HỘI NGHỊ THAM VẤN CHUYÊN GIA GÓP Ý CHO DỰ THẢO BÁO CÁO THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT THƯ VIỆN

25/02/2019

Để chuẩn bị cho công tác thẩm tra dự án Luật Thư viện dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV, chiều ngày 25/02, Thường trực Ủy ban VH, GD, TN, TN & NĐ tổ chức Hội ghị tham vấn chuyên gia góp ý cho dự thảo Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thư viện. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thị Hoa chủ trì hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị

Tham dự phiên họp có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện Hội Thư viện Việt Nam, cùng các chuyên gia trong lĩnh vực thư viện.

Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng Luật Thư viện được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013, tạo cơ sở pháp lý để hoạt động thư viện phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, tăng cường tính chủ động trong hội nhập quốc tế.

Trên thực tế, sau gần 18 năm thực hiện, Pháp lệnh Thư viện đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thư viện đi vào nề nếp, định hướng và thúc đẩy hoạt động thư viện phát triển, đáp ứng một phần nhu cầu học tập và hưởng thụ văn hoá của nhân dân. Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, thư viện trên thế giới đã phát triển rất mạnh mẽ với xuất hiện của nhiều loại hình thư viện mới như thư viện số, thư viện thông minh, thư viện đa phương tiện... Những thay đổi về tổ chức và hoạt động thư viện, về người dùng, về người làm công tác thư viện đã dẫn đến sự thay đổi mang tính bắt buộc và tất yếu của gần như toàn bộ quy trình hoạt động của thư viện trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Hiện nay, nhiều thư viện đang đứng trước nguy cơ bị giải thể, sáp nhập; hệ thống thư viện trường học - nơi xây dựng thế hệ đọc tương lai chưa được quan tâm đúng mức; văn hóa đọc đã và đang bị lấn át mãnh mẽ bởi những hình thức tiếp nhận thông tin mới thông qua sự phát triển của các phương tiện kỹ thuật số và các trang mạng xã hội. Pháp lệnh Thư viện chưa bao quát được thực tiễn và điều chỉnh được hoạt động thư viện trước những thay đổi này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thị Hoa chủ trì hội nghị

Cũng trong thời gian qua, nhiều đạo luật quan trọng được ban hành, sửa đổi, bổ sung có những quy định tác động trực tiếp đến hoạt động thư viện như Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Luật Xuất bản năm 2012, Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018), Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014… Trong khi đó, văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động thư viện chỉ mới được ban hành dưới hình thức pháp lệnh, chưa bảo đảm vị trí pháp lý cao để điều chỉnh hoạt động được đề cập trong các đạo luật này.Trước thực trạng nói trên, việc xây dựng khung pháp lý mới để điều chỉnh hoạt động thư viện ở Việt Nam là cần thiết, không thể chậm trễ.

Hồ sơ Dự án Luật Thư viện đã được chuẩn bị theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về hồ sơ, quy trình xây dựng văn bản và việc xin ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thư viện của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, các đại biểu đánh giá cao các nội dung trong Báo cáo đã được Ủy ban góp ý rất cụ thể, chi tiết, với nhiều luận cứ, dẫn luận, minh họa chi tiết cho các nội dung góp ý. Các ý kiến thẩm tra của Ủy ban rất xác đáng. Điều này cho thấy Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã khảo sát rất sâu và nắm đúng tình hình của ngành Thư viện nước ta hiện nay cũng như xu hướng chung của thư viện thế giới.

Các đại biểu phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu cũng bày tỏ sự đồng thuận, nhất trí cao với dự thảo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội; đồng thời đánh giá rất cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, toàn diện; khách quan, trung thực, cũng như tinh thần làm việc khoa học, nghiêm túc của Ủy ban của Quốc hội đối với Dự án Luật Thư viện lần này. Các đại biểu cho rằng, với trách nhiệm của mình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã dày công nghiên cứu, tham chiếu và đối chiếu với nhiều bộ luật có liên quan đến thư viện và văn hóa đọc, như: Hiến pháp năm 2013, Luật Giáo dục, Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp… Bên cạnh đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cũng đã tổ chức các hoạt động cần thiết & quan trọng (đi khảo sát, điền dã, tổ chức tọa đàm, hội nghị, hội thảo), để xin ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý về thư viện ở Việt Nam và nhất là để có cái nhìn thực tiễn hơn, khách quan hơn chân thực hơn về việc thực hiện cơ chế, chính sách ngành thư viện, cũng như tổ chức & hoạt động sự nghiệp thư viện ở Việt Nam trong quá khứ và trong hiện tại và dự báo tương lai (phục vụ cho việc xây dựng Báo cáo Thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Thư viện năm 2019). Vì thế, các ý kiến nhận xét, góp ý của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng trong Báo cáo Thẩm tra đã cho thấy diện bao quát rộng lớn các văn bản pháp quy về công tác thư viện; tính khách quan, logic, cũng như các mối quan hệ biện chứng giữa các nội hàm được trình bày trong Dự thảo Luật Thư viện.

Để đảm bảo dự thảo Luật có tính bền vững, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Thư viện cần bổ sung các nội dung nhằm xây dựng và phát triển văn hóa đọc: khẳng định trách nhiệm xây dựng phong trào đọc ở tất cả các thư viện, đặc biệt ở hệ thống thư viện trường học (tiểu học và trung học); khẳng định Ngày Sách Việt Nam 21/4 và Ngày Sách thế giới 23/4 hàng năm để toàn xã hội chăm lo tới văn hóa đọc vào những dijo này; tất cả các thư viện công cộng cần tổ chức phòng phục vụ thiếu niện và nhi đồng nhằm xây dựng thế hệ đọc tương lai...

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, dự thảo Luật cần khẳng định người sử dụng thư viện công không phải trả tiền. Đây là bản chất ưu việt, bình đẳng, dân chủ nhất của ngành thư viện trên toàn thế giới, phù hợp với tuyên ngôn của IFLA (người dân được hưởng phúc lợi xã hội từ việc vào thư viện miễn phí). Với thư viện tư nhân, người sử dụng thư viện có thể phải trả phí nhằm duy trì và phát triển thư viện. Quy định này là hợp lý với tình hình hiện nay. Điều này sẽ tạo điều kiện để mạng lưới thư viện tư nhân phát triển.

Thu Phương – Nghĩa Đức