CẦN CHÍNH SÁCH ĐƯA DI SẢN VĂN HÓA TRỞ THÀNH TRỤ CỘT PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở VIỆT NAM

08/03/2019

Ngay sau Lễ ký kết Chương trình hợp tác giai đoạn 2019- 2021, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng và Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Văn hóa và phát triển”. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình và Viện trưởng Nguyễn Quang Thuấn đồng chủ trì buổi tọa đàm.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Tọa đàm còn có sự tham dự của các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Tọa đàm diễn ra với 03 chuyên đề: Di sản văn hóa và phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay; Giá trị đạo đức; Văn hóa mạng và các chiều tác động, với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học. Tọa đàm sẽ là cơ sở bước đầu để đặt vấn đề và gợi mở vấn đề cho những nội dung nghiên cứu và thảo luận tiếp theo.

Bàn về vấn đề di sản văn hóa và phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam Nguyễn Thị Phương Châm cho biết, tháng 09/2015, Liên hợp quốc đã đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 để thay thế cho "Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ" trước đó. Trong các mục tiêu phát triển mới, di sản văn hoá được xác định là một trụ cột của phát triển bền vững. Trong đó có mục tiêu kêu gọi tất cả các nước trên thế giới làm cho các thành phố và khu vực sinh sống của con người trở nên toàn diện, an toàn, thịnh vượng và bền vững thông qua việc tăng cường bảo vệ di sản văn hoá và di sản thiên nhiên của loài người. Sự thay đổi mang tính đột phá về mô hình và mục tiêu phát triển sang hướng mang tính nhân văn và sinh thái hơn của Liên Hợp quốc đồng thời cũng đòi hỏi phải có sự nhận thức đúng và đầy đủ hơn về chức năng, vai trò cũng như nội hàm của di sản văn hoá trong sự phát triển bền vững của loài người.

Các đại biểu phát biểu ý kiến tại tọa đàm

Trong nhận thức mới, di sản văn hoá  là sản phẩm của sự sáng tạo của con người. Nó không chỉ đóng vai trò mang tính quyết định trong việc đem lại sự phát triển kinh tế bao trùm, giúp xoá đói giảm nghèo, tạo ra sự thịnh vượng về mặt kinh tế, mà còn là nền tảng tạo ra sự gắn kết xã hội, đảm bảo sự phát triển bình đẳng, nhân văn và có bản sắc. Do vậy, chúng ta cần nhận thức được đầy đủ hơn về vai trò, chức năng của di sản văn hoá cũng đồng thời đòi hỏi phải mở rộng nội hàm khái niệm di sản văn hoá theo cách hiểu đầy đủ hơn, không còn chỉ đơn thuần là các di sản vật thể đơn lẻ (một ngôi đình, một cái nhà cổ...) mà còn là các cảnh quan văn hoá, các thành tố lịch sử, các thành tố văn hoá có tính tương liên, đặc biệt là hệ các thực hành văn hoá phi vật thể (tri thức địa phương, vũ trụ quan sinh thái, tinh thần tương thân, tương ái, nhân văn, lễ hội, nghi lễ, phong tục...).

Trao đổi tại tọa đàm, các đại biểu cũng cho rằng, di sản văn hóa làm giàu bản sắc văn hóa tạo nền tảng quan trọng cho giao lưu và hội nhập quốc tế - những yếu tố thúc đẩy cho phát triển xã hội bền vững. Không chỉ vậy, di sản văn hóa còn góp phần tạo ra vốn kinh tế, vốn xã hội và vốn văn hóa – những nguồn vốn quan trọng hỗ trợ đắc lực cho phát triển xã hội bền vững. Đồng thời, góp phần nuôi dưỡng tính nhân văn, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, tạo động lực cho phát triển xã hội bền vững.

Các đại biểu cho rằng, vấn đề di sản văn hóa và phát triển bền vững là vấn đề lớn. 17 mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hợp quốc đưa ra trong năm 2015 chưa phải đã được Việt Nam lĩnh hội và thực hiện một cách đầy đủ. Chính vì vậy các vấn đề lớn này không thể giải quyết được trong một cuộc tọa đàm mà cần có những nghiên cứu chuyên sâu, những cuộc hội thảo lớn với sự chuẩn bị kỹ lưỡng cũng như sự tham gia của nhiều cơ quan khoa học và cơ quan quản lý. Từ đó, nhìn nhận rõ những vấn đề đặt ra từ mối quan hệ giữa di sản văn hóa và phát triển bền vững: vấn đề chính sách; vấn đề nghiên cứu; vấn đề nhận thức về di sản văn hóa như là một trụ cột trong phát triển bền vững; vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa để đạt được sự phát triển bền vững.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Quốc Hưng cho biết, hiện ở nước ta đang có 02 xu hướng bảo tồn di sản văn hóa: bảo tồn nguyên trạng, nguyên gốc và bảo tồn phát huy. Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Quốc Hưng, trong lĩnh vực du lịch thì bảo tồn di sản buộc phải đi liền với khai thác để đưa di sản văn hóa  đó đi vào thực tiễn cuộc sống, đóng góp tích cực vào cuộc sống xã hội. Trong quá trình bảo tồn giữ cái tinh hoa, nhưng cũng nên có phát huy sao cho phù hợp với đời sống thực tiễn. Nếu di sản được giữ gìn, bảo tồn quá chặt chẽ, thì di sản đó không thu hút được người đến, dần cũng trở thành phế tích. Bởi vậy, trong thời gian tới, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cần có thêm buổi tọa đàm chuyên sâu để  trao đổi kỹ hơn về nội dung này, để tổng kết lại thành quả các nghiên cứu về di sản văn hoá cũng như các biện pháp bảo vệ và phát huy di sản trước đây, và chỉ ra những hạn chế về mặt khoa học và thực tiễn trong nghiên cứu và bảo vệ, phát huy di sản. Trên cơ sở đó, nhận diện những vấn đề nghiên cứu trước đây còn bỏ ngỏ và thảo luận để đề xuất, xây dựng các chương trình, chính sách nhằm làm cho di sản văn hoá trở thành trụ cột của phát triển bền vững ở Việt Nam như mục tiêu của Liên hiệp quốc đề ra.

Thu Phương