ỦY BAN VH,GD,TN, TN & NĐ LÀM VIỆC VỚI BỘ VH, TT & DL VỀ DỰ THẢO LUẬT ĐIỆN ẢNH (SỬA ĐỔI)

16/06/2021

Chiều ngày 16/6, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã có buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch (VHTT&DL) về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Phó Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thị Hoa chủ trì buổi làm việc.

 

Toàn cảnh buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, đại diện Ủy ban Pháp luật và các thành viên Bộ VHTT&DL.

Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/6/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 18/6/2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2009. Việc Quốc hội thông qua và ban hành Luật Điện ảnh thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển điện ảnh dân tộc, tạo cơ sở pháp lý để phát triển điện ảnh Việt Nam theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng được nhu cầu phát triển và hội nhập của điện ảnh nước nhà.

Các đại biểu cho rằng, Luật Điện ảnh ra đời đã tác động tích cực và hiệu quả đối với sự phát triển của ngành Điện ảnh, tạo điều kiện phát triển, mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực điện ảnh, thu hút các nguồn lực trong nước đầu tư và mở rộng thị trường điện ảnh Việt Nam, đóng góp tích cực vào việc nâng cao số lượng và chất lượng phim Việt Nam, tạo bước đột phá trong hoạt động phát hành, phổ biến phim, đáp ứng nhu cầu thưởng thức điện ảnh của nhân dân; tạo điều kiện, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động điện ảnh, thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về xã hội hóa các hoạt động văn hóa; tạo hành lang pháp lý cho việc tổ chức, tham gia liên hoan phim, hội chợ phim trong nước và quốc tế nhằm xúc tiến hoạt động điện ảnh, đồng thời quảng bá hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa Việt Nam cùng các điểm đến du lịch Việt Nam. Luật Điện ảnh cũng góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp và quy mô tổ chức sự kiện điện ảnh...

Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều hạn chế như: Trước sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của khoa học và công nghệ kỹ thuật số đã thay đổi căn bản ngành công nghiệp điện ảnh; công nghiệp điện ảnh hiện nay đã chuyển đổi hoàn toàn sang công nghệ kỹ thuật số, một số quy định của Luật Điện ảnh vẫn đang điều chỉnh việc sản xuất, phát hành, phổ biến phim và lưu trữ phim theo công nghệ analog trên vật liệu phim nhựa 35mm hoặc băng từ (Betacam hoặc VHS).

Bên cạnh đó, Luật Điện ảnh hiện hành chưa có quy định cụ thể liên quan đến công nghệ số trong hoạt động điện ảnh như chưa quy định cụ thể phương thức phát hành phim qua vệ tinh, trên mạng internet tại Việt Nam, thông qua các dịch vụ trên nền tảng kỹ thuật số như chiếu phim theo yêu cầu - VOD, chiếu phim trên ứng dụng OTT đối với các nhà phát hành có máy chủ đặt tại Việt Nam và nước ngoài, chưa có phương thức quản lý phù hợp, khả thi đối với sản phẩm điện ảnh phát hành, phổ biến trên không gian mạng, qua dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới, đồng thời chưa phân định được rõ trách nhiệm quản lý hoạt động phổ biến phim tại Việt Nam giữa các cơ quan chức năng; chưa quy định việc lưu trữ, sử dụng, khai thác với mục đích bảo quản, nghiên cứu, tuyên truyền giáo dục đối với phim định dạng kỹ thuật số.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông tại buổi làm việc

Để đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số, quản lý hiệu quả phương thức phát hành và phổ biến phim trên nền tảng kỹ thuật số trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, các đại biểu đều cho rằng, cần nghiên cứu, áp dụng thành tựu công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khoa học kỹ thuật tiên tiến khác để đổi mới quản lý hoạt động điện ảnh cũng như hỗ trợ phát triển nền công nghiệp. Những vấn đề này cần được quy định trong Luật Điện ảnh (sửa đổi) nhằm tạo cơ sở cho việc khuyến khích đầu tư và xây dựng chính sách quản lý phù hợp.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông cho biết, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 Chương, 50 Điều kế thừa có chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung 25 điều, quy định mới 25 điều so với Luật Điện ảnh hiện tại; bảo đảm thực hiện 4 chính sách được xác định trong Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật.

Cụ thể, Chương I: Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 10); Chương II: Sản xuất phim (từ Điều 11 đến Điều 13); Chương III: Phát hành phim (từ Điều 14 đến Điều 16); Chương IV: Phổ biến phim (từ Điều 17 đến Điều 31); Chương V: Lưu chiểu, lưu trữ phim (từ Điều 32 đến Điều 35); Chương VI: Quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh (từ Điều 36 đến Điều 45); Chương VII: Trách nhiệm quản lý nhà nước về điện ảnh (từ điều 46 đến Điều 48); Chương VIII: Điều khoản thi hành (từ Điều 49 đến Điều 50). Nội dung Luật Điện ảnh (sửa đổi) tập trung vào 04 nội dung chính trong các chính sách đã được Chính phủ thông qua ( Chính sách 1: Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; Chính sách 2: Hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; Chính sách 3: Khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; Chính sách 4: Đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật).

Nội dung dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã phù hợp với 04 chính sách đề xuất trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua. Tuy nhiên đối với chính sách 2 về hỗ trợ phát hành và phổ biến phim Việt Nam, dự thảo Luật bỏ quy định về điều kiện dịch vụ phát hành phim và dự kiến đề nghị bỏ điều kiện kinh doanh dịch vụ này khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục 4 Luật đầu tư vì các lý do: Nội dung phim sẽ được kiểm soát hiệu quả thông qua các hình thức phổ biến phim; Luật Điện ảnh (sửa đổi) đặt ra các quy định để các nhà phát hành kiểm soát nội dung phim được lưu thông phân phối trong hệ thống phát hành; Tạo điều kiện cho việc lưu thông phim trên hệ thống phát hành được nhanh chóng, thuận lợi; Tăng cường hậu kiểm và xây dựng, thực hiện các chế tài nhằm kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy định của Luật điện ảnh (sửa đổi).

Đại biểu phát biểu tại buổi làm việc

Qua nghiên cứu dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), các đại biểu cơ bản đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan soạn thảo, cho rằng hồ sơ dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được Ban soạn thảo xây dựng rất tích cực, khẩn trương, mặc dù trong thời điểm dịch diễn biến hết sức phức tạp vẫn thực hiện đảm bảo đúng tiến độ, lây được xong ý kiến của các thành viên Chính phủ để chuẩn bị cho hồ sơ chính thức trong thời gian sắp tới; hồ sơ dự thảo Luật cũng đã bám sát Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Góp ý tại buổi làm việc, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật Điện ảnh cần phải có trọng tâm và xứng tầm với sự phát triển của điện ảnh, tạo được hành lang pháp lý sao cho thật thông thoáng nhưng phải đảm bảo công bằng, lành mạnh, mở ra quy chế để lĩnh vực điện ảnh vận hành và phát triển một cách tốt nhất và nhanh nhất.

Tại buổi làm việc, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Viết Lượng khẳng định, Ủy ban ăn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cũng như Bộ VHTT&DL mong muốn sẽ có dự án luật tốt nhất trình ra Quốc hội, để việc lấy ý kiến ĐBQH, tiếp thu giải trình được thuận lợi. Cho rằng đây là dự án luật khó, có kế thừa luật cũ, nhưng mọi người trông chờ dự án luật có những điều mới để giải quyết những tồn tại, thúc đẩy hoạt động điện ảnh phát triển,

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Viết Lượng đề nghị, đối với một số nội dung được lược bỏ so với luật hiện hành, Ban soạn thảo cần xem xét thận trọng, khi lược bỏ phải gắn với đánh giá tác động, như: nội dung liên quan đến bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm;  quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân... Bên cạnh đó, một số nội dung mới, nội dung sửa đổi so với luật hiện hành cần lưu ý cân nhắc sự tương thích, thống nhất với các quy định trong các Luật khác...

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa phát biểu

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa nhấn mạnh, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) là một Luật chuyên ngành, nội dung sâu và khó nên đối với các nội dung sửa đổi, Ban soạn thảo cần xem xét thật cẩn thận, kín kẽ nhất là các quy định có nội dung liên quan đến các Luật khác. Việc xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần quan tâm xây dựng những quy định, hành lang pháp lý để các hoạt động điện ảnh theo kịp sự phát triển của công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh - một ngành công nghiệp văn hóa./.

Thu Phương- Minh Hùng