CHỦ NHIỆM ỦY BAN VĂN HOÁ, GIÁO DỤC, THANH NIÊN, THIẾU NIÊN VÀ NHI ĐỒNG TIẾP ĐOÀN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI

09/05/2019

Sáng ngày 9/05, tại Nhà Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đã có buổi tiếp Đoàn Ngân hàng Thế giới, do bà Keiko Inoue – Phụ trách Chương trình phát triển con người, giới và việc làm làm Trưởng đoàn đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Toàn cảnh buổi tiếp

Vui mừng chào đón Đoàn đại biểu Ngân hàng Thế giới đến thăm nhà Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình bảy tỏ cảm ơn sự giúp đỡ, đồng hành của Ngân hàng Thế giới với Ủy ban suốt thời gian qua trong lĩnh vực giáo dục. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình mong muốn, thời gian tới hai bên sẽ tiếp tục có thêm nhiều hoạt động nhằm làm thắt chặt và gắn bó mối quan hệ giữa Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng và Ngân hàng Thế giới hơn nữa.

Tại buổi tiếp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đã chia sẻ những hoạt động lớn của Ủy ban trong lĩnh vực giáo dục trong năm nay. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình cho biết, trong năm 2019, Ủy ban đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp ở các địa phương và dự kiến sẽ tổ chức Hội thảo Giáo dục vào cuối năm nay. Chủ nhiệm Uỷ ban Phan Thanh Bình hi vọng Ngân hàng thế giới sẽ tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ Ủy ban trong những hoạt động này. Nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa của Hội thảo Giáo dục sắp diễn ra, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình cho biết, hội thảo sẽ là cơ hội để Việt Nam có những đánh giá, nhận định khách quan về thực trạng giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam và mở ra những định hướng tốt hơn trong lĩnh vực này.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại buổi tiếp

Tại buổi tiếp, hai bên đã trao đổi và đề xuất các biện pháp khắc phục những điểm yếu trong giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam. Phía Ngân hàng thế giới nhận định, hiện trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động nghề của Việt Nam đang khá thấp. Điều này sẽ gây cản trở sự tăng trưởng của các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa chú trọng vào việc đổi mới phương pháp giảng dạy ở các trường nghề và vấn đề quản trị giáo dục ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; sự kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp còn mờ nhạt. Ngoài ra, việc cấp kinh phí theo đầu vào cũng sẽ làm giảm chất lương đào tạo giáo dục nghề nghiệp. Bởi các trường sẽ chỉ tập trung vào việc tuyển sinh và chưa quan tâm đúng mức đến kết quả, chất lượng đào tạo của mình.

Đại diện Ngân hàng Thế giới phát biểu

Để khắc phục những bất cập này, Ngân hàng thế giới cho rằng, Việt Nam cần chú trọng nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động nghề nghiệp; tăng cường xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động tốt hơn; đổi mới giáo dục nghề nghiệp; tăng cường dịch vụ việc làm; đổi mới cơ chế cấp tài chính; tăng cường mối quan hệ giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp…

Cảm ơn những chia sẻ của Ngân hàng thế giới tại buổi tiếp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đánh giá cao những đề xuất của phía Ngân hàng Thế giới đối với giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam; khẳng định đây sẽ là những thông tin, cơ sở hữu ích để Ủy ban tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những định hướng dài hạn cho giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam trong giai đoạn mới./.

Thu Phương – Trọng Quỳnh