Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ tham vấn chuyên gia về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề

25/08/2014

Ngày 25.8, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức Hội nghị tham vấn các nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục và đào tạo nghề về các quy định trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề.

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi chủ trì Hội nghị.

Tại Kỳ họp thứ Bảy, QH Khóa XIII đã cho ý kiến lần đầu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề. Trên cơ sở ý kiến của ĐBQH và ý kiến tiếp thu của Chính phủ, nay dự án Luật được đổi tên thành dự án Luật Giáo dục nghề nghiệp với phạm vi, đối tượng điều chỉnh và nội dung mở rộng hơn nhằm bao quát toàn bộ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật Giáo dục hiện hành. Các đại biểu tham dự Hội nghị cho rằng, Ban soạn thảo cần cung cấp lập luận và lý lẽ cũng như chứng minh sự cần thiết của sự thay đổi này; đánh giá tác động pháp lý của việc sửa đổi. Trên tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, nên sắp xếp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện nay. Dự thảo Luật đã thống nhất hai hệ thống trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, nhưng vẫn duy trì tình trạng phân biệt cao đẳng nghề và các trường cao đẳng khác. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu cụ thể các cơ chế, chính sách, giải pháp khả thi để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình giáo dục nghề nghiệp, có thể tham khảo các mô hình xã hội hóa công tác dạy nghề ở Pháp, Đức đã có từ hàng trăm năm nay và khá thành công. Cần phát triển hình thức đào tạo theo địa chỉ thông qua hợp đồng của các trường nghề với những tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhân lực, không nhất thiết phải đào tạo theo chương trình của nhà trường mà đào tạo theo yêu cầu của chủ thể đặt hàng...

Sửa đổíi Luật Dạy nghề lần này sẽ là một bước hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, vì thế Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng hơn để có Luật Dạy nghề thực sự đổi mới, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam.

(Theo Đại biểu Nhân dân)