ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT ĐÀO TẠO TIẾN SĨ TẠI ĐẠI HỌC MỎ - ĐỊA CHẤT

06/03/2023

Chiều ngày 06/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Trường Đại học Mỏ - Địa chất về thực hiện chính sách, pháp luật trong đào tạo tiến sĩ. Trưởng Đoàn Công tác - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa chủ trì buổi làm việc

ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT ĐÀO TẠO TIẾN SĨ TẠI ĐẠI HỌC SÂN KHẤU - ĐIỆN ẢNH HÀ NỘI

Quang cảnh buổi làm việc

Báo cáo Đoàn giám sát, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất, GS. TS Trần Thanh Hải cho biết, Trường Đại học Mỏ - Địa chất là một trong những trường Đại học đầu tiên ở Việt Nam được Chính phủ cho phép mở bậc đào tạo trên đại học vào năm 1976.

Hiện nay, Nhà trường đã có 14 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ. Quy mô đào tạo trình độ tiến sĩ hiện tại của Nhà trường là trên 100 nghiên cứu sinh. Tính đến tháng 12/2022 đã có gần 500 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ thuộc các ngành đào tạo trình độ tiến sĩ của Nhà trường.

Qua  hơn 55 năm thực hiện nhiệm vụ đào tạo đại học và trên 45 năm đào tạo trình độ tiến sĩ, Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã triển khai và thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Nhìn chung, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ trong thời gian qua của Nhà trường đầy đủ, chi tiết và được điều chỉnh kịp thời trên cơ sở Luật Giáo dục đại học, Điều lệ Trường đại học, Khung trình độ Quốc gia Việt Nam, các Nghị định, Thông tư liên quan. Quy chế đào tạo và chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ các ngành đào tạo của Nhà trường được xây dựng kịp thời và thường xuyên được rà soát, điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu xã hội và nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ.

Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất, GS. TS Trần Thanh Hải báo cáo trước Đoàn giám sát

Nhìn chung, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ trong thời gian qua của Trường đầy đủ, chi tiết và được điều chỉnh kịp thời trên cơ sở Luật Giáo dục đại học, Điều lệ Trường đại học, Khung trình độ quốc gia Việt Nam, các nghị định, thông tư liên quan. Chất lượng và hiệu quả đào tạo trình độ tiến sĩ luôn bảo đảm, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất, GS. TS Trần Thanh Hải  cũng nêu rõ, thực tiễn đào tạo trình độ tiến sĩ tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất còn một số vướng mắc. Việc mở mới các ngành đào tạo trình độ tiến sĩ nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và đa dạng hóa ngành nghề đào tạo còn hạn chế, đặc biệt là các ngành đào tạo mới đáp ứng xu thế phát triển của khu vực và thế giới như năng lượng mới, vật liệu mới, công nghệ mới, môi trường và biến đổi khí hậu… Nguyên nhân cơ bản là do công tác phát triển, bổ sung đội ngũ cán bộ cơ hữu chưa kịp thời để phù hợp với các ngành dự định mở mới.

Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất, GS. TS Trần Thanh Hải cũng cho biết, công tác tuyển sinh, trong đó có tuyển nghiên cứu sinh những năm gần đây gặp nhiều khó khăn, hàng năm chỉ đạt 65 - 80% chỉ tiêu được phép đào tạo. Nguyên nhân cơ bản là do nhu cầu xã hội hiện nay đối với các ngành đào tạo truyền thống của trường giảm mạnh, sinh viên ra trường không làm việc đúng chuyên môn được đào tạo nên nguồn tuyển hạn chế và các trường đại học có cùng ngành đào tạo mở rộng tuyển sinh, thông tin tuyển sinh chưa được phổ biến rộng rãi tới đối tượng dự tuyển...

Các thành viên Đoàn giám sát tại buổi làm việc

Mặc dù công tác quản lý nghiên cứu sinh đã khá chặt chẽ và nghiêm túc nhưng số lượng nghiên cứu sinh có thời gian học tập và nghiên cứu không đúng tiến độ, chậm tốt nghiệp chiếm tỷ lệ còn cao. Nguyên nhân cơ bản do số liệu thí nghiệm, thực hành, thử nghiệm các kết quả nghiên cứu để phục vụ cho việc hoàn thành các bài báo khoa học và kết quả nghiên cứu của luận án thường rất khó khăn, chậm có kết quả, đặc biệt là những năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Để bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ của Trường Đại học Mỏ - Địa chất trong thời gian tới, Nhà trường kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế chính sách đãi ngộ hợp lý để thu hút cán bộ, nhà khoa học giỏi, chuyên gia nước ngoài, Việt kiều trong công tác đào tạo, đồng thời có chính sách học bổng, hỗ trợ kinh phí như sinh hoạt phí cho nghiên cứu sinh, đặc biệt với khối ngành đặc thù như mỏ, địa chất, năng lượng mới...

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có các quy định chặt chẽ và bắt buộc để gắn kết hoạt động khoa học với công tác tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ trong các cơ sở đào tạo; tăng cường nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục đại học, hiện đại hóa các phòng thí nghiệm, các trung tâm phân tích…

Cùng với đó, Nhà trường cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện các hệ thống văn bản quản lý; cụ thể hóa những quy chế, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Nhà trường thành những giải pháp quản lý đào tạo hợp lý, thích hợp với từng đối tượng và bổ sung chỉnh sửa những quy định không còn phù hợp; phân cấp quản lý nhằm nâng cao trách nhiệm, phát huy động lực và tính chủ động, sáng tạo của người đứng đầu các đơn vị; chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, viên chức quản lý; xây dựng tiêu chí và thực hiện đánh giá giảng viên thường xuyên; xây dựng kế hoạch để bồi dưỡng giảng viên bậc cao; tiếp tục triển khai các giải pháp để quảng bá, hỗ trợ tư vấn tuyển sinh. Chuẩn bị đội ngũ cán bộ, xây dựng lộ trình mở mới các ngành đào tạo.

Trưởng Đoàn Công tác - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa

Thay mặt Đoàn giám sát, Trưởng Đoàn Công tác - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa ghi nhận những đóng góp của Trường Đại học Mỏ - Địa chất trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành khoa học đặc thù; đồng thời nhấn mạnh, vấn đề đào tạo tiến sĩ cần phải được nhìn nhận, đánh giá từ nhu cầu xã hội, sứ mệnh các trường, công tác tuyển sinh, chiêu sinh, quy trình đào tạo, hiệu quả đào tạo, kể cả khâu hậu kiểm, việc thực hiện chính sách pháp luật… Những ý kiến, kiến nghị của trường là cơ sở để góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ trong thời gian tới.

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Thành viên Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc

Trường Đại học Mỏ - Địa chất là một trong những trường Đại học đầu tiên ở Việt Nam được Chính phủ cho phép mở bậc đào tạo trên đại học vào năm 1976

Qua  hơn 55 năm thực hiện nhiệm vụ đào tạo đại học và trên 45 năm đào tạo trình độ tiến sĩ, Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã triển khai và thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Để bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ của Trường Đại học Mỏ - Địa chất trong thời gian tới, Nhà trường kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế chính sách đãi ngộ hợp lý để thu hút cán bộ, nhà khoa học giỏi, chuyên gia nước ngoài

Thay mặt Đoàn giám sát, Trưởng Đoàn Công tác - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa ghi nhận những đóng góp của Trường Đại học Mỏ - Địa chất trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành khoa học đặc thù

Đoàn giám sát nhấn mạnh, vấn đề đào tạo tiến sĩ cần phải được nhìn nhận, đánh giá từ nhu cầu xã hội, sứ mệnh các trường, công tác tuyển sinh, chiêu sinh, quy trình đào tạo, hiệu quả đào tạo, kể cả khâu hậu kiểm, việc thực hiện chính sách pháp luật

Đoàn giám sát tham quan phòng thí nghiệm của Trường Đại học Mỏ - Địa chất

Thu Phương - Nghĩa Đức