hoạt động của đơn vị; tình hình thực hiện Pháp lệnh Thư viện, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện pháp lệnh.

Về cơ bản, đại diện đa số các thư viện được khảo sát cho rằng, Pháp lệnh cùng với các văn bản hướng dẫn thực hiện đã tạo hành lang pháp lý tương đối đồng bộ và thống nhất cho hoạt động thư viện phát triển. Tuy nhiên, việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về thư viện ở nước ta còn có nhiều bất cập bởi chưa có văn bản pháp quy cao nhất nên việc triển khai hệ thống văn bản pháp quy về thư viện đi vào cuộc sống còn thiếu sức nặng, dẫn tới việc đầu tư cho thư viện còn xem nhẹ, hoặc chưa thực sự quan tâm.

Đại diện Thư viện Tạ Quang Bửu, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội bày tỏ, hiện nay hoạt động của thư viện đang diễn ra trong xu thế hội nhập toàn cầu, việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến được áp dụng trong các Thư viện và đặc biệt là tác động của cách mạng công nghệ 4.0 đã tác động nhiều tới hoạt động thư viện, nhiều thư viện Trung ương, thư viện các trường đại học và cao đẳng; thư viện tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đã ứng dụng Công nghệ thông tin trong lĩnh vực thư viện; song văn bản quy phạm pháp luật về nội dung này còn quá ít; thậm chí có điều khoản trong các văn bản đã ban hành, song còn chung chung,chưa cụ thể vì thế các thư viện đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa thư viện những năm qua theo cách của mình là chính; chứ chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể lĩnh vực quan trọng này.

Đại diện các thư viện báo cáo với Đoàn khảo sát

Cùng quan điểm trên, đại diện Thư viện Quân đội và đại diện Thư viện Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thư viện hiện nay vẫn còn hạn chế, một số quy định không còn phù hợp và đáp ứng yêu cầu của hoạt động thư viện. Cụ thể, những năm qua hoạt động thư viện diễn ra trong bối cảnh đất nước hội nhập đặc biệt trong xu thế ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong hoạt động thư viện nên có nhiều nội dung chưa được điều chỉnh kịp hoặc không còn phù hợp. Các văn bản pháp quy về thư viện trong cả nước mới chủ yếu điều tiết trong hệ thống thư viện công cộng (cấp tỉnh-huyện-xã); các văn bản quy phạm pháp luật  về thư viện trong các thư viện chuyên ngành, đa ngành; như: hệ thống thư viện trường học; hệ thống thư viện trường đại học và cao đẳng; hệ thống thư viện chuyên ngành; hệ thống thư viện trong lực lượng vũ trang còn quá ít văn bản pháp quy. Các quy định về phân hạng thư viện cũng chưa hợp lý. Thiếu các quy định cụ thể về định mức đầu tư kinh phí bổ sung nguồn lực thông tin hàng năm; định mức về nhân lực; định mức về diện tích cho các hệ thống thư viện…

Đoàn khảo sát đến thăm và khảo sát thực tế hoạt động của các thư viện

Từ thực tiễn này, đại diện các Thư viện đã bày tỏ nhiều tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị với Đoàn khảo sát. Trong đó, kiến nghị tăng cường pháp chế thư viện, kiến nghị Quốc hội quan tâm, sớm đưa Luật Thư viện vào chương trình xây dựng Luật và thông qua, ban hành trong thời gian sớm nhất, xem đây là giải pháp đột phá để đẩy mạnh hoạt động thư viện - thiết chế văn hóa không thể thiếu trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội hoạt động thư viện, nhất là cơ chế chính sách tài chính, xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động thư viện theo hướng chuẩn hóa cả về cơ sở vật chất, thiết bị chuyên môn nghiệp vụ.

Đặc biệt, cần đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho các thư viện đầu mối trong hệ thống thư viện đại học, từ đó liên kết, chia sẻ cơ sở dữ liệu cho toàn hệ thống để lan tỏa tri thức một cách rộng rãi; làm rõ mô hình và đầu tư phát triển thư viện số, làm nền tảng tạo nên xã hội thông minh trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0...; đề nghị nên tính toán quy định về khai thác tài liệu số hóa không nhằm mục đích kinh doanh, để vừa không vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, vừa đáp ứng tốt hơn như cầu của bạn đọc…

Thành viên Đoàn khảo sát phát biểu

Đại diện các thư viên cũng kiến nghị khi xây dựng Luật Thư viện cần đảm bảo quy định rõ, cụ thể hơn vai trò, cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước (Vụ Thư viện) với các Hội/Liên chi hội và các thư viện trong hệ thống; giữa Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch với Bộ Giáo dục trong việc quản lý định hướng triển khai hoạt động của Thư viện đại học nói riêng và hệ thống thư viện trường học nói chung; ban quy hành văn bản định về vấn đề xây dựng và khai thác thư viện số;  quy định về số hóa tài liệu, vấn đề bản quyền số hóa tài liệu, quyền truy cập tài liệu số, vấn đề liên kết, chia sẻ nguồn lực thông tin và các biểu ghi thư mục, các dịch vụ mượn liên thư viện giữa các thư viện trong và ngoài nước; ban hành văn bản hướng dẫn thu phí các dịch vụ trong thư viện. Đồng thời, có chính sách cải tiến về lương và phụ cấp để động viên người lao động trong ngành thư viện; xây dựng các chính sách về hoạt động đào tạo lại nguồn nhân lực, yêu cầu phải có chứng chỉ nghề thư viện cập nhật sau 5 năm để nâng cao khả năng đáp ứng sự đổi mới nghề nghiệp trước sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ

Ghi nhận các kiến nghị của các đơn vị qua 03 ngày làm việc, Đoàn khảo sát mong muốn trong thời gian tới, các thư viện tiếp tục phát huy những thế mạnh và điều kiện sẵn có để phát triển văn hóa đọc; khẳng định những kiến nghị của các thư viện sẽ được Đoàn khảo sát tổng hợp vào báo cáo khảo sát cũng như xem xét trong quá trình thẩm tra dự án Luật Thư viện sắp tới. Đoàn khảo sát mong muốn các đơn vị đẩy mạnh liên kết, chia sẻ thông tin, không ngừng đổi mới hoạt động góp phần nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc.

 

Thu Phương