Tọa đàm tham vấn chuyên gia về đổi mới căn bản, toàn diện trong giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông

29/12/2016

Sáng 15/12, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức tọa đàm tham vấn chuyên gia về đổi mới căn bản, toàn diện trong giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ngô Thị Minh chủ trì tọa đàm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH, GD, TN, TN và NĐ Ngô Thị Minh phát biểu tại Tọa đàm

Tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các nhà nghiên cứu, chuyên gia, cán bộ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Trong đó, các nội dung liên quan đến giải pháp đổi mới phương pháp dạy và học, cơ sở vật chất giáo dục, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục … được các đại biểu quan tâm cho ý kiến.

Đa số các đại biểu tham dự đều nhận định, chất lượng cán bộ làm công tác giáo dục và quản lý giáo dục ở nước ta là tương đối tốt. Tuy nhiên điều kiện để thực hiện giáo dục nhìn chung ở tất cả các bậc học  (cả giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông) còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về cơ sở vật chất.

Phó GS. TS Trần Thị Tâm Đan - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, điều kiện để thực hiện hoạt động giáo dục ở nước ta trên thực tế rất yếu kém, trong khi nhu cầu học của người dân Việt Nam lại rất cao. Do vậy, để giải quyết được những vấn đề cốt lõi và bức thiết nhất của giáo dục thì cần phải đổi mới điều kiện giáo dục. Bên cạnh đó, thay đổi phương pháp dạy và học theo định hướng tập trung phát triển con người, năng lực cá nhân thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tiễn.

Các đại biểu cũng chỉ ra rằng, hiện nay số lượng những cơ sở dạy học kiên cố ở nước ta là rất thấp, đối với giáo dục mầm non mới ở mức 62%. Vì vậy, các đại biểu cho rằng, trong thời gian tới, nhà nước cần quan tâm đầu tư đúng mức và có những chính sách rõ ràng để giải quyết vấn đề này. Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị miễn toàn bộ học phí cho giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, kể cả giáo dục công lập và tư thục vì cho rằng trẻ em là lứa tuổi cần được nuôi dưỡng, chăm sóc, chưa làm ra tiền của cho xã hội và luật pháp cũng cấm lao động trẻ em. Bởi vậy để tạo điều kiện tốt nhất cho giáo dục thì phải có sự đầu tư đúng mức, đất nước càng nghèo thì càng phải ưu tiên giáo dục như một quốc sách hàng đầu, bảo đảm quyền được giáo dục của trẻ em và không bắt trẻ em phải có nghĩa vụ gì, có như vậy giáo dục mới có thể phát triển bền vững và đưa đất nước thoát nghèo.

Khẳng định nhà giáo có vai trò nhất định trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục, một số chuyên gia cho rằng, cùng với việc thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn, khả năng sư phạm, đạo đức nghề nghiệp cho giáo viên mầm non, phổ thông, chúng ta cần có những chính sách sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo yên tâm thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình.

Theo Luật sư, Phó GS. TS Chu Hồng Thanh, để đổi mới căn bản, toàn diện trong giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông thì không thể bỏ qua việc đảm bảo cuộc sống cho nhà giáo. Do đó, cần cân nhắc việc nâng dần mức lương và phụ cấp nghề nghiệp của giáo viên mầm non và phổ thông, thậm chí còn phải bảo đảm tiến tới lương giáo viên phải nằm ở mức cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp.

Phát biểu kết thúc buổi tọa đàm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh cảm ơn và tiếp thu những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu, chuyên gia. Những ý kiến này sẽ là cơ sở hữu ích để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng làm việc sâu hơn với Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan có liên quan về vấn đề  đổi mới căn bản, toàn diện trong giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông trong thời gian tới.

Thu Phương

Các bài viết khác