CẦN GIẢI PHÁP TỔNG THỂ GIẢI QUYẾT TRIỆT ĐỂ TÌNH TRẠNG THỪA, THIẾU GIÁO VIÊN

25/02/2022

“Phân tích rõ nguyên nhân, đưa ra giải pháp tổng thể/bền vững mang tính căn cơ để giải quyết triệt để tình trạng thừa, thiếu giáo viên,...” là một trong những nội dung trọng tâm được nhiều ĐBQH đề nghị làm rõ tại Phiên giải trình về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông và tình hình tổ chức triển khai dạy học trong bối cảnh Covid-19” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức vào sáng 25/02 tại Nhà Quốc hội.

 

Toàn cảnh Phiên giải trình 

Phiên giải trình do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Dưới sự chủ trì của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Phạm Thị Thanh Trà trực tiếp giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Vẫn còn tình trạng thừa –thiếu giáo viên

Liên quan đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, căn cứ quy định về định mức số giáo viên/lớp, số lượng giáo viên của các cấp học mầm non, phổ thông, ngành Giáo dục thừa 10.178 giáo viên, thiếu 94.714 giáo viên. Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở một số môn học, cấp học và một số địa phương như trong cùng một địa phương thừa giáo viên các môn như Ngữ văn, Toán.., thiếu giáo viên dạy các môn đặc thù như Tin học, Tiếng Anh, Nghệ thuật....

Trên cơ sở phân tích nguyên nhân của việc thừa/thiếu giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất một số giải pháp để giải quyết tình trạng này. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, tổng hợp số liệu thừa, thiếu giáo viên và thống nhất với Bộ Nội vụ báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung khoảng 94.000 biên chế giáo viên MN, phổ thông (trước mắt đề xuất năm học 2021-2022 bổ sung 27.850 biên chế giáo viên MN, phổ thông); Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ chỉnh sửa định mức giáo viên/lớp được quy định tại Thông tư liên tịch số 06, Thông tư số 16 cho phù hợp với việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và điều kiện thực tế của từng vùng, miền;...

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ trình bày Báo cáo thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý

đội ngũ giáo viên phổ thông, mầm non

Ngoài ra, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đề nghị UBND các tỉnh/thành phố xem xét tiếp tục hợp đồng, thỉnh giảng đối với những giáo viên đã đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Điều 77 Luật Giáo dục 2005, những giáo viên này tham gia lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo để đạt trình độ chuẩn theo quy định tại Luật Giáo dục 2019; tập trung giải quyết tình trạng thừa giáo viên các cấp học phổ thông.

Các địa phương cần đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể; thí điểm và đẩy mạnh cơ chế tự chủ trong trong các cơ sở giáo dục MN, phổ thông; tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2021/NĐ-CP ngày 23/3/2021 quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập đã tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông thực hiện công tác xã hội hóa một các linh hoạt theo điều kiện thực tế của địa phương;...

Cần giải pháp tổng thể/bền vững

Chia sẻ với những khó khăn, thách thức đặt ra đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến vấn đề giải quyết biên chế giáo viên, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, với số liệu được đưa ra (thừa 10.178 giáo viên, thiếu 94.714 giáo viên) trong trường hợp sắp xếp được lực lượng giáo viên thừa sẽ vẫn thiếu 84.000 biên chế giáo viên.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để bài toán thiếu giáo viên trong khi vẫn phải thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Trung ương về giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước (tinh giảm biên chế).

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đặt câu hỏi tại Phiên giải trình

Quan tâm đến vấn đề chính sách đối với giáo viên đặc biệt là giáo viên mầm non, đại biểu Dương Minh Ánh nêu vấn đề: Theo số liệu báo cáo từ địa phương khoảng 50% số lượng giáo viên phổ thông có mức thu nhập khoảng từ 5 -6 triệu đồng/tháng, mức lương của giáo viên phổ thông vùng đồng bằng với 30 năm công tác khoảng từ 9 -11 tr /tháng; Hệ số lương khởi điểm của giáo viên mầm non, tiểu học theo Thông tư mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 2,1;...  Như vậy, số giáo viên mới đi làm chỉ có mức lương là hơn 3 tr đồng/ tháng trong khi đó Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành trung ương đã khẳng định lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

 “Đề nghị Bộ trưởng cho biết, với chính sách tiền lương của đội ngũ nhà giáo hiện nay liệu có thể là động lực để nhà giáo yên tâm sống được với nghề và thu hút nhà giáo giỏi đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản giáo dục hay không?; Cử tri ngành giáo dục băn khoăn khi thay đổi chính sách tiền lương theo Nghị định 204 của Chính phủ thì giáo viên không còn phụ cấp thâm niên và phụ cấp đứng lớp. Như vậy lương của nhà giáo có được nâng lên đảm bảo như Nghị quyết 29 đã nêu hay không? Và lộ trình cải cách tiền lương nói chung cũng như lộ trình cải cách tiền lương đối với giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông bao giờ sẽ được thực hiện?,...”, đại biểu Dương Minh Ánh đặt câu hỏi.

 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải trình các ý kiến ĐBQH 

Trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến vấn đề thừa/thiếu giáo viên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, đây là vấn đề lớn, liên quan đến tổng thể các giải pháp làm thế nào đảm bảo lâu dài và bền vững việc sắp xếp phù hợp giáo viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị cụ thể tuy nhiên để thực thi các giải pháp này không chỉ phụ thuộc vào nội bộ ngành giáo dục mà còn liên quan đến các chính sách của quốc gia, địa phương.

Trên cơ sở phân tích rõ nguyên nhân khiến xảy ra tình trạng thừa/thiếu giáo viên như hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng, về mặt giải pháp,  Bộ phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, tổng hợp số liệu thừa, thiếu giáo viên và thống nhất với Bộ Nội vụ báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung biên chế giáo viên mầm non, phổ thông; Chỉnh sửa định mức giáo viên/lớp được quy định tại Thông tư liên tịch số 06, Thông tư số 16 cho phù hợp với việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và điều kiện thực tế của từng vùng, miền. Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học; Đẩy mạnh là xã hội hóa, tăng cường tự chủ ở các cơ sở giáo dục công lập mà có điều kiện xã hội hóa,...

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình các ý kiến ĐBQH 

Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu quan điểm, cần giải quyết mối quan hệ giữa việc phải thực hiện chủ trương Nghị quyết của BCH Trung ương theo tinh thần của Nghị quyết 19 - đây là việc phải quyết tâm thực hiện và giải quyết mối quan hệ giữa ổn định, đổi mới và phát triển theo định hướng tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW.

“Cụ thể hóa từ thực tiễn, giải quyêt mối quan hệ kế thừa, đổi mới, phát triển và đặc biệt theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Trong đó, vấn đề cốt lõi là đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục. Nếu đội ngũ này đảm bảo có năng lực, chất lượng tốt sẽ nâng cao chất lượng giáo dục nói chung,...”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, để giải quyết tình trạng thừa/thiếu giáo viên cần tập trung thực hiện một số giải pháp căn bản sau: Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương xây dựng và hoàn thiện Chiến lược phát triển giáo dục mầm non, phổ thông trên nền tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo và trên nền tinh thần Nghị quyết Đại hội XII và đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về đổi mới tư duy và phát triển giáo dục đào tạo trong tình hình mới. Đồng thời, chủ động để chuẩn bị về xây dựng đội ngũ giáo viên, các hoạt động liên quan đến giáo dục đào tạo,...

Bên cạnh đó, phải quán triệt tinh thần Nghị quyết 19/NQ-TW, tập trung rà soát lại quy mô mạng lưới trường lớp hệ thống phổ thông và mầm non trên cả nước. Từ đo, tính toán, sắp xếp lại quy mô cho phù hợp theo hướng gọn đầu mối. Thực tiễn nhiều địa phương đã làm tốt, hiện nay có 37 địa phương đã làm được và có những địa phương làm rất tiêu biểu.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng nhấn mạnh, cần phải tập trung rà soát lại các quy định hiện hành liên quan đến định mức học sinh trên lớp, liên quan đến định mức giáo viên trên lớp. Tuy nhiên, lưu ý quán triệt tinh thần quy định phải phù hợp với từng vùng. Ngoài ra, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ  các quy định về thực hiện tự chủ giáo dục. Từ đó, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục ở những nơi có điều kiện như thành phố, thị trấn,...

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội chính sách đối với nhà giáo, đại diện Cục Nhà giáo cho biết, quan điểm của Bộ mong muốn giáo viên sống được bằng lương, yên tâm công tác trong ngành. Tuy nhiên, chính sách tiền lương đang được thực hiện theo Luật viên chức và quy định tiền lương đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp. Vì vậy, việc xếp các mức lương giáo viên phải thực hiện theo quy định chung, hiện chưa có thang bảng lương ưu tiên đối với giáo viên.

Đại diện Cục Nhà giáo cũng thừa nhận, giáo viên được hưởng thêm các phụ cấp, thâm niên công tác. Tuy nhiên, với tổng thu nhập như vậy so với mức sống hiện nay vẫm còn khó khăn. Bộ cũng đã tham mưu xây dựng chính sách tiền lương, mức lương đảm bảo cao nhất trong thang bảng lương hành chính,..

Làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà bày tỏ quan điểm đồng tình với ý kiến của đại biểu Dương Minh Ánh. Theo Bộ trưởng, về mặt bằng của lương viên chức sự nghiệp giáo dục so với mặt bằng của tất cả viên chức khác là cao, nhưng do yếu tố hoạt động nghề nghiệp và đặc thù của ngành, rõ ràng mức lương hiện nay vẫn còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, Nghị định về chính sách tiền lương được ban hành từ lâu, đến nay đã không còn phù hợp, Nghị quyết 27/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương đã mở ra về cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên, hiện nay do tác động của đại dịch Covid-19, vì vậy tạm lùi thời gian thực hiện cải cách chính sách tiền lương đến thời điểm hợp lý. Bộ trưởng nhấn mạnh, vấn đề chế độ tiền lương đặc biệt là phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên của nhà giáo thực chất còn khó khăn, chưa đáp ứng đặc thù của nghề giáo. Do đó, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm phối hợp với Bộ Nội vụ để nghiên cứu đề xuất và giải quyết, trước mắt khi chưa thực hiện được cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27NQ-TW, cần tập trung vào việc điều chỉnh phụ cấp, lựa chọn đối tượng ưu tiên trước và tịnh tiến theo hướng từng bước để khi thực hiện Nghị quyết 27/NQ-TW không có khoảng cách quá xa,...

Cũng tại Phiên giải trình, các vị đại biểu Quốc hội cũng nêu một số nội dung liên quan đến thiếu giáo viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thiếu giáo viên khu công nghiệp; chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non; chế độ tuyển dụng với giáo viên phổ thông và giáo viên mầm non; bất cập trong điều động, luân chuyển giáo viên;.../.

Lê Anh - Nghĩa Đức