Tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực báo chí

28/07/2014

Sáng 28-7, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức hội nghị Tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực báo chí.

Giáo sư Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đến dự phát biểu khai mạc và chủ trì hội nghị.

Gần 50 đại biểu là nhà nghiên cứu khoa học, chuyên gia, đại biểu Quốc hội khóa XIII, lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Thông tin Truyền thông, cơ quan thống tấn báo chí, phát thanh truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tham gia thảo luận sôi nổi về tình hình thi hành chính sách, pháp luật về báo chí; những bất cập trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về báo chí; tiêu chuẩn thành lập và điều kiện hoạt động của cơ quan báo chí; tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quy trình bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí; vấn đề về tài chính của cơ quan báo chí.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, nhà báo Đỗ Quý Doãn tham vấn về tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quy trình bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí

Đại diện các cơ quan thông tấn báo chí trong cả nước như: Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh, Tổng công ty truyền thông đa phương tiện VTC, Báo Tiền Phong, VietNamNet, cũng đã trao đổi xoay quanh vấn đề bảo vệ bản quyền trên truyền hình; vấn đề liên kết trong hoạt động sản xuất chương trình truyền hình; vấn đề cung cấp thông tin và bảo vệ nguồn tin trên báo chí, trả lời và cải chính trên báo chí; thực trạng hoạt động của báo điện tử, những khó khăn bất cập và giải pháp quản lý hoạt động của báo điện tự hiện nay…

Cũng tại hội nghị, các cơ quan Bộ Thông tin Truyền thông, Sở Thông tin Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, Vụ thông tin Báo chí Bộ Ngoại giao cũng đã có những bài tham luận xoay quanh vấn đề báo chí và hoạt động của báo chí như: Công tác quản lý nhà nước, hoạt động đào tạo, tính chuyên nghiệp, trách nhiệm và quyền hạn, quan hệ quốc tế trong hoạt động báo chí.

Giáo sư Đào Trọng Thi cho biết: Luật Báo chí được Quốc hội thông qua ngày 28-12-1989, sửa đổi, bổ sung năm 1999, đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, sau 15 năm thi hành, Luật Báo chí đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, nhất là trong điều kiện phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin hiện nay.

Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Dự án Luật Báo chí (sửa đổi) sẽ được Quốc hội khóa XII cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2015) và thông qua kỳ họp thứ 11 (tháng 3/2016)

(Theo Quân đội Nhân dân Online)