|
PGS.TS Văn Như Cương nêu quan điểm về lộ trình thực hiện đề án sẽ kết thúc vào năm 2022 |
Mới đưa ra nội dung
Tính từ năm 2002 đến nay, chương trình và SGK hiện hành của Việt Nam đã sử dụng 11 năm và theo thông lệ quốc tế, sau một thời gian (chu kỳ) nhất định, chương trình giáo dục cần được xem xét, thay đổi. Chương trình và SGK hiện đại luôn yêu cầu vận dụng sáng tạo các tri thức đã học vào phát hiện và giải quyết các vấn đề thông qua các tình huống gần gũi, có thật trong thực tế nhằm giúp học sinh sống cùng cuộc sống của xã hội, đối mặt với những thách thức có thật trong cuộc đời…
PGS.TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, định hướng đổi mới chương trình, SGK trong Đề án đã tuân thủ quy định của Luật giáo dục sửa đổi. Tuy nhiên, vì là định hướng nên Đề án thiếu các phương án cụ thể như phương án phân ban ở THPT cần được đổi mới cơ bản; trong Đề án cũng nên cụ thể hóa về mục tiêu, yêu cầu và nội dung làm cơ sở cho việc thực hiện xây dựng chương trình. Tương tự như vậy, nên định hướng cụ thể hơn việc thực hiện kế thừa và phát triển trong xây dựng chương trình, biên soạn SGK mới và cũng cần xác định rõ phương án một hay nhiều bộ SGK.
Đề án đã đề cập đến yêu cầu và điều kiện thực hiện chương trình và SGK mới, đó là cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên không có phương án giải quyết, PGS.TS Trần Thị Tâm Đan nêu vấn đề.
Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cũng cho rằng các giải pháp trong đề án do Bộ GD-ĐT soạn thảo mới chỉ đưa ra nội dung, công việc dự định phải làm chứ chưa thật sự đưa ra phương pháp giải quyết vấn đề.
Không thể dạy học theo phương pháp tổ chức hoạt động, tham quan dã ngoại, thực hành và giáo viên không thể quan tâm đầy đủ đến học sinh nếu mỗi lớp vẫn “nhồi” chật cứng 50-60 học sinh như hiện nay. Và khó có thể thực hiện hiệu quả chương trình, SGK mới với cách đào tạo giáo viên như hiện nay, cũng như với đồ dùng dạy học chất lượng kém, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết nêu.
Do đó, PGS.TS Trần Thị Tâm Đan đề nghị: “Để thực hiện được Đề án xây dựng, triển khai chương trình và SGK sau năm 2015 cần có 2 đề án, gồm: Đề án đổi mới công tác đào tạo giáo viên và chương trình đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên và Đề án chuẩn hóa cơ sở vật chất nhà trường phục vụ triển khai SGK mới. Đây là 2 yếu tố có ý nghĩa quyết định đảm bảo điều kiện thành công của Đề án”.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đề cập trong Đề án chưa thấy rõ việc phân luồng và phân ban. Phân luồng, phân ban là yêu cầu của công việc đổi mới. Nếu tiến hành phân luồng, phân ban thì trong bậc phổ thông trung học sẽ có nhiều loại trường và phải có nhiều loại chương trình, SGK khác nhau.
“Trong Đề án việc phân ban ở bậc THPT chỉ chia có 2 ban tự nhiên và xã hội, theo tôi ít nhất phải có thêm ban kinh tế. Vì số học sinh mong muốn về các ngành kinh tế và nhu cầu xã hội về lĩnh vực này cũng đến hơn 30% người lao động”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đề xuất.
Lãng phí nếu mất 8 năm mà chỉ dùng 5 năm
PGS.TS Văn Như Cương nêu quan điểm về lộ trình thực hiện đề án sẽ kết thúc vào năm 2022 (sau 8 năm), theo kinh nghiệm của ông thời gian có thể sẽ kéo dài đến 2024. Như vậy, 10 năm là thời gian quá dài, khó chấp nhận được. “Thời gian đó có thể có 2-3 vị Bộ trưởng khác nhau của ngành giáo dục, có nghĩa là phải thay “tướng” đến mấy lần. Bởi vậy, cần "đẩy nhanh tiến độ của công cuộc đổi mới này, một mặt cần thận trọng, mặt khác không thể làm ăn theo kiểu rề rà, đến đâu hay đến đó. Xã hội không thể chờ và đợi như thế”, PGS.TS Văn Như Cương đề nghị.
PGS.TS Văn Như Cương cho rằng việc gì làm trước được thì làm trước, không nhất thiết phải tuần tự. Nếu lập một “trại viết SGK” thì các tác giả sẽ tập trung toàn bộ thời gian và suy nghĩ cho công việc này.
Môn toán lớp 10 có 105 tiết học, nếu mời 3 tác giả cùng viết, mỗi tác giả viết chính 35 tiết, mỗi tiết hết một ngày thì tính cả thời gian trao đổi nhóm, chỉ cần 3 tháng là hoàn thành, PGS.TS Văn Như Cương dẫn chứng.
“Làm việc theo công thức này tôi tin rằng chắc chắn sẽ nhanh ít nhất gấp 10 lần trước đây. Sau khi chương trình các bộ môn từ lớp 1-12 (thử nghiệm) đã được thẩm định lần đầu, công việc biên soạn sách giáo khoa tập trung ở trại chỉ cần 6 tháng là nhiều nhất”, PGS.TS Văn Như Cương phân tích.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng chính đề án đã khẳng định do sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ và đời sống hiện đại, chu kỳ của một chương trình giáo dục phổ thông ngày càng rút ngắn, từ 7 đến 10 năm ở thế kỷ 20 và nay chỉ còn 5-6 năm, thậm chí ngắn hơn. Do đó, một đề án được chuẩn bị trong 8 năm với rất nhiều công sức và chi phí mà chỉ tồn tại trong khoảng thời gian 5-6 năm thì rất lãng phí.
Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, đề án cần đưa ra giải pháp thiết kế chương trình, SGK mới thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng, có những phần cứng, phần mềm và độ mở linh hoạt, cho phép tiếp nhận những yếu tố mới mà không thay đổi nhiều.